📞

Tin thế giới 8/1: Ông Trump chấp nhận thất bại; Ông Biden đổ lỗi cho ông Trump về vụ bạo loạn; Triều Tiên mong muốn ‘mở cửa'

Quang Đào 19:45 | 08/01/2021
TGVN. Hậu bầu cử Mỹ 2020; Bạo loạn tại Mỹ; Bán đảo Triều Tiên; quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản, Mỹ-Trung Quốc... là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Hậu Bầu cử Mỹ 2020

Tổng thống Trump chấp nhận thua, cam kết chuyển giao quyền lực suôn sẻ

Ngày 7/1, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump cho biết, trọng tâm của ông lúc này là chuyển sang bảo đảm một cuộc chuyển giao quyền lực suôn sẻ, trật tự và liền mạch.

Trong video dài gần 3 phút đăng trên tài khoản Twitter của mình vào tối 7/1, trước tiên Tổng thống Donald Trump lên án vụ tấn công nhằm vào trụ sở Quốc hội Mỹ. Ông Trump cho biết, ông đã lập tức triển khai Lực lượng Vệ binh quốc gia và lực lượng thực thi pháp luật liên bang để bảo vệ trụ sở Quốc hội và buộc người biểu tình rời khỏi tòa nhà này.

Liên quan đến chiến dịch pháp lý nhằm thay đổi kết quả bầu cử vừa qua, ông Trump cho rằng, mục tiêu duy nhất của ông là bảo đảm tính toàn vẹn của cuộc bầu cử.

Ông Trump cam kết: "Quốc hội đã xác nhận các kết quả. Một chính quyền mới sẽ tuyên thệ vào ngày 20/1. Trọng tâm của tôi lúc này là chuyển sang bảo đảm một cuộc chuyển giao quyền lực suôn sẻ, có trật tự và liền mạch".

Kết thúc bài phát biểu, Tổng thống Trump đưa ra lời kêu gọi về sự hàn gắn và hòa giải, đồng thời hối thúc nước Mỹ phải tiến về phía trước. (AP)

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden hoàn tất nội các

Ngày 7/1, ông Joe Biden đã chọn những thành viên cuối cùng trong nội các của mình.

Tổng thống đắc cử Joe Biden đã chỉ định Chánh án Merrick Garland cho vị trí Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Thống đốc bang Rhode Island Gina Raimondo làm Bộ trưởng Thương mại; Thị trưởng thành phố Boston Marty Walsh làm Bộ trưởng Lao động và Isabel Guzman - một quan chức phụ trách phát triển kinh tế bang Callifornia làm Chủ tịch Cục quản lý doanh nghiệp nhỏ.

Ngoài ra, ông Joe Biden cũng chọn Don Graves, một cựu cố vấn kinh tế của mình làm Thứ trưởng bộ Thương mại.

Trong tuyên bố của mình, ông Biden nhấn mạnh, những người được chọn sẽ giúp nước Mỹ vượt qua khỏi cuộc khủng hoảng việc làm và kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại. (Reuters)

Ông Trump cân nhắc tự ân xá

Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã thảo luận về khả năng tự ân xá cho chính mình trong vài tuần gần đây, một nguồn thạo tin cho biết. Đây được coi là một động thái khá bất thường đến từ đương kim tổng thống.

“Trong một số cuộc thảo luận sau ngày bầu cử, Tổng thống Trump đã nói với các cố vấn rằng ông đang cân nhắc ân xá cho chính mình. Ở một số lần khác, ông Trump đặt câu hỏi rằng liệu ông có nên làm điều đó hay không, điều đó có ảnh hưởng đến ông ấy về mặt pháp lý và chính trị hay không”, tờ New York Times tiết lộ, trích dẫn 2 nguồn giấu tên.

Một số chuyên gia pháp lý cho rằng việc tự ân xá sẽ là vi hiến vì nó vi phạm nguyên tắc không ai phải là thẩm phán trong vụ kiện của chính mình. (New York Times)

Bạo loạn tại Mỹ

Ông Biden đổ lỗi cho ông Trump về vụ bạo loạn

Ngày 7/1, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã chỉ trích những kẻ nổi loạn xông vào Đồi Capitol là "những phần tử khủng bố trong nước", đồng thời đổ lỗi cho Tổng thống Donald Trump về vụ bạo loạn làm rung chuyển thủ đô Washington và rúng động thế giới.

Theo ông Biden, cuộc biểu tình của những người ủng hộ Tổng thống Trump vốn xâm phạm an ninh của Quốc hội hôm 6/1 không phải là mất trật tự... mà đó là sự hỗn loạn". Những người tập trung đông đảo trên Đồi Capitol có ý định làm ngắt quãng phiên họp chung của Quốc hội để xác nhận chiến thắng của ông Biden trước ông Trump trong cuộc bầu cử, không phải là những người biểu tình... mà là một đám đông náo loạn, những kẻ nổi dậy, những phần tử khủng bố trong nước.

Tổng thống đắc cử Biden nhấn mạnh những hành động mà Tổng thống Trump thực hiện nhằm lật đổ các thể chế dân chủ của đất nước trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông ấy đã trực tiếp dẫn đến tình trạng lộn xộn ở Washington. (AP)

Ông Trump có thể bị điều tra về vai trò trong vụ tấn công Quốc hội

Ngày 7/1, các công tố viên liên bang Mỹ cho biết họ đang mở cuộc điều tra về vai trò của Tổng thống Donald Trump trong việc kích động đám đông những người ủng hộ xông vào bên trong trụ sở Quốc hội Mỹ hôm 6/1.

Quyền Trưởng lý tại thủ đô Washington D.C, Michael Sherwin, cho hay văn phòng của ông đang mở cuộc điều tra nhằm vào Tổng thống Trump.

Khi được phóng viên hỏi liệu các công tố viên liên bang có điều tra những tuyên bố trên hay không, ông Michael Sherwin nói: “Có. Chúng tôi sẽ xem xét mọi yếu tố, không chỉ là những người đã xông vào tòa nhà, mà cả những người khác có thể đóng vai trò hỗ trợ hay tạo điều kiện, hoặc đóng một vai trò nào đó vào diễn biến này”.

Ông Sherwin nhấn mạnh “bất cứ ai đóng vai trò, và nếu chứng cứ phạm tội được xác minh, họ sẽ bị buộc tội”. (Forbes)

Thêm 4 quan chức cấp cao Nhà Trắng từ chức

Theo một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ và một nguồn thạo tin cho hay thêm 4 cố vấn cấp cao trong Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng đã từ chức sau vụ bạo loạn ở Đồi Capitol do những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump thực hiện.

Các nguồn tin trên thông báo với hãng Reuters rằng những quan chức Mỹ nói trên từ chức hôm 7/1 trong làn sóng từ nhiệm ngày càng tăng của các trợ lý cho ông Trump, gồm Giám đốc cấp cao về các vấn đề châu Phi Erin Walsh, Giám đốc cấp cao về chính sách quốc phòng Mark Vandroff, Giám đốc cấp cao về vũ khí hủy diệt hàng loạt Anthony Rugierro cùng với Rob Greenway - Giám đốc cấp cao phụ trách các vấn đề Trung Đông và Bắc Phi. (Reuters)

Trung Đông

Iraq ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Donald Trump

Tòa án phía Đông Baghdad đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Mỹ đương nhiệm, ông Donald Trump nhằm mục đích điều tra vụ sát hại chỉ huy bán quân sự hàng đầu của Iraq, ông Abu Mahdi al-Muhandis.

Ông al-Muhandis đã thiệt mạng vào ngày 3/1/2020, trong một vụ không kích của Mỹ nhằm vào tướng Qasem Suleimani của Iran. Cuộc tấn công vào đoàn xe do ông Donald Trump chủ đích chỉ đạo.

Tòa án phía đông Baghdad cho biết đã ban hành lệnh bắt giữ ông Trump theo Điều 406 của Bộ luật Hình sự nước này và quy định hình phạt tử hình trong tất cả các trường hợp ám sát.

Cơ quan tư pháp này cho biết họ đã hoàn tất cuộc điều tra sơ bộ nhưng “các cuộc điều tra cụ thể vẫn đang tiếp tục để tìm ra những thủ phạm khác trong tội ác này, có thể là người Iraq hoặc người nước ngoài”. (The Guardian)

Iran không vội để Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân

Ngày 8/1, Nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei khẳng định nước này không vội vàng để Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015, nhưng nhấn mạnh các lệnh trừng phạt phải được dỡ bỏ ngay lập tức.

Ông Ali Khamenei đưa ra bình luận trong một chương trình truyền hình trực tiếp: "Chúng tôi không đòi hỏi hoặc vội vã để Mỹ trở lại với thỏa thuận. Nhưng nhu cầu hợp lý của chúng tôi là dỡ bỏ các lệnh trừng phạt".

Nhà lãnh đạo tối cao Iran cũng khẳng định: "Việc nhập khẩu vaccine của Mỹ và Anh đã bị cấm. Nếu Mỹ có thể sản xuất vaccine, họ sẽ chẳng thất bại trước Covid-19 ở nước họ". (Reuters)

Bán đảo Triều Tiên

Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố mở rộng quan hệ đối ngoại ‘toàn diện’

Ngày 8/1, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin, Chủ tịch Kim Jong-un đã công bố đường lối chính sách đối ngoại trong ngày họp thứ 3 hôm 7/1 của Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên.

KCNA cho biết: “Báo cáo đã nghiên cứu quan hệ với Hàn Quốc theo yêu cầu của tình hình hiện tại và thời thế thay đổi, đồng thời thông báo định hướng chung và lập trường chính sách của Đảng về mở rộng và phát triển toàn diện quan hệ đối ngoại”.

Tuy nhiên, KCNA không nói rõ thêm liệu việc mở rộng quan hệ đối ngoại có đồng nghĩa với cải thiện quan hệ với Hàn Quốc và Mỹ hay không. (KCNA)

Mỹ-Trung Quốc

Đại sứ Mỹ tại LHQ chuẩn bị thăm Đài Loan, Trung Quốc cảnh cáo 'trả giá đắt'

Ngày 7/1, phái đoàn Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, Đại sứ Mỹ tại LHQ Kelly Craft sẽ thăm Đài Loan (Trung Quốc) từ ngày 13-15/1 để tổ chức cuộc gặp với các đối tác cấp cao ở Đài Loan.

Trong một tuyên bố, phái bộ này nêu rõ: "Trong chuyến thăm, bà Craft sẽ củng cố sự hỗ trợ mạnh mẽ và liên tục của chính phủ Mỹ đối với không gian quốc tế của Đài Loan, phù hợp với chính sách Một Trung Quốc vốn được chỉ dẫn bởi Đạo luật Quan hệ Đài Loan, Ba thông cáo chung Mỹ-Trung Quốc và Sáu điều Đảm bảo đối với Đài Loan".

Phái đoàn Trung Quốc tại LHQ đã ra tuyên bố “kiên quyết phản đối” chuyến thăm và kêu gọi Washington hủy kế hoạch này, đồng thời nhấn mạnh, Đài Loan chỉ là một tỉnh của Trung Quốc theo chính sách “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh.

Phái đoàn Trung Quốc tại LHQ cảnh báo, Mỹ sẽ phải “trả một cái giá đắt” cho hành động sai trái của mình. (AFP)

Hàn Quốc-Nhật Bản

Tòa án Hàn Quốc yêu cầu Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời chiến

Tòa án quận trung tâm Seoul ngày 8/1 đã ra phán quyết đầu tiên yêu cầu Nhật Bản phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong Chiến tranh Thế giới thứ II.

Cụ thể, Tòa án tại Seoul yêu cầu Nhật Bản bồi thường cho 12 nạn nhân, mỗi người 100 triệu won (91.300 USD). Phán quyết của tòa án nêu rõ các bằng chứng đều chỉ ra các nạn nhân đã phải chịu đựng những tác động cả về thể chất và tinh thần mà tới nay vẫn chưa nhận được sự đền bù thỏa đáng.

Phán quyết mới của tòa án ở Seoul được cho là sẽ làm gia tăng căng thẳng trong quan hhệ giữa hai quốc gia láng giềng khu vực Đông Bắc Á. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã triệu Đại sứ Hàn Quốc tại nước này tới để phản đối phán quyết của tòa án Seoul. (Yonhap/Kyodo)