Sân bay quốc tế Erbil lại bị tấn công. |
Căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq lại bị tấn công
Sáng 7/7, căn cứ quân sự Mỹ đặt tại sân bay quốc tế Erbil đã bị tấn công bởi hàng chục tên lửa và máy bay không người lái.
“Cuộc tấn công được tiến hành lúc 22h30 tối 6/7 (giờ địa phương). Báo cáo sơ bộ cho thấy, không có ai thiệt mạng trong cuộc tấn công này. Dù hỏa hoạn đã xảy ra trong một khu vực, nhưng ngọn lửa nhanh chóng bị dập tắt”, thông cáo của tổ chức Kurdistan CT cho biết.
Phát ngôn viên quân đội Mỹ, Đại tá Wayne Marotto, trong một thông cáo sau đó đã xác nhận về vụ tấn công, đồng thời nói rằng, giới chức Mỹ sẽ sớm cập nhật tình hình tại sân bay Erbil “sau khi có thêm thông tin”. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Tấn công dồn dập vào căn cứ Mỹ ở Iraq, sân bay Erbil chịu trận, còi báo động rền vang Lãnh sự quán Mỹ |
Mỹ-Trung Quốc có thể ‘tồn tại trong hoà bình’
Ngày 6/7, Điều phối viên về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Nhà Trắng Kurt Campbell cho rằng, Trung Quốc và Mỹ có thể cùng tồn tại trong hòa bình.
Tuy nhiên, quan chức Mỹ nhận định, thách thức để đảm bảo việc Mỹ-Trung Quốc cùng tồn tại hòa bình sẽ rất lớn đối với thế hệ này và thế hệ tiếp theo.
Bên cạnh đó, ông Campbell còn bày tỏ hy vọng, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau theo hình thức nào đó trước khi "quá lâu".
Ngoài ra, ông Campbell cũng chỉ trích cách tiếp cận của Trung Quốc đối với đồng minh của Mỹ là Australia, cho rằng điều này thể hiện sự gay gắt có vẻ "không nhượng bộ".
Quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đã rơi vào trạng thái tồi tệ nhất trong nhiều thập niên, sau một loạt các đòn trừng phạt kinh tế và ngoại giao song phương, cũng như các cáo buộc về nguồn gốc đại dịch Covid-19. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Phán quyết của Tòa Trọng tài: Vẫn là cơ sở mạnh mẽ mà không cần sự công nhận của Trung Quốc * |
Mỹ chính thức cấm bay đến Belarus
Ngày 6/7, Bộ Giao thông Mỹ thông qua lệnh cấm bán vé cho các chuyến bay giữa Mỹ và Belarus, nhằm trừng phạt việc Minsk ép một máy bay thương mại của hãng Ryanair (Ireland) hạ cánh khẩn cấp và bắt giữ nhà hoạt động đối lập có mặt trên chuyến bay hôm 23/5.
Lệnh này có hiệu lực ngay lập tức và cũng áp dụng với việc đi lại “xen kẽ”, trong đó, vé sẽ được bán qua một hãng hàng không có những chuyến bay do nhiều hãng hàng không khác khai thác.
Quyết định chủ yếu mang tính biểu tượng vì thực tế, có rất ít vé máy bay đến Belarus do các hãng lữ hành đặt tại Mỹ được bán ra.
Tuy nhiên, lệnh trên vẫn cho phép chính phủ Mỹ đưa ra “những ngoại lệ theo từng trường hợp đối với bất kỳ hoạt động vận tải nào được cho là liên quan đến lợi ích quốc gia của Mỹ, trên cơ sở nhân đạo hoặc an ninh quốc gia”. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Mặc phương Tây trừng phạt, Belarus khẳng định tự tin ứng phó |
Trung Quốc khẳng định có thể thay thế hệ thống quản trị phương Tây
Tại Hội nghị thượng đỉnh giữa đảng Cộng sản Trung Quốc và các chính đảng trên thế giới ngày 6/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc đã chứng tỏ một giải pháp khả thi thay thế cho hệ thống quản trị của phương Tây và Bắc Kinh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các nước khác.
“Lịch sử và thực tiễn đã và sẽ chứng minh, con đường mà Trung Quốc đang đi là đúng đắn và phù hợp. Và chúng tôi sẽ tiếp tục bước trên hành trình đầy tươi sáng này cho cả chính chúng tôi và lợi ích của thế giới” - ông Tập chia sẻ.
Ông Tập nhấn mạnh rằng, các quốc gia đều phải tìm kiếm bất cứ điều gì tốt nhất cho mình và do đó, Bắc Kinh sẵn sàng trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm với các đảng phái chính trị của tất cả các quốc gia.
Cũng trong bài phát biểu, ông Tập chỉ trích Mỹ rằng không nước nào có thể áp đặt nền dân chủ cho các nước khác và mỗi nước nên chọn giải pháp của riêng mình. (SCMP)
TIN LIÊN QUAN | |
Trung Quốc ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới cao nhất trong 6 tháng |
Trung Quốc nói Nhật Bản chớ đánh giá thấp mình
Ngày 7/7, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên chỉ trích bình luận của Phó Thủ tướng Nhật Taro Aso về việc Tokyo sẽ phối hợp cùng Washington bảo vệ Đài Loan là “cực kỳ sai trái và nguy hiểm”.
Theo ông Triệu Lập Kiên, bình luận của Phó Thủ tướng Nhật đã làm suy yếu nền tảng chính trị trong quan hệ Trung-Nhật. Bắc Kinh cũng rất lấy làm tiếc, cực lực phản đối bình luận của ông Aso và đã gửi văn bản ngoại giao phản đối tới Nhật.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh: Bắc Kinh ngày hôm nay không còn như ở thời kỳ Nhật xâm lược Mãn Châu năm 1931 và ngay sau đó là chiến tranh Trung-Nhật lần thứ 2 năm 1937. Trung Quốc lúc này sẽ không cho phép bất cứ ai can thiệp vào vấn đề Đài Loan dù bằng bất cứ cách nào.
“Không ai được phép đánh giá thấp đại quyết tâm, ý chí mạnh mẽ và năng lực phi thường của người dân Trung Quốc trong bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”, ông Triệu kết luận bằng cách nhắc lại chính xác từng lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. (THX)
TIN LIÊN QUAN | |
Nhật Bản: Trung Quốc có nguy cơ 'trả giá đắt' cho sự hăm dọa ở Biển Đông |
Nga bác cáo buộc về tấn công mạng
Ngày 7/7, Đại sứ quán Nga tại Mỹ khẳng định Moscow không đứng sau các cuộc tấn công mạng, đồng thời cho rằng các cáo buộc vô căn cứ gây cản trở các cuộc thảo luận và hợp tác giữa Nga và Mỹ trong lĩnh vực an ninh mạng.
Tuyên bố của Đại sứ quán Nga nêu rõ: "Chúng tôi lưu ý tới bài báo của Bloomberg đăng ngày 6/7, trong đó cáo buộc ‘các tin tặc chính phủ Nga’ xâm nhập hệ thống máy tính của Ủy ban quốc gia đảng Cộng hòa (RNC). Chúng tôi rất tiếc về những lời bịa đặt như vậy".
Đại sứ quán Nga tại Washington cũng kêu gọi các nhà báo "thực hiện đạo đức nghề nghiệp và dừng việc vu cáo".
Tuyên bố có đoạn viết: "Chúng tôi muốn nhắc lại rằng trong cuộc gặp giữa tổng thống Nga và Mỹ tại Geneva, an ninh mạng là một trong những vấn đề trọng tâm. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí nối lại đối thoại về vấn đề quan trọng này. Chúng tôi tự tin rằng một cuộc thảo luận chuyên nghiệp về tất cả các vấn đề liên quan đến an ninh mạng sẽ cho phép các chuyên gia chung tay cải thiện an ninh của cơ sở hạ tầng thông tin của cả 2 nước. Những lời buộc tội không mong muốn dựa trên lời khai của một số nguồn ẩn danh sẽ chỉ làm hỏng việc". (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Thượng đỉnh Nga-Mỹ: Tia hy vọng bên bờ vực thẳm |
Nga bắt giữ lãnh sự Estonia vì nhận tài liệu mật
Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết, lãnh sự Estonia, ông Mart Latte bị bắt khi nhận tài liệu mật từ một công dân Nga.
Phía Nga cáo buộc ông Latte có hành động không phù hợp với địa vị một nhà ngoại giao và công khai thù địch với Nga.
FSB nhấn mạnh: “Các biện pháp được áp dụng với nhà ngoại giao này phù hợp luật pháp quốc tế”.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Estonia, bà Aari Lemmik cho biết, FSB đã giam giữ ông Latte trong một tiếng rưỡi với cáo buộc biển thủ tài liệu nhạy cảm. Bà Aari Lemmik đánh giá các cáo buộc là không có căn cứ. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Estonia đề cập tình hình Ukraine kèm hiệp ước biên giới Nga-Estonia trong điện đàm 2 ngoại trưởng, Nga đáp trả ẩn ý |
Anh sẽ tiếp tục cho tàu đi qua lãnh hải Ukraine
Trong một cuộc điều trần tại Hạ viện Anh, Ngoại trưởng nước này Dominic Raab tuyên bố, các tàu của vương quốc này sẽ tiếp tục đi vào "lãnh hải của Ukraine".
Khi bình luận về vụ việc xảy ra với tàu khu trục HMS Defender, Bộ trưởng Raab cho rằng, tàu của Anh đã đi theo lộ trình ngắn nhất và thẳng nhất.
Ông nói: "Đây là tuyến đường di chuyển được quốc tế công nhận. Chúng tôi có toàn quyền tự do đi lại qua lãnh hải Ukraine theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy".
Hồi cuối tháng 6, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, tàu Defender đã vượt qua biên giới nước này gần Mũi Fiolent (Crimea). Tàu biên phòng và máy bay Nga sau nhiều lần cảnh báo đã nổ súng cảnh cáo dọc lộ trình của tàu khu trục này.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng và Văn phòng chính phủ Anh khẳng định, tàu khu trục Defender của họ không bị bắn và không ở trong lãnh hải Nga. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Nga ném bom tàu địch giả định ở Biển Đen, Mỹ khẳng định không trở ngại với NATO |
Đức bắt giữ một nhà khoa học bị cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc
Theo đài truyền hình công cộng Đức ARD, nhân vật bị bắt giữ 75 tuổi, được tiết lộ tên không đầy đủ là Klaus L. do luật bảo mật cá nhân của Đức. Người này điều hành Quỹ Hanns Seidel ở Munich từ năm 2001 trước khi thành lập Viện Nghiên cứu xuyên quốc gia. Quỹ này liên kết với Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) - đảng "chị em" với đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel.
Nhà chức trách Đức cáo buộc ông Klaus L. được tình báo Trung Quốc tuyển dụng khi đang giảng dạy tại Đại học Đồng Tế ở Thượng Hải vào giữa năm 2010. Ông Klaus L. được cho là thường xuyên cung cấp thông tin cho phía Trung Quốc, đổi lại, ông này nhận được tiền và chi phí cho các chuyến đi đến các quốc gia khác. Thông tin được gửi tới đầu mối Trung Quốc "trước hoặc sau mỗi chuyến thăm cấp nhà nước hoặc hội nghị đa quốc gia, cũng như về một số vấn đề nhất định".
Klaus L. bị bắt giữ khi đang cùng vợ trên đường đến sân bay Munich để bay sang Macao gặp gỡ các đầu mối Trung Quốc. Cảnh sát đã tịch thu các ổ đĩa cùng máy tính của ông và thực thi lệnh khám xét tài sản.
Đài truyền hình công cộng Đức ARD cho biết, Klaus L. là điệp viên hai mang vì ông này đã làm việc cho cơ quan tình báo Đức (BND) trong nửa thế kỷ với tư cách là “liên lạc viên tình báo”. Klaus L. đã dành nhiều năm ra và vào trụ sở BND ở Pullach, gần Munich. Theo ARD, nhân vật này đã gây dựng được những mối liên hệ tốt trong quá trình làm việc, trong đó có cả ban lãnh đạo của BND. (DW)
TIN LIÊN QUAN | |
Gián điệp mạng Trung Quốc bị nghi triển khai chiến dịch tấn công ồ ạt bất thường nhằm vào Mỹ |
WHO: Đại dịch Covid-19 vẫn đang ở giai đoạn rất nguy hiểm
Đây là thông điệp do Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra trong phiên họp Hội đồng điều phối của chương trình hợp tác toàn cầu “Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với Covid-19”, ngày 6/7.
Người đứng đầu WHO chỉ ra rằng, nhiều nước có đủ công cụ để chống lại virus đã bắt đầu thu hẹp những biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát đại dịch. Trong khi đó, một số không được tiếp cận đầy đủ với các phương thức chống dịch đang phải đối mặt với làn sóng nhập viện và tử vong vì Covid-19.
“Thực tế thì những ca nhiễm và tử vong tại các khu vực này, phần lớn đều có thể tránh được” – ông Ghebreyesus nói, đồng thời kêu gọi cộng đồng thế giới huy động mọi phương thức theo khuyến cáo của WHO để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Từ những lập luận trên, ông Ghebreyesus nhấn mạnh, chúng ta phải rút ra bài học từ đại dịch Covid-19, trong khi cộng đồng thế giới cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho việc lặp lại tình huống tương tự trong tương lai. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Hơn 4 triệu người trên toàn cầu tử vong vì dịch Covid-19 |
Tổng thống Haiti bị ám sát tại nhà
Chiều ngày 7/7, Thủ tướng lâm thời Haiti Claude Joseph thông báo Tổng thống nước này Jovenal Moise đã bị ám sát tại nhà riêng.
Cụ thể, một nhóm tay súng chưa rõ danh tính đã tấn công vào nhà riêng của Tổng thống Moise trong đêm và bắn chết ông. (Reuters)
| Khi thế giới quan về 'mối đe dọa' thay đổi, Nga tính toán những gì? Quan điểm về "mối đe dọa" của Nga đã có sự thay đổi, được thể hiện rõ trong chiến lược an ninh quốc gia mới. ... |
| Tin thế giới 6/7: Nga khuyên Mỹ bớt ngây thơ, kêu gọi Anh ngừng khiêu khích; NATO sẽ 'chìm nghỉm' nếu xung đột ở Biển Đen? Trung Quốc bóng gió Mỹ Quan hệ Nga-Mỹ; căng thẳng ở Biển Đen và quan hệ Nga với NATO, Anh; quan hệ EU-Trung Quốc, tình hình Belarus, Afghanistan, vụ máy ... |