Tin thế giới 8/2: Thượng đỉnh Nga-Pháp, Moscow và Kiev thi nhau tập trận, Mỹ muốn sớm hoàn tất đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran. (Nguồn: AP) |
Ukraine-Nga
Pháp: Nga nhất trí không tiến hành tập trận gần Ukraine
Hậu thượng đỉnh Nga-Pháp, một quan chức giấu tên của Pháp ngày 8/2 cho biết, Tổng thống VladimirPutin cam kết sẽ không tiến hành các sáng kiến quân sự mới gần Ukraine trong thời điểm hiện tại, như một tiền đề cho mục tiêu giảm leo thang.
Theo quan chức trên, nhà lãnh đạo Nga cũng nhất trí lực lượng quân đội tham gia một cuộc tập trận trên lãnh thổ Belarus gần biên giới Ukraine sẽ được rút về một khi những trò chơi chiến tranh này kết thúc.
Tuy nhiên, sau 6 tiếng hội đàm với Tổng thống Pháp Macron tại Điện Kremlin ngày 7/2, bản thân Tổng thống Nga Putin không đề cập tới những nhượng bộ như vậy khi phát biểu với truyền thông.
Quan chức Pháp cho biết thêm trong cuộc hội đàm, Tổng thống Macron đã đồng ý “mở đối thoại để thảo luận về các câu hỏi chiến lược”, nhưng chưa có thông tin chi tiết về nội dung sẽ được thảo luận trong cuộc đối thoại.
Trong khi đó, phát biểu tại họp báo trong chuyến thăm Kiev ngay sau đó, Tổng thống Macron khẳng định đã thành công trong việc thuyết phục người đồng cấp Putin không làm “leo thang” cuộc khủng hoảng xung quanh Ukraine, trong bối cảnh phương Tây cảnh báo Moscow có thể đang lên kế hoạch thực hiện một cuộc xâm lược.
Về phần mình, cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, phương Tây vẫn chưa sẵn sàng xem xét các mối quan ngại về an ninh của Nga. Đồng thời, tại cuộc gặp thượng đỉnh, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng, Mỹ và NATO đã không phản ứng xác đáng với các đề xuất an ninh của Nga và không giải quyết các vấn đề cơ bản. Do đó, theo ông Peskov, chủ đề này vẫn còn bỏ ngỏ.
Tổng thống Macron là nguyên thủ phương Tây đầu tiên có cuộc gặp nhà lãnh đạo Nga kể từ khi Moscow bắt đầu bố trí lực lượng gần Ukraine. Phương Tây lo ngại Nga có thể tấn công, song chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin đã bác bỏ khả năng này.
Tuy nhiên, Moscow cũng tuyên bố Nga hoàn toàn có thể thực hiện hành động quân sự nếu một loạt đề xuất đảm bảo an ninh không được đáp ứng. (Reuters/AFP/Sputniknews)
Ukraine tuyên bố không vượt qua lằn ranh đỏ trong vấn đề với Nga
Ngày 8/2, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba tuyên bố nước này mong đợi tiến hành các cuộc thảo luận với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về vấn đề liên quan đến Nga, song nhấn mạnh Kiev sẽ không bị buộc phải vượt qua lằn ranh đỏ của chính mình.
Trả lời họp báo chung với người đồng cấp từ Áo, Séc và Slovakia ở thủ đô Kiev (Ukraine), Ngoại trưởng Kuleba nhấn mạnh: “Bằng sự quan tâm, tất cả chúng tôi đang chờ đợi những tín hiệu mà Ngài Macron mang lại từ chuyến thăm Moscow. Nhưng tôi đã nhiều lần khẳng định rằng chúng tôi sẵn sàng tiến hành đối thoại mang tính xây dựng. Chúng tôi đang tìm kiếm một giải pháp ngoại giao, nhưng chúng tôi sẽ không vượt qua lằn ranh đỏ của chính mình và không một ai có thể buộc chúng tôi vượt qua lằn ranh này”. (Sputnik)
Nga, Ukraine thi nhau tập trận
Chỉ vài giờ sau khi giới chức Pháp thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết không phát động các cuộc tập trận mới gần biên giới với Ukraine ở thời điểm hiện tại, các hãng thông tấn Nga ngày 8/2 đưa tin các lực lượng nước này bắt đầu tập trận ở khu vực miền Nam nước Nga.
Người đứng đầu cơ quan báo chí thuộc Quân khu miền Nam của Nga, ông Vadim Astafyev cho hay, 3 tuần tập trận chiến thuật vào ban đêm sẽ bao gồm hệ thống tên lửa, xe tăng và xe bọc thép. Truyền thông Nga không nêu rõ liệu cuộc tập trận là diễn biến mới hay là một phần của các kế hoạch lâu dài.
Hồi tháng 12 năm ngoái, Moscow tuyên bố trong suốt năm 2022, 3.000 cuộc tập trận sẽ diễn ra ở Quân khu miền Nam. Hơn 30 bài tập chiến thuật, mỗi bài tập có sự tham gia của 400 quân và khoảng 80 thiết bị quân sự, sẽ được tổ chức tại 15 bãi huấn luyện.
Quân khu miền Nam của Nga giáp Ukraine và bao gồm cả Bán đảo Crimea, lãnh thổ Moscow sáp nhập từ Ukraine hồi năm 2014. Tuy nhiên, danh sách 10 khu vực ở miền Nam nước Nga và các khu vực ly khai của Gruzia, nơi cuộc tập trận sẽ diễn ra, không bao gồm các vùng lãnh thổ dọc theo biên giới Ukraine.
Trước đó một ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexey Reznikov cũng cho biết các lực lượng vũ trang nước này sẽ tiến hành tập trận quân sự với sự tham gia của máy bay tàng hình Bayraktar, tên lửa chống tăng Javelin và NLAW từ ngày 10-20/2.
Bà Alexey Reznikov lưu ý, Ukraine đang tiếp nhận những vũ khí “mà trước đây tôi chỉ có thể mơ tới”.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cũng nói thêm: “Hôm nay, tôi đã có cuộc thảo luận rất tốt đẹp với Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace. Chúng tôi trao đổi về viện trợ thêm, cả về vũ khí và thông tin liên lạc cụ thể từ phía ông ấy. Chúng tôi đang kiểm soát mọi thứ”. (Reuters/Sputnik)
Thỏa thuận hạt nhân Iran
Mỹ hối thúc hoàn tất đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 7/2 đánh giá tiến trình đàm phán hiện nay về chương trình hạt nhân của Iran có thể đi đến một thỏa thuận, song cần phải khẩn trương hoàn tất đàm phán vì Tehran đang tiếp tục phát triển năng lực hạt nhân.
Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh các bên ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, tên chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), chuẩn bị nối lại đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận này sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận năm 2018.
Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: “Một thỏa thuận giải quyết được những quan ngại cốt lõi của tất cả các bên đã trong tầm mắt, nhưng nếu không hoàn tất trong những tuần tới thì những tiến triển hạt nhân của Iran hiện nay sẽ khiến chúng tôi không thể trở lại JCPOA”.
Thỏa thuận JCPOA được ký giữa Iran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức). Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận này. Iran và 5 bên ký kết thỏa thuận - gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức - đã tiến hành đàm phán tại Vienna từ năm ngoái nhằm khôi phục thỏa thuận. Mỹ tham gia đàm phán gián tiếp. Vòng đàm phán gần đây nhất là vòng đàm phán thứ 8 đã tạm dừng vào cuối tháng 1 vừa qua.
Cơ quan đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) ngày 7/2 thông báo vòng đàm phán thứ 8 sẽ nối lại ngày 8/2. EU cũng cho rằng cần nhanh chóng hoàn tất các đàm phán này.
Các nhà ngoại giao phương Tây đánh giá tiến trình đàm phán đã có nhiều tín hiệu tích cực trong những tuần gần đây. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 4/2 đã khôi phục các lệnh miễn trừ trừng phạt đối với Iran, qua đó cho phép Tehran thực hiện các dự án hợp tác hạt nhân dân sự với các đối tác quốc tế.
Tuy nhiên, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran - ông Ali Shamkhani, cho rằng mặc dù đã có "những tiến bộ hạn chế" trong các cuộc đàm phán tại Vienna, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được "cân bằng" về cam kết của Mỹ và Iran trong các cuộc đàm phán. Ông nhấn mạnh: "Cần có những quyết định chính trị của phía Mỹ để đạt được sự cân bằng trong các cam kết nhằm hướng tới một thỏa thuận tốt đẹp".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian khẳng định, Tehran không tìm kiếm một thỏa thuận tạm thời trong đàm phán. Theo ông Abdollahian, Iran “chưa thấy sáng kiến nghiêm túc hoặc đáng kể nào từ phía Mỹ”.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết: “Những câu trả lời Mỹ đưa ra tại Vienna ngày 8/2 sẽ quyết định khi nào chúng tôi có thể đạt được thỏa thuận”. (France24)
Indonesia-Singapore
Indonesia, Singapore thúc đẩy hợp tác quân sự
Tư lệnh quân đội Indonesia (TNI), Tướng Andika Perkasa dự kiến sẽ thăm Singapore trong tháng 2, gặp gỡ Thủ tướng Lý Hiển Long cùng Bộ trưởng Quốc phòng Ng Eng Hen.
Theo hãng thông tấn Antara, chuyến thăm Singapore của Tướng Andika là một trong những chương trình nghị sự quan trọng nhằm tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước. Kế hoạch chuyến thăm nói trên đã được Tùy viên quốc phòng Singapore Tony Wong đề cập trong cuộc gặp Tướng Andika Perkasa ngày 8/2 tại Jakarta và được phát trực tiếp trên kênh Youtube.
Theo ông Wong, trong chuyến thăm Singapore, Tư lệnh TNI sẽ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Ng Eng Hen sáng ngày 19/2, trước khi chào xã giao Thủ tướng Lý Hiển Long.
Tiếp đó, Tướng Andika sẽ thăm một phi đội của Không quân Singapore và quan sát một số máy bay trực thăng thuộc Không quân Singapore, trong đó có máy bay Apache.
Ông Tony nhấn mạnh rằng chuyến thăm của Tướng Andika có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tăng cường hợp tác quân sự cũng như quan hệ ngoại giao giữa hai nước láng giềng này.
Khẳng định rằng chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng đối với quân đội và Chính phủ Indonesia, Tướng Andika cho biết sẽ báo cáo Tổng thống Joko Widodo trước chuyến đi. (Jakarta Post)