📞

Tin thế giới 8/11: Ukraine ra điều kiện để nối lại đàm phán với Nga, kho tên lửa 'tầm cỡ' của Triều Tiên, bầu cử giữa kỳ Mỹ bắt đầu

Quang Hiếu 19:37 | 08/11/2022
Ukraine ra điều kiện để nối lại đàm phán với Nga, đánh giá về kho tên lửa tầm cỡ của Triều Tiên, Hội nghị COP27, cử tri Mỹ bắt đầu bầu cử giữa kỳ... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Các nhà lãnh đạo thế giới chụp ảnh tập thể tại Hội nghị COP27. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine

* Ukraine nêu điều kiện chính để nối lại đàm phán với Nga: Trên trang Twitter, Thư ký Hội đồng An ninh Ukraine Oleksiy Danilov tuyên bố "điều kiện chính" để nối lại đàm phán với Nga sẽ là việc khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Ngoài ra, ông Danilov cho hay Kiev cũng cần nhận được đảm bảo liên quan đến hệ thống phòng không hiện đại, máy bay, xe tăng và tên lửa tầm xa. (Reuters)

* Nga nhận định Ukraine khó nhanh chóng gia nhập NATO: Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Zvezda của Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho rằng không có giải pháp thay thế nào để các quốc gia, trong đó có Ukraine, nhanh chóng gia nhập NATO.

Nhà ngoại giao Nga giải thích trường hợp ngoại lệ dành cho Thụy Điển và Phần Lan là vì hai quốc gia Bắc Âu này là đối tác thân thiết với NATO trong nhiều năm, và quyết định gần đây đơn thuần mang tính chính trị.

Ngoại trưởng 30 nước thành viên NATO sẽ nhóm họp hai ngày (29-30/11) tại thủ đô Bucharest (Romania), trong đó các bên sẽ thảo luận về khả năng Ukraine gia nhập liên minh quân sự này. (TASS)

* Nga khẳng định lập trường về một thế giới công bằng và dân chủ: Tại hội nghị liên đảng quốc tế "Nước Nga thống nhất", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố tình hình thế giới vẫn vô cùng căng thẳng và nhấn mạnh "khái niệm tân thuộc địa về trật tự thế giới" mà Mỹ và các đồng minh phương Tây đang thúc đẩy mâu thuẫn với "mục tiêu mà phần lớn các quốc gia theo đuổi, đó là hình thành một trật tự thế giới công bằng và thực sự dân chủ hóa các mối quan hệ".

Đồng thời, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định Nga kiên quyết duy trì lập trường về một thế giới với các mô hình chính trị và kinh tế xã hội tự do, từ đó hướng tới mục tiêu phát triển năng động và thịnh vượng. (Sputnik)

* Khả năng ký kết thỏa thuận ngừng bắn mùa Đông: Theo Giáo sư tại Đại học Công giáo Mỹ Michael Kimmage, Nga và Ukraine có thể ký một thỏa thuận ngừng bắn trong mùa Đông và điều này sẽ có lợi cho cả hai bên.

Trong bối cảnh cả hai còn rất xa mới đạt được thỏa thuận lâu dài, thỏa thuận ngừng bắn có thể giúp Ukraine sống sót qua mùa Đông và giúp quân đội Nga tập hợp lại lực lượng, chuyên gia này nhận định. (Sputnik)

Bán đảo Triều Tiên

* Triều Tiên dồi dào nguyên liệu chế tạo tên lửa: Nhiều chuyên gia nhận định việc Triều Tiên phóng tên lửa với con số kỷ lục trong năm nay cho thấy nước này sẵn sàng "rót" nguồn lực vào công cuộc sản xuất và triển khai thêm nhiều vũ khí chưa từng có, và các lệnh trừng phạt hầu như không thể ngăn cản hoạt động này.

Tuần trước, Triều Tiên đã phóng thử hơn 80 tên lửa, trong đó có các tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) mới nhất và một biến thể của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Theo Giáo sư Mason Richey nghiên cứu các vấn đề quốc tế thuộc Đại học Hankuk (Hàn Quốc), Triều Tiên chắc chắn phải có đủ kho dự trữ nhiên liệu và tên lửa, trong đó có loại máy móc phức tạp như động cơ và các hệ thống dẫn đường, hoặc có khả năng chế tạo nhanh chóng các loại vũ khí mới, hoặc có khả năng mua đủ những gì họ cần từ nước ngoài.

Trong khi đó, chuyên gia nghiên cứu tên lửa Markus Schiller cho rằng kể cả khi các loại SRBM mới nhất cũng đã được chế tạo vài năm trước, thì điều này có nghĩa Triều Tiên có thể sở hữu kho dự trữ. (Reuters)

* Hàn Quốc kiểm tra hệ thống phản ứng khẩn cấp: Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo đã ra lệnh cho Bộ Nội vụ kiểm tra kỹ việc sơ tán chống tên lửa của nước này và các hệ thống phản ứng khẩn cấp khác trong bối cảnh căng thẳng gia tăng sau một loạt vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.

Ông Han đã đưa ra mệnh mệnh trên trong cuộc họp nội các, nói rằng đã có những lời chỉ trích liên quan tới hệ thống cảnh báo không kích của chính phủ khi hồi tuần trước, một tên lửa của Triều Tiên bay qua biên giới biển liên Triều về phía đảo Ulleung, trước khi rơi gần lãnh hải Hàn Quốc.

Vụ phóng tên lửa đã khiến chính quyền trung ương Hàn Quốc kích hoạt còi báo động không kích, nhưng cư dân trên đảo đã được thông báo muộn màng về tình hình và cách họ phản ứng. (Yonhap)

* Mỹ có thể triển khai tàu sân bay ở Biển Nhật Bản: Hãng Kyodo dẫn các nguồn tin cho biết Chính phủ Mỹ đang soạn thảo một bản nghị quyết để Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tăng cường các biện pháp trừng phạt gây sức ép đối với Triều Tiên, đồng thời cũng đang cân nhắc triển khai một tàu sân bay ở Biển Nhật Bản nếu Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân.

Cụ thể, dự thảo nghị quyết có thể bao gồm một hạn chế về xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ-khí đốt từ Triều Tiên, cũng như các biện pháp nhằm vào nhóm tin tặc...

Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng nếu dự thảo nghị quyết này không được thông qua, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương chống Bình Nhưỡng. (Kyodo)

Hội nghị COP27

* Các đảo quốc nhỏ yêu cầu các tập đoàn dầu khí bồi thường: Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra ở Ai Cập, Thủ tướng Antigua và Barbuda, Gaston Browne đại diện cho Liên minh các đảo quốc nhỏ, yêu cầu những công ty dầu khí phải nộp thuế carbon toàn cầu đối với các lợi nhuận thu được, để nguồn tiền này được dùng vào bồi thường cho những thiệt hại và mất mát của các đảo quốc.

Tổng thống Senegal Macky Sall cho biết các nước đang phát triển ở châu Phi cũng yêu cầu tăng nguồn tài trợ để các nước này thích ứng với tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và sẽ phản đối lời kêu gọi các nước này ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu khoa học Climate Central, người dân ở các vùng nhiệt đới và các đảo quốc nhỏ với đại dương bao xung quanh là những đối tượng chịu tác động lớn của nhiệt độ tăng cao trong khi những khu vực này có lượng phát thải thấp. (Reuters)

* UAE và Ai Cập ký thỏa thuận phát triển năng lượng điện gió: Bên lề Hội nghị COP27, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Ai Cập đã đạt thỏa thuận phát triển một trong những trang trại điện gió lớn nhất thế giới.

Một khi hoàn thành, với công suất 10GW, trang trại điện gió này tại Ai Cập mỗi năm sẽ sản xuất được 47.790 GWh năng lượng sạch. Con số này sẽ giúp bù đắp cho 23,8 triệu tấn khí thải CO2, tương đương với 9% lượng khí thải CO2 hiện nay của Ai Cập.

Dự án cũng giúp Ai Cập tiết kiệm khoảng 5 tỷ USD chi phí khí tự nhiên mỗi năm và tạo thêm 100.000 việc làm.

Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al-Nahyan và người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận giữa công ty năng lượng tái tạo Masdar của UAE và các tập đoàn Infinity Power và Hassan Allam Utilities của Ai Cập.(Reuters)

Armenia-Azerbaijan

* Hai bên nhất trí đẩy nhanh tiến trình đàm phán hòa bình: Bộ Ngoại giao Armenia ra thông cáo cho biết tại cuộc đàm phán ở Washington, ngoại trưởng hai nước đã trao đổi quan điểm về các yếu tố của hiệp ước hòa bình và nhất trí đẩy nhanh các cuộc đàm phán.

Thông cáo nêu rõ: "Các ngoại trưởng trao đổi quan điểm về những yếu tố của một hiệp ước hòa bình và thừa nhận tồn tại một số vấn đề còn cần phải giải quyết. Cả hai bên tái khẳng định cam kết của các nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan tại các cuộc gặp vào ngày 6/10 tại Praha và ngày 31/10 tại Sochi. Hai ngoại trưởng nhất trí đẩy nhanh các cuộc đàm phán và tiến hành một cuộc đàm phán khác trong những tuần tới". (Sputnik)

Châu Mỹ

* Bầu cử giữa kỳ Mỹ bắt đầu: Ngày 8/11, cử tri Mỹ đã bắt đầu bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa kỳ, với việc đảng Cộng hòa muốn giành được đa số ghế tại Quốc hội nhằm làm tê liệt chương trình nghị sự của Tổng thống Joe Biden trong hai năm tới và mở đường cho cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng.

Các địa điểm bỏ phiếu ở bờ Đông đã bắt đầu mở cửa lúc 6h (tức 18h theo giờ Việt Nam). Trước đó, hôm 7/11, nhóm theo dõi bầu cử Mỹ của trường Đại học Florida cho biết đã có hơn 40 triệu cử tri nước này bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022, cao hơn số lượng cử tri bầu cử sớm năm 2018.

Trong cuộc bầu cử lần này, các cử tri Mỹ sẽ bầu lại toàn bộ 435 ghế hạ nghị sĩ liên bang với nhiệm kỳ 2 năm; 35 trong tổng số 100 ghế thượng nghị sĩ liên bang nhiệm kỳ 6 năm. Ngoài ra, các cử tri cũng bầu chọn 36 ghế thống đốc bang.... Cuộc bầu cử này được coi là mang tính quyết định đến cán cân quyền lực trong chính trường Mỹ ít nhất là trong 2 năm tới.

* Đảng cầm quyền Venezuela khẳng định sẵn sàng đối thoại với phe đối lập: Phó Chủ tịch thứ nhất của Đảng Xã hội Thống nhất Venezuela (PSUV) cầm quyền Diosdado Cabello nhấn mạnh sẵn sàng tham gia các cuộc đối thoại ở bất cứ đâu, song cáo buộc phe đối lập thiếu tiếng nói và từ bỏ các kịch bản được ủng hộ.

Ông Cabello cho rằng trong nội bộ phe đối lập có nhiều rạn nứt ảnh hưởng đến khả năng thiết lập đối thoại với Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro.

Tháng 8 vừa qua đánh dấu một năm ngày chính phủ Venezuela và một nhóm thuộc phe đối lập ký kết tại Mexico biên bản ghi nhớ - nỗ lực thứ ba của Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro nhằm đạt được các thỏa thuận với nhánh liên quan đến Juan Guaidó, người tự xưng là Tổng thống lâm thời của quốc gia Caribbean này. (AP)

* Venezuela yêu cầu Canada tránh can thiệp công việc nội bộ: Trong một thông điệp đăng tải trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Venezuela Carlos Faría yêu cầu chính phủ Canada hạn chế can thiệp vào quá trình đối thoại chính trị giữa chính phủ Venezuela và phe đối lập, vốn đã bị đình trệ từ tháng 10/2021.

Ông Faría nêu rõ Chính phủ Canada nên quan tâm giải quyết các vấn đề nội bộ của mình thay vì có những ý kiến can thiệp và không phù hợp vào cuộc đối thoại ở Venezuela.

Phản ứng của Ngoại trưởng Faría đưa ra sau khi người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Canada nói rằng ông “khuyến khích Tổng thống (Venezuela) Maduro ngay lập tức nối lại các cuộc đàm phán ở Mexico với phe đối lập”. (Prensa Latina)

* Mỹ ủng hộ quyền biểu tình của người Peru: Trong cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre khẳng định Mỹ đang theo dõi sát tình hình ở Peru và bảo vệ quyền của người dân nước này được bày tỏ ý kiến và tụ họp trên đường phố một cách hòa bình.

Kể từ khi Tổng thống Peru Pedro Castillo nhậm chức vào tháng 7/2021, tại quốc gia này đã diễn ra nhiều cuộc tuần hành ủng hộ và phản đối tổng thống. Trong 15 tháng tại nhiệm, ông Castillo đã hai lần tránh được việc bị quốc hội (do phe đối lập kiểm soát) luận tội. Hiện phe đối lập đang chuẩn bị đưa ra đề xuất phế truất lần thứ ba đối với tổng thống.

Hàng nghìn người biểu tình đã xuống đường ở thủ đô Lima và các thành phố khác ở Peru hôm 5/11 để phản đối chính phủ của ông Castillo, hô vang khẩu hiệu và trưng biểu ngữ yêu cầu ông từ chức. Một phái đoàn của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) dự kiến tới Peru vào ngày 20/11 để phân tích cuộc khủng hoảng chính trị mà quốc gia này đang phải đối mặt. (usa.detailzero)

(tổng hợp)