Nga tung thêm các đòn trừng phạt ngắm vào Mỹ. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Gói trừng phạt mới của Nga
Ngày 6/6, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, nước này đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào 61 quan chức Mỹ.
Danh sách gồm có Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai, Giám đốc Truyền thông Nhà Trắng Kate Bedingfield và Giám đốc Cục Quản lý hành chính và ngân sách Shalanda Young.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết thêm, danh sách trừng phạt bao gồm những người đứng đầu các tập đoàn quân sự, công nghiệp, nền tảng truyền thông, hãng sản xuất máy bay và đóng tàu, cũng như các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ "liên quan đến báo cáo giả mạo về các cuộc tấn công mạng của Nga".
Những cá nhân này sẽ bị cấm nhập cảnh vào Nga, nhằm trả đũa việc "Mỹ không ngừng mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với các nhân vật chính trị và công chúng của Nga, cũng như đại diện doanh nghiệp của nước này". (Reuters)
Nga tuyên bố kiểm soát hoàn toàn thành phố Severodonetsk
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 7/6 cho biết, các binh sĩ Nga đã kiểm soát hoàn toàn khu vực dân cư ở Severodonetsk, thành phố chiến lược ở miền Đông Ukraine.
Phát biểu trong một cuộc họp của Bộ Quốc phòng, ông Shoigu nhấn mạnh các khu vực dân cư ở Severodonetsk đã được "giải phóng hoàn toàn" và quân đội Nga vẫn đang tìm cách thiết lập kiểm soát đối với “các khu công nghiệp và các khu vực gần nhất” ở thành phố Severodonetsk.
Theo Bộ trưởng Shoigu, số lượng tù binh Ukraine đã lên tới hơn 6.400 người. (AFP)
Đức ủng hộ lệnh trừng phạt đối với Nga
Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 7/6 cho rằng, Nga sẽ không thể duy trì năng lực quân sự do các lệnh trừng phạt cứng rắn của phương Tây nhằm vào Moscow liên quan cuộc xung đột ở Ukraine.
Phát biểu với báo giới nhân chuyến thăm Vilnius (Lithuania), Thủ tướng Scholz nêu rõ: "Chúng tôi hiện áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng khiến nền kinh tế Nga thụt lùi trong nhiều thập kỷ, điều đó có nghĩa là Nga sẽ không thể tham gia vào tiến bộ kinh tế và công nghệ toàn cầu. Thậm chí là nước này sẽ không thể duy trì năng lực quân sự của mình". (Reuters)
Mỹ vẫn muốn duy trì kênh liên lạc với Nga
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định, Washington muốn duy trì các kênh liên lạc với Nga.
Phát biểu họp báo thường kỳ, ông Price nhấn mạnh: "Chúng tôi cho rằng các đường dây liên lạc, các kênh đối thoại lúc nào cũng quan trọng, nhưng đặc biệt quan trọng trong thời điểm căng thẳng gia tăng hoặc, như trong trường hợp này, thậm chí là xung đột hay chiến tranh. Chúng tôi muốn các kênh liên lạc được duy trì".
Vì lý do đó, Mỹ kiên quyết phản đối các bước đi của Nga mà họ cho là phi lý, dẫn đến việc cắt giảm phái đoàn ngoại giao của Mỹ tại Moscow. (Sputnik)
Hàn Quốc và Mỹ tập trận không quân chung
Giới chức Hàn Quốc cho biết, ngày 7/6, nước này và Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận chung phô diễn sức mạnh không quân phối hợp trên biển Hoàng Hải, với sự tham gia của 20 máy bay chiến đấu.
Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc cho biết, nước này huy động 16 máy bay chiến đấu, gồm các loại F-35 và F-15K và KF-16, trong khi phía Mỹ triển khai 4 chiến đấu cơ F-16 tham gia cuộc tập trận lần này.
Đây là động thái tiếp theo nhằm thể hiện khả năng sẵn sàng tác chiến của 2 nước đồng minh. (Yonhap)
Mỹ cam kết tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine
Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre ngày 6/6 cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine.
Phát biểu họp báo, bà Jean-Pierre nói: "Nga tiếp tục giành lợi thế và đạt bước tiến hạn chế ở một số khu vực nhất định của Ukraine.
Đó là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục chuyển vũ khí và trang thiết bị (cho Kiev) nhanh nhất có thể. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó.
Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để trao cho Ukraine sức mạnh, qua đó họ có thể tự vệ và nếu có cơ hội đàm phán, họ sẽ có thể đàm phán trong thế mạnh". (TASS)
Cựu quan chức Mỹ: Ukraine ít khả năng giành chiến thắng
Hugh De Santis, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, người giám sát Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và hoạch định chính sách kiểm soát vũ khí dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan cho biết, Ukraine sẽ không thể giành chiến thắng trước Nga, và Washington phải thuyết phục Kiev đàm phán với Moscow để chấm dứt xung đột.
Ông De Santis cũng viết trong một bài báo rằng, việc đánh bại các lực lượng Nga trên chiến trường và giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ Ukraine "sẽ là đòn giáng mạnh đối với chiến dịch của Moscow”.
Tuy vậy, ông lập luận: “Liệu việc đó có xứng đáng để máu tiếp tục đổ ở Ukraine, gia tăng khả năng làm bùng phát một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn, trong đó vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc hóa học có thể được sử dụng, làm gián đoạn thêm nền kinh tế thế giới và sự phân cực mới của châu Âu?”
Theo ông De Santis, câu trả lời cho câu hỏi này là không.
“Chiến thắng của quân đội Ukraine không phải là một phương án khả thi. Và một kết quả dựa trên thương lượng là mục tiêu thực tế duy nhất.” (RT)
Ukraine tiếp tục kêu gọi thêm vũ khí
Phát biểu với tờ Guardian, ông Aleksei Arestovich, cố vấn Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine cần có ít nhất 60 hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS) để có thể "đánh bại" quân Nga - nhiều hơn cả tổng số lượng hệ thống tên lửa Vương quốc Anh và Mỹ hứa hẹn sẽ cung cấp.
Ông Arestovich cho rằng MLRS là "loại vũ khí có khả năng thay đổi tình hình một cách căn bản" ở Ukraine và theo quan điểm của ông, các nước phương Tây không cung cấp đủ hệ thống này cho Kiev.
Ông hối thúc phương Tây viện trợ vũ khí này nhiều hơn nữa và cung cấp loại có tầm bắn xa hơn.
Thủ tướng Anh vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ở Quốc hội
Ngày 6/6, theo kết quả cuộc bỏ phiếu, được Chủ tịch Ủy ban 1922 của đảng Bảo thủ công bố, Thủ tướng Boris Johnson đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với 211 phiếu ủng hộ và 148 phiếu chống; tương đương 59% ủng hộ.
Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Johnson nhấn mạnh, đây là kết quả mang tính thuyết phục và chính phủ của ông cùng đảng cầm quyền "sẽ tiếp tục tập trung vào các vấn đề mà người dân thực sự quan tâm". (Guardian)
Trung Quốc bí mật xây dựng hạ tầng hải quân ở Campuchia?
Báo Washington Post ngày 6/6 dẫn lời các quan chức phương Tây giấu tên nói rằng, Trung Quốc đang bí mật xây dựng hạ tầng hải quân ở Campuchia để sử dụng độc quyền. Cụ thể, cơ sở này sẽ nằm ở phần phía Bắc của quân cảng Ream thuộc vịnh Thái Lan.
Các quan chức giấu tên nói rằng việc xây dựng cơ sở hải quân Trung Quốc ở Campuchia là một phần trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm tạo nên một hệ thống cơ sở hạ tầng quân sự trên khắp thế giới, nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành cường quốc toàn cầu thực sự.
Khi được đề nghị bình luận, Đại sứ quán Campuchia tại Washington nói trong một tuyên bố rằng họ “hoàn toàn không đồng ý với nội dung và ý nghĩa của bài báo vì đưa ra cáo buộc vô căn cứ nhằm tạo nên hình ảnh tiêu cực về Campuchia”.
Tuyên bố nói rằng Campuchia “tuân thủ nghiêm ngặt” hiến pháp của đất nước, trong đó quy định không cho quân đội nước ngoài hiện diện trên đất Campuchia.
Hiện Trung Quốc chưa có bình luận gì về việc này.
Trung Quốc kêu gọi giải quyết khủng hoảng lương thực
Ngày 6/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế tạo môi trường hòa bình, ổn định để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay.
Ông Triệu Lập Kiên cho biết, hiện nguồn cung cấp lương thực toàn cầu đang trong tình trạng khan hiếm.
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khiến những nhà xuất khẩu lương thực quan trọng của các nước này gần như rút khỏi hệ thống thương mại lương thực toàn cầu.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga, khiến tình hình ngày càng trở nên xấu hơn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, quyền được sống là quyền lớn nhất của con người và nạn đói là kẻ thù chung của nhân loại.
Trước tình hình hiện nay, cộng đồng quốc tế cần cùng nhau thúc đẩy đàm phán, sớm lập lại hòa bình, tạo môi trường hòa bình, ổn định để giải quyết khủng hoảng lương thực.
Theo ông Triệu Lập Kiên, các biện pháp trừng phạt sẽ không giúp hạ nhiệt tình hình căng thẳng trong khu vực mà chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực và có thể dẫn đến thảm họa nhân đạo lớn hơn. (THX)
Trung Quốc-Nhật Bản đề cao hợp tác song phương
Ngày 7/6, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có cuộc điện đàm với Cố vấn An ninh quốc gia Nhật Bản Takeo Akiba, trong đó hai bên đều đề cao sự hợp tác trong mối quan hệ song phương.
Trong bối cảnh quan hệ Trung-Nhật đan xen những vấn đề cũ lẫn mới, ông Dương Khiết Trì nhấn mạnh hai nước cần giải quyết những khó khăn và thách thức.
Hai bên cần đi đúng hướng, hợp tác cùng có lợi, coi trọng tình hình chung và lâu dài, tăng cường tin cậy lẫn nhau về mặt an ninh, cùng nỗ lực đưa quan hệ Trung-Nhật ổn định, lành mạnh và bền chặt trong 50 năm tới và cùng nhau bảo vệ hòa bình và thịnh vượng trong khu vực.
Về phần mình, ông Akiba cho biết phía Nhật Bản sẵn sàng hợp tác sâu rộng với Trung Quốc, xử lý phù hợp các khác biệt và tăng cường trao đổi về các vấn đề song phương nhạy cảm cũng như các vấn đề quốc tế quan trọng nhằm cùng nhau xây dựng quan hệ Nhật-Trung mang tính xây dựng và ổn định.
Trong cuộc điện đàm, hai bên cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. (Kyodo)
Brunei cải tổ nội các
Ngày 7/6, trong bài phát biểu đặc biệt được phát sóng trên toàn quốc, Quốc vương Brunei Sultan Haji Hassanal Bolkiah đã tuyên bố cải tổ nội các.
Theo quyết định này, các vị trí bộ trưởng cấp cao trong chính phủ Brunei có sự thay đổi bao gồm Bộ trưởng Nội vụ Haji Awang Abu Bakar, Bộ trưởng Tài nguyên và Du lịch Haji Ali và Bộ trưởng Phát triển Haji Suhaimi.
Bản thân Quốc vương Hassanal Bolkiah tiếp tục giữ chức Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Tài chính và kinh tế. (THX)