Việc Mỹ được cho là sẽ gửi bom chùm tới Ukraine đã làm dấy lên một số ý kiến quan ngại - Ảnh: Vỏ bom chùm được phát hiện gần thành phố Avdiivka, Ukraine ngày 23/3/2023. (Nguồn: Getty Images) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga: Ukraine muốn lôi kéo NATO tham chiến: Ngày 6/7, viết trên Telegram, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết: “Chúng tôi kêu gọi chính quyền Kiev thực hiện trách nhiệm và tác động… để tránh một thảm họa quy mô lớn. Giới tinh hoa cầm quyền phương Tây nên hiểu thất bại trên thực địa khiến Kiev rất muốn tạo cớ để triển khai lực lượng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tới Ukraine, thổi phồng xung đột khu vực thành Thế chiến III”.
Nhà ngoại giao này cũng khẳng định tin Các Lực lượng Vũ trang Nga (VS RF) đang chuẩn bị tấn công nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là vô lý, bởi công dân của xứ bạch dương vẫn đang làm việc tại đây. (TASS)
* Ukraine đề nghị tham gia CPTPP: Ngày 7/7, Nhật Bản cho biết Ukraine đã gửi đề nghị xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tới New Zealand, quốc gia phụ trách tiếp nhận yêu cầu tham gia khối.
Bộ trưởng Kinh tế Shigeyuki Goto cũng cho biết nước này, với tư cách là thành viên CPTPP, “phải đánh giá cẩn thận liệu Ukraine có đáp ứng đầy đủ mức độ cao của thỏa thuận” về cách tiếp cận thị trường và các quy tắc hay không.
CPTPP được thiết lập vào năm 2018, hiện gồm 12 thành viên là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Peru, New Zealand, Singapore, Anh và Việt Nam. Sau khi kết nạp Anh làm thành viên thứ 12, CPTPP đã trở thành thị trường của hơn 500 triệu dân với tổng GDP vượt mức 13.600 tỷ USD. (Reuters)
* VSU nêu tiến triển mới gần Bakhmut: Ngày 7/7, ông Serhiy Cherevatyi, người phát ngôn của Bộ Tổng Tham mưu Các Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU) cho biết: “Các lực lượng phòng thủ tiếp tục giữ thế chủ động, gây áp lực lên đối thủ, triển khai các đợt tấn công mới, tiến dọc theo sườn phía Bắc và phía Nam. Đặc biệt, trong ngày qua, họ đã tiến được hơn một km”. Theo ông, VSU đã có “một phần thành công” gần làng Klishchiivka, phía Tây Nam khu vực Bakhmut.
Trước đó, các nhà phân tích quân sự Ukraine nhận định việc chiếm được Klishchiivka sẽ giúp nước này lấy lại Bakhmut, vốn do Nga kiểm soát từ tháng Năm. Tuy nhiên, RIA (Nga) trích dẫn một nguồn tin từ VS RF cho biết các lực lượng của Moscow đã đẩy lùi một cuộc tấn công của Kiev vào Klishchiivka và đang tiến hành đánh bật các binh sĩ Ukraine còn lại trong khu vực. (Reuters)
* Ukraine muốn mua hai lò phản ứng hạt nhân của Bulgaria: Ngày 6/7, phát biểu sau khi phái đoàn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có chuyến thăm đầu tiên tới Sofia, Thủ tướng Bulgaria Nikolay Denkov cho biết: “Chúng tôi đã bắt đầu đàm phán nghiêm túc về sử dụng các lò phản ứng từ nhà máy điện hạt nhân Belene - cho một nhà máy ở Ukraine.
Đây mới chỉ là bước khởi đầu của đàm phán, vì nhiều thông số kỹ thuật, tài chính và kinh tế cần được thảo luận”. Trước đó, hai lò phản ứng Bulgaria mua từ Nga hơn 5 năm trước được dùng cho dự án nhà máy điện hạt nhân Belene, hiện đã bị bỏ dở do Nga không còn tham gia lắp đặt các lò phản ứng và Bulgaria không thể tự thanh toán hóa đơn.
Đa số các nghị sĩ Bulgaria đã nhất trí cho Sofia 30 ngày đàm phán bán các lò phản ứng hạt nhân cho Kiev với giá 600 triệu euro – mức giá Công ty Điện lực Quốc gia thuộc sở hữu nhà nước Bulgaria đã trả cho Công ty Atomstroyexport (Nga) để mua hai lò phản ứng, máy tạo hơi nước và phần còn lại của các thiết bị. (Euractiv)
* Mỹ quyết định cung cấp bom chùm cho Ukraine, Đức nói gì? Ngày 7/7, một số nguồn thạo tin ngày 7/7 cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định cung cấp hàng nghìn quả bom chùm cho Ukraine trong gói viện trợ quân sự mới trị giá tới 800 triệu USD để.
Giới chức Mỹ cho biết họ mong đợi khoản viện trợ quân sự cho Ukraine sẽ được công bố vào ngày 7/7 (theo giờ địa phương). Các vũ khí này sẽ được lấy từ kho dự trữ của Lầu Năm Góc và sẽ bao gồm xe chiến đấu bộ binh, xe bọc thép Bradley và Stryker, loạt đạn dược như đạn dùng cho lựu pháo và Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS).
Về phần mình, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết Berlin phản đối gửi bom, đạn chùm tới Ukraine. Tại một hội nghị về khí hậu ở Vienna (Áo) ngày 7/7, bà nhận định: “Tôi đã theo dõi các báo cáo của giới truyền thông. Đối với chúng tôi, là một quốc gia thành viên, thỏa thuận Oslo được áp dụng”.
Hơn 2/3 trong số 30 quốc gia trong NATO đã ký kết Công ước 2010 về bom, đạn chùm. Do đó, nhiều ý kiến đa bày tỏ quan ngại về thái độ các đồng minh của Mỹ, cũng như khả năng vấn đề này gây chia rẽ trong nội bộ phương Tây. (Reuters/RT)
Mỹ-Trung
* Mỹ muốn cạnh tranh lành mạnh với Trung Quốc: Ngày 7/7, gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường trong khuôn khổ chuyến thăm Bắc Kinh, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhấn mạnh: “Chúng tôi tìm kiếm sự cạnh tranh kinh tế lành mạnh. Điều chúng ta cần là một bộ quy tắc công bằng, có thể mang lại lợi ích cho cả hai theo thời gian, thay vì tư tưởng ‘người chiến thắng sẽ có tất cả’”.
Hy vọng chuyến thăm sẽ thúc đẩy các kênh liên lạc song phương thường xuyên hơn, bà nhận định cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều có nhiệm vụ “thể hiện vai trò lãnh đạo” với những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu. (Reuters)
Nga-Mỹ
* Nga chỉ trích tuyên bố của Mỹ về an toàn bay ở Syria: Ngày 6/7, trong bài phát biểu với truyền thông và được đăng trên trang Telegram, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đã nhận định về thông tin quân nhân nước này cản trở nỗ lực của xứ cờ hoa trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria.
Ông nói: “Chúng tôi tin rằng những nhận xét như vậy, đôi khi vượt quá giới hạn của phép lịch sự, đối với các hành động mang tính chuyên nghiệp cao của quân nhân Nga ở Syria là không hợp lý.
Họ chuyển sự chú ý khỏi thực tế là chính người Mỹ hàng ngày vi phạm các quy tắc an toàn bay trong không phận Syria”. Nhà ngoại giao Nga cũng cáo buộc lính Mỹ “được triển khai tại Cộng hòa Arab trái với luật pháp quốc tế”.
Trước đó, Bộ Tư lệnh Trung tâm Lực lượng Không quân Mỹ đã cáo buộc các phi công điều khiến máy bay chiến đấu Nga có “hành vi thiếu chuyên nghiệp” trên không phận Syria trong hai ngày qua. Đáp lại, quan chức Moscow cũng nhiều lần cáo buộc lực lượng Mỹ vi phạm các giao thức giảm xung đột ở Syria. (Sputnik)
Nam Á
* New Zealand sẽ “đối thoại cứng rắn” với Trung Quốc: Ngày 7/7, phát biểu tại Viện Quan hệ Quốc tế New Zealand (về quan hệ với Trung Quốc), Thủ tướng nước này Chris Hipkins nêu rõ: “Một mối quan hệ bền chặt, trưởng thành và phức tạp có nghĩa là chúng ta sẽ có những cuộc trao đổi khó khăn... nhưng tôi nghĩ đối thoại vẫn tốt hơn là không làm điều đó”.
Cuối tháng trước, tại cuộc gặp giữa ông và người đồng cấp Trung Quốc Lý Cường, hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại và đầu tư song phương. Đại diện của Trung Quốc và New Zealand cũng đã ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác về thương mại, nông-lâm nghiệp, giáo dục, khoa học và đổi mới. (Reuters)
Đông Bắc Á
* Nhật Bản phản đối Hàn Quốc tập trận ở Dokdo/Takeshima: Ngày 7/7, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã triệu một nhà ngoại giao cấp cao tại Đại sứ quán Hàn Quốc phản đối về cuộc tập trận của các lực lượng Seoul ở gần đảo Dokdo/Takeshima.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nhật Bản nêu rõ: “Takeshima chắc chắn là lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản, dựa trên sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế. Cuộc tập trận của quân đội Hàn Quốc là không thể chấp nhận được và vô cùng đáng tiếc”. Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul cũng ra tuyên bố tương tự.
Trước đó cùng ngày, giới chức quốc phòng của Seoul cho biết hồi tháng trước, nước này đã tập trận quân sự thường kỳ để tăng cường khả năng phòng thủ tại khu vực nước này gọi là quần đảo Dokdo, trong khi Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Takeshima. Từ lâu, hai nước láng giềng Đông Á đã tranh chấp chủ quyền đối với nhóm đảo nhỏ nằm ở trên Biển Nhật Bản này. (Reuters)
* Hàn Quốc: Tác động của việc xả nước thải từ Fukushima là “không đáng kể”: Ngày 7/7, Bộ trưởng điều phối chính sách Hàn Quốc Bang Moon Kyu cho hay nước này đã đánh giá riêng về kế hoạch xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản.
Ông cho biết, Hàn Quốc nhận thấy Nhật Bản sẽ đáp ứng hoặc vượt các tiêu chuẩn quốc tế quan trọng. Theo quan chức này, nghiên cứu tập trung vào việc liệu việc xả thải có ảnh hưởng đến vùng biển của Hàn Quốc hay không và kết quả cho thấy nó sẽ gây ra “hậu quả không đáng kể”. (AFP)
Châu Âu
* Ba nước ký Biên bản ghi nhớ về Sáng kiến Lá chắn Bầu trời Châu Âu: Ngày 7/7, chính phủ Thụy Sĩ thông báo Bộ trưởng Quốc phòng nước này, Đức và Áo đã ký một biên bản ghi nhớ về tham gia Sáng kiến Lá chắn Bầu trời Châu Âu (European Sky Shield). Đây là một kế hoạch phòng không chung do Đức thiết lập vào năm 2022 nhằm tăng cường khả năng phòng không của châu Âu, vấn đề đã trở thành tâm điểm chú ý hơn từ khi xung đột tại Ukraine bùng phát. (Reuters)
* Đầu đạn hạt nhân Nga đã tới Belarus: Ngày 6/7, Tổng thống Alexander Lukashenko cho biết một số lượng đầu đạn hạt nhân nhất định của Nga đã tới Belarus và việc chuyển giao sẽ hoàn thành muộn nhất là cuối năm nay. Nhấn mạnh Belarus không có kế hoạch tấn công hạt nhân, song ông Lukashenko cũng khẳng định nước này sẽ “phản ứng ngay lập tức” một khi bị gây hấn. (NHK)
* Đức tìm cách tăng thêm quân đội ở Kosovo: Ngày 7/7, trả lời phóng viên sau cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Áo và Thụy Sĩ tại Bern (Thụy Sĩ), Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết Berlin có thể gửi thêm binh sĩ để củng cố sứ mệnh gìn giữ hòa bình KFOR của NATO ở Pristina sau nhiều tuần bạo lực ở các khu vực chủ yếu có đông người Serbia sinh sống.
Quan chức này tuyên bố: “Theo yêu cầu của đồng nghiệp người Áo của tôi, Klaudia (Tanner), hiện chúng tôi đang xem xét liệu chúng tôi có thể tăng cường một chút sự tham gia của mình trong nhiệm kỳ (nghị viện) hiện tại để giải vây cho Áo hay không”. (Reuters)
Trung Đông-Châu Phi
* Tuần hành chống cải cách tư pháp tiếp diễn tại Israel: Ngày 6/7, các cuộc tuần hành phản đối kế hoạch cải cách tư pháp đã diễn ra bên ngoài nhà của nhiều nghị sĩ, quan chức cấp cao của Nhà nước Do Thái nhưNghị sĩ Boaz Bismuth; Bộ trưởng Giáo dục Yoav Kisch; Bộ trưởng Đổi mới, Khoa học và Công nghệ Ofir Akunis; Bộ trưởng Các vấn đề về người di cư Amichai Chikli; Bộ trưởng Tình báo Gila Gamliel; Chủ tịch Quốc hội Amir Ohana; Bộ trưởng Nông nghiệp Avi Dichter; Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và Bộ trưởng Y tế Moshe Arbel.
Hai người tuần hành đã bị bắt bên ngoài nhà Chủ tịch Quốc hội Amir Ohana, bốn người bị bắt bên ngoài nhà của Bộ trưởng Tình báo Gila Gamliel. Người tuần hành cũng hai lần chặn đường cao tốc Ayalon ở Tel Aviv. (Jerusalem Post)