Ông Kin Wah Moy được Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cử làm tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam. (Nguồn: Wikimedia Common) |
Xung đột ở Ukraine
* Ukraine muốn đồng minh gửi cố vấn quân sự: Ukraine đã gửi văn bản chính thức nêu rõ đề nghị các đồng minh phương Tây cử cố vấn quân sự đến huấn luyện lực lượng trên lãnh thổ quốc gia Đông Âu.
Thông tin này do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra. Có suy đoán rằng, ông Macron có thể nhanh chóng thông báo gửi cố vấn quân sự người Pháp tới Kiev ngay sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Ukraine ngày 7/6, song ông khẳng định, các đồng minh sẽ cùng nhau đưa ra quyết định. (AFP)
* Pháp sẽ chuyển giao máy bay chiến đấu Mirage 2000-5 cho Ukraine và đào tạo phi công cho quốc gia Đông Âu này ngay từ mùa Hè năm nay, theo lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 6/6.
Nhà lãnh đạo không nêu rõ số lượng máy bay chiến đấu sẽ chuyển giao, trong khi Bộ Quốc phòng không cung cấp thông tin chi tiết khi được hãng tin AFP đặt câu hỏi.
Ngoài ra, Paris sẽ giúp huấn luyện một lữ đoàn có 4.500 binh sĩ Kiev, nhấn mạnh rằng đây "không phải là một yếu tố gây leo thang căng thẳng".
* Ukraine sử dụng HIMARS tấn công các mục tiêu dân sự ở vùng Belgorod của Nga.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã chỉ ra rằng, các mảnh vỡ từ đạn rocket trong Hệ thống Tên lửa pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) là bằng chứng cho các vụ tấn công này. (Reuters)
* Mexico và Nicaragua từ chối tham gia hội nghị hòa bình về Ukraine, dự kiến tổ chức tại Thụy Sỹ vào ngày 15-16/6.
Thông báo từ Đại sứ quán Mexico tại Nga nêu rõ, dù đã nhận lời mời, Mexico chọn không tham dự hội nghị, đồng thời bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán sắp tới sẽ có sự tham dự của cả hai bên trong cuộc xung đột này.
Nicaragua cũng tuyên bố không tham dự vì coi hội nghị này chỉ nhằm mục đích "đưa ra tối hậu thư cho Nga". (Sputnik)
* Ukraine đặt nhiều kỳ vọng vào hội nghị hòa bình ở Thụy Sỹ: Ngày 7/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ hy vọng, hội nghị thượng đỉnh do Thụy Sỹ tổ chức "có thể trở thành hình thức mang lại một kết cục công bằng" cho cuộc xung đột ở quốc gia Đông Âu.
Khẳng định để có được một nền hòa bình công bằng, "cần phải làm nhiều điều hơn nữa", ông nhận định, châu Âu "không may không còn là lục địa hòa bình nữa" và "chính Ukraine bảo đảm an ninh" của châu lục này. (AFP)
* Lãnh đạo Mỹ-Ukraine thảo luận sâu về xung đột với Nga: Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có một số cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky ở Pháp và Italy trong những ngày này nhằm thể hiện tình đoàn kết của Washington với Kiev.
Theo Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, các cuộc gặp sẽ “thực sự cho phép hai nhà lãnh đạo thảo luận sâu rộng vào mọi khía cạnh và mọi vấn đề của cuộc xung đột”, cũng như cách thức Mỹ và đồng minh có thể tiếp tục tăng cường hỗ trợ cho Ukraine.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, ông không cho phép Ukraine tấn công sâu 200 dặm (320 km) trong lãnh thổ Nga cũng như thủ đô Moscow và Điện Kremlin. (NBC News)
Châu Âu
* Bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) bước vào ngày thứ 2 trong cuộc bầu cử kéo dài 4 ngày ở Liên minh châu Âu (EU) từ 6/6. Trong ngày này, cử tri ở Ireland và Cộng hòa Czech đã bắt đầu tham gia bỏ phiếu, sau quốc gia đầu tiên tiến hành là Hà Lan.
Ireland sẽ có 14 nghị sĩ tại EP, chiếm 2% trong số 720 ghế, trong khi tại Czech, các chính trị gia phải đối mặt với sự thờ ơ của cử tri.
Hầu hết 27 quốc gia EU, trong đó có các cường quốc Đức và Pháp, đều tổ chức bỏ phiếu vào ngày 9/6, với tổng cộng 370 triệu người đủ điều kiện bỏ phiếu. (AFP)
* Nga cáo buộc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron làm gia tăng căng thẳng khắp châu Âu khi cho rằng, nhà lãnh đạo có những tuyên bố mang tính khiêu khích cao độ về Ukraine.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, ông Macron đã tuyên bố dành sự ủng hộ tuyệt đối cho Kiev và sẵn sàng để Pháp can dự trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine. (RIA)
* Căng thẳng biên giới Ba Lan-Belarus gia tăng khi một binh sĩ Ba Lan bị một người di cư đâm chết ở biên giới chung của hai nước.
Ngày 6/6, Bộ Ngoại giao Ba Lan đã triệu đại biện Belarus và trao công hàm yêu cầu Minsk "chấm dứt các hành động khiêu khích ở biên giới cũng như việc tổ chức làn sóng di cư”.
Theo bộ trên, các công tố viên đang điều tra vụ tấn công và kêu gọi Belarus "xác định và bàn giao nghi phạm trong vụ sát hại công dân Ba Lan". (Politico)
Châu Á-Thái Bình Dương
* Nga lo, Mỹ theo sát tình hình Bán đảo Triều Tiên: Ngày 7/6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, nước này đang lo lắng theo dõi tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên vốn đang xấu đi.
Theo bà, các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn Quốc dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. (Reuters)
Trong khi đó, Phó phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Sabrina Singh nói rằng, nước này đang tiếp tục tham vấn các đối tác trong khu vực như Hàn Quốc và Nhật Bản, chú ý theo dõi các hành động gần đây của Triều Tiên sau khi Seoul quyết định đình chỉ toàn bộ hiệu lực của Thỏa thuận quân sự liên Triều ngày 19/9/2018. (Reuters, Yonhap)
* Trung Quốc tập trận ở một số khu vực trên Biển Hoa Đông, với sự tham gia của nhiều tàu cao tốc quân sự.
Ngày 7/6, Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc đưa tin, cuộc tập trận diễn ra trong nhiều ngày và các tàu nói trên đã sử dụng vũ khí thật, là một phần của hoạt động quân sự mà Bắc Kinh thường xuyên tiến hành để cải thiện khả năng chiến đấu và phản ứng nhanh của lực lượng hải quân. (Reuters)
* Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật-Mỹ-Hàn tập trận chung ngoài khơi biển Nhật Bản hôm 6/6, với sự tham gia của các tàu tuần tra của mỗi nước và 2 trực thăng.
Nội dung cuộc tập trận là hoạt động tìm kiếm cứu nạn ở vùng biển ngoài khơi bờ biển Maizuru thuộc tỉnh Kyoto, dựa trên kịch bản giải cứu thuyền viên khỏi một tàu Hàn Quốc bốc cháy sau khi va chạm với một tàu khác. (AP)
* Nga-Trung Quốc hợp tác phát triển tuyến đường biển qua Bắc Cực sau khi cơ quan hạt nhân nhà nước Rosatom của Nga ký biên bản ghi nhớ với một công ty vận tải biển Trung Quốc hôm 6/6.
Rosatom cho biết, thỏa thuận của cơ quan này với Công ty TNHH Vận tải NewNew Hải Nam của Trung Quốc sẽ thành lập một liên doanh về thiết kế và đóng tàu container cũng như hoạt động vận chuyển chung của hãng tàu thông qua Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) của Bắc Cực.
Hai bên lên kế hoạch 12 chuyến đi vào năm 2024 và hy vọng sẽ đạt được việc vận chuyển tới 50 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. (Reuters)
* Hạm đội Hàn Quốc tới Hawaii tham dự tập trận RIMPAC, bao gồm các tàu hải quân như tàu khu trục được trang bị Aegis ROKS Yulgok Yi I Aegis nặng 7.600 tấn, tàu ngầm ROKS Lee Beom-seok nặng 1.800 tấn, máy bay giám sát hàng hải P-3, máy bay trực thăng Lynx và 6 phương tiện đổ bộ tấn công của Hàn Quốc.
Hạm đội có khoảng 840 lính Hải quân và Thủy quân lục chiến nước này, rời căn cứ hải quân ở đảo miền Nam Jeju vào 7/6 để tham dự cuộc tập trận "Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC)", theo kế hoạch diễn ra từ ngày 26/6 đến ngày 2/8.
Đây là lần thứ 18 Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận, trong đó có khoảng 40 tàu, 3 tàu ngầm, 150 máy bay và khoảng 25.000 quân nhân từ 29 quốc gia, bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Australia, cũng sẽ tham gia. (Yonhap)
Trung Đông-châu Phi
* Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi ngừng cung cấp vũ khí cho Israel trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev ở Ankara ngày 7/6.
Ông Erdogan nhấn mạnh: "Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để cung cấp viện trợ nhân đạo. Các sáng kiến của chúng tôi, bao gồm tất cả các quy trình pháp lý, vẫn tiếp tục".
Theo ông, các quốc gia cung cấp đạn dược và vũ khí cho Israel phải ngừng trở thành đối tác của nước này. (Anadolu)
* Phong trào Houthi bắt giữ các nhân viên cứu trợ: Tổ chức Nhân quyền Mayyun của Yemen cho biết, ít nhất 18 nhân viên cứu trợ đã bị bắt tại 4 khu vực do phe nổi dậy Houthi chiếm giữ ở nước này, trong đó có 10 nhân viên từ các cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ).
Tổ chức nhân quyền Mayyun đánh giá, đây là sự leo thang nghiêm trọng, vi phạm các đặc quyền và quyền miễn trừ của nhân viên LHQ; đồng thời mô tả những vụ bắt cóc này là "các hoạt động tống tiền nhằm đạt được lợi ích chính trị và kinh tế". (AFP)
* Palestine sẵn sàng cho chính quyền thống nhất hậu xung đột Gaza, theo lời Thủ tướng nước này Mohammed Mustafa. Ông nói thêm “cần phải chuẩn bị tốt cho việc thành lập một nhà nước Palestine”.
Theo đó, chính quyền của Tổng thống Palestine Mahmud Abbas đồng ý sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm của mình khi xung đột Gaza kết thúc, nhằm khôi phục sự đoàn kết của người dân và giới lãnh đạo nước Hồi giáo. (AFP)
* LHQ cảnh báo nguy cơ xung đột leo thang dọc biên giới Israel-Lebanon: Người phát ngôn Stephane Dujarric của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết, các cuộc đụng độ qua "Đường Xanh" (đường phân giới giữa Lebanon và Israel) tiếp diễn có nguy cơ dẫn tới xung đột rộng hơn với những hậu quả khủng khiếp cho khu vực.
Theo ông Dujarric, Tổng thư ký Guterres nhắc lại lời kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức. (AFP)
Châu Mỹ
* Tổng thống Joe Biden đề cử tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam là nhà ngoại giao chuyên nghiệp gốc Hoa Kin Wah Moy, sinh năm 1966, có gần 30 năm làm việc trong ngành ngoại giao và từng nhận giải thưởng cao quý của Tổng thống Mỹ. Nhà Trắng đã chuyển đề cử này đến Thượng viện hôm 5/6.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Kin Wah Moy hiện đang giữ chức Phó Trợ lý Ngoại trưởng Thường trực đặc trách Văn phòng Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương của bộ này.
Trang web của Quốc hội Mỹ cho hay, ông Moy từng giữ chức vụ Phó thư ký điều hành của Văn phòng Ngoại trưởng Hillary Clinton và Chánh văn phòng Ban thư ký Điều hành của Văn phòng Ngoại trưởng Condoleezza Rice. (TTXVN)
* Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ thăm Lào và Nhật Bản: Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel J. Kritenbrink sẽ tới Vientane từ ngày 6-8/6 và Tokyo từ ngày 9-10/6.
Tại Lào, ông Kritenbrink sẽ tham gia các Hội nghị quan chức cấp cao (SOM) của Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) để nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với vai trò trung tâm của ASEAN, cũng như an ninh và thịnh vượng của các đối tác, đồng thời các quan chức cấp cao nước chủ nhà.
Tại Nhật bản, Trợ lý Ngoại trưởng Kritenbrink sẽ gặp các quan chức cấp cao của nước này để tái khẳng định cam kết của Mỹ với liên minh hai nước và thảo luận về cách tăng cường hợp tác song phương trong một loạt các cơ hội và thách thức chính. (Bộ Ngoại giao Mỹ)
* Đại hội đồng LHQ bầu Chủ tịch khóa 79 là cựu Thủ tướng Cameroon Philemon Yang. Ông Yang sẽ kế nhiệm Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 78 Denis Francis khi Khóa họp lần thứ 79 của cơ quan này khai mạc vào ngày 10/9 tại trụ sở LHQ ở New York.
Chủ đề và thông điệp chính của ông Yang trong nhiệm kỳ sắp tới sẽ là “sự thống nhất trong đa dạng, vì sự tiến bộ của hòa bình, phát triển bền vững và phẩm giá con người cho mọi người ở muôn nơi”. (UN News)
* Mỹ theo dõi chặt chẽ việc tàu chiến Nga đến Cuba: Bộ Ngoại giao Cuba xác nhận rằng, một đội tàu chiến của Nga, bao gồm tàu khu trục Almirante Gorshkov và tàu ngầm hạt nhân Kazan sẽ đến Havana từ ngày 12-17/6.
Về động thái này, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby tuyên bố, Washington sẽ theo dõi chặt chẽ, song khẳng định không coi chuyến thăm này là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. (Reuters)
* Bolivia mong muốn đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Nga, theo lời Tổng thống Bolivia Luis Arce tại một cuộc gặp riêng với người đồng cấp Nga Vladimir Putin ở St. Petersburg.
Theo ông Arce, hai nhà lãnh đạo đã cùng nhau thúc đẩy một chương trình nghị sự nhằm tăng cường quan hệ song phương trong các lĩnh vực thương mại, năng lượng hạt nhân và công nghiệp hóa lithium.
Tổng thống Bolivia mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Moscow trong việc giúp nước này gia nhập Nhóm Các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS). (TASS)