📞

Tin thế giới 8/3: Trung Quốc vạch lằn ranh đỏ với Mỹ; Ukraine dọa tặng Nga sự tàn khốc; Mỹ chuẩn bị 'chơi' với Nga cả trong tối lẫn ngoài sáng?

Hoàng Hà 19:45 | 08/03/2021
TGVN. Trung Quốc đưa ra quan điểm về quan hệ với Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, quan hệ Nga-Ukraine, Mỹ-Nga, vụ tấn công tên lửa vào một trong những cảng dầu lớn nhất thế giới ở Saudi Arabia... là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Vạch 'lằn ranh đỏ', Trung Quốc kêu gọi Mỹ đưa quan hệ trở lại 'đúng hướng'

Ngày 7/3, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngừng can thiệp vào vấn đề nội bộ của nước khác và trông đợi Mỹ dỡ bỏ tất cả những hạn chế hiện tại trong quan hệ song phương.

Kêu gọi Mỹ "nhận thức rõ sự nhạy cảm trong vấn đề Đài Loan”, ông Vương Nghị nhấn mạnh yêu cầu Mỹ tôn trọng nguyên tắc "một Trung Quốc", xem đây như "lằn ranh đỏ không được vượt qua" trong quan hệ Trung-Mỹ.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng bày tỏ hy vọng kế hoạch hợp tác Trung-Mỹ trong vấn đề biến đổi khí hậu sẽ góp phần tạo ra thay đổi tích cực trong quan hệ hai bên

Nhà ngoại giao này cũng khẳng định, nước này sẵn sàng làm việc với Mỹ để triển khai kết quả cuộc điện đàm trong tháng 2 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden, đưa quan hệ hai nước phát triển theo hướng "lành mạnh và vững chắc". (China Daily)

Trung Quốc cố gắng 'xoa dịu' Ấn Độ và Nhật Bản

Trong cuộc họp báo thường niên diễn ra vào ngày 7/3, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã cố gửi tín hiệu tích cực trong mối quan hệ với Nhật Bản và Ấn Độ, tìm cách xoa dịu hai nước về những tranh chấp lãnh thổ.

Trước những quan ngại của Nhật Bản về luật hải cảnh mới của Trung Quốc, ông Vương Nghị khẳng định, luật này không nhằm vào bất kỳ nước nào và hai nước có thể hỗ trợ lẫn nhau trong việc tổ chức Thế vận hội.

Bên cạnh đó, nhà ngoại giao này bày tỏ hy vọng giải quyết những căng thẳng với Ấn Độ với tư cách là những nước láng giềng cố gắng thương lượng để thoát khỏi tình trạng căng thẳng dọc biên giới Himalaya, đồng thời kêu gọi hợp tác với New Delhi sau 9 tháng xảy ra cuộc xung đột biên giới khiến cả hai bên đều thiệt hại về người. (SCMP)

Nhật Bản cảnh giác với động thái tăng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc

Ngày 5/3, Trung Quốc đã đưa ra dự thảo ngân sách 2021, trong đó, ngân sách quốc phòng tăng 6,8% so với năm 2020, lên khoảng 209 tỷ USD. Con số này cao gấp khoảng 4 lần so với ngân sách quốc phòng của Nhật Bản trong tài khóa 2021, bắt đầu từ tháng 4 tới.

Dự thảo trên được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy các động thái hàng hải, trong đó có áp dụng luật hải cảnh mới gây tranh cãi, cũng như việc các tàu chính quy của nước này liên tục xâm nhập vùng biển của Nhật Bản xung quanh quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku ở Biển Hoa Đông.

Nhật Bản dự định kêu gọi phía Trung Quốc tăng cường minh bạch thông qua các cuộc đàm phán và trao đổi về an ninh. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng sẽ tiếp tục phân tích và giám sát chặt chẽ các hoạt động của quân đội Trung Quốc. (NHK)

Ukraine: Nếu người Nga tấn công tổng lực tại Donbass, sẽ rất tàn khốc với họ

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây trên kênh Obozrevatel TV của Ukraine, Cố vấn Bộ trưởng Nội vụ nước này Valeriy Potseluyko đánh giá rằng, có khả năng Nga sẽ có hành động ở Donbas.

"Chúng tôi đã tính đến kịch bản này. Tôi có thể đảm bảo với bạn, Kiev đã sẵn sàng đáp trả, sẵn sàng hành động khi đối phương có động thái gây hấn hoặc thậm chí là tiến hành một cuộc tấn công toàn diện".

Theo quan chức này, nếu người Nga tấn công tổng lực tại Donbass, thì "nó sẽ trở nên rất tàn khốc đối với họ", đồng thời khẳng định "đòn đáp trả của chúng tôi cũng sẽ tương xứng với đòn tấn công của họ".

Theo Cố vấn Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, nước này đã có chiến lược "giải phóng Donbass", tất cả đã sẵn sàng và chỉ chờ Quốc hội và Tổng thống.

Quân đội Nga và Belarus tập trận

Mới đây, Sputnik đưa tin, Quân đội Nga và Belarus sẽ tiến hành 2 cuộc tập trận chung tại bãi tập Polvino tại vùng Ulyanovsk của Nga và bãi tập Osipovichsky tại vùng Minsk của Belarus.

Thành phần tham gia bao gồm Lực lượng Đổ bộ đường không Nga (VDV) và Lực lượng Đặc biệt Belarus. Trong cuộc tập trận, hai trực thăng vũ trang Mi-24 và 6 Mi-8AMTSh của Quân khu Trung tâm Quân đội Nga cũng sẽ được triển khai.

Dự kiến cuộc tập trận ở khu vực Ulyanovsk, Nga sẽ diễn ra vào ngày 16/3. (Sputnik)

Tổng thống Mỹ ký ban hành đạo luật 'Vì nhân dân'

Ngày 7/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật "Vì Nhân dân" (For the People Act) nhằm giúp người dân Mỹ đi bỏ phiếu dễ dàng hơn.

Theo đó, Đạo luật sẽ mở rộng quyền bỏ phiếu qua đường bưu điện, thiết lập việc tự động đăng ký cử tri, cấm việc tái phân chia khu vực bầu cử theo đảng phái và áp đặt các quy định mới về việc tài trợ cho các chính đảng.

Khả năng Mỹ trừng phạt Nga liên quan cáo buộc tấn công mạng

Ngày 7/3 (giờ địa phương), báo The New York Times dẫn nguồn các quan chức giấu tên cho biết, Mỹ dự kiến sẽ có động thái đầu tiên chống lại Nga trong 3 tuần tới với hàng loạt “hoạt động bí mật” nhằm vào các mạng lưới của Nga cùng với “các biện pháp trừng phạt kinh tế” nhất định.

Động thái diễn ra sau khi Tập đoàn Microsoft cáo buộc tình báo Nga đứng sau vụ tấn công mạng nhằm vào Công ty công nghệ SolarWinds của Mỹ.

Trước đó, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết các lệnh trừng phạt chung và cá nhân là “các biện pháp hiệu quả nhất” mà Washington chuẩn bị nhằm vào Moscow. (Sputnik)

Nga sẵn sàng hợp tác với các bên để khôi phục đầy đủ JCPOA

Ngày 7/3, đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Vienna Mikhail Ulyanov tuyên bố, Moscow sẵn sàng hợp tác với Mỹ và các nước khác ký Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPO) về chương trình hạt nhân Iran để khôi phục hoàn toàn thỏa thuận này.

Theo ông, sự xác minh đáng tin cậy ở Iran không phải là lợi điểm để mặc cả và điều này nằm trong khuôn khổ khôi phục việc thực hiện đầy đủ JCPOA của tất cả các bên, trong đó phải bao gồm cả việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt". (TASS)

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Nhóm Bộ Tứ có thể diễn ra ngay trong tuần này

Ngày 8/3, các nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết, Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của các nhà lãnh đạo Nhóm Bộ tứ (tên gọi chính thức là Đối thoại An ninh Bốn bên), gồm Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày thứ Sáu 12/3 tới, hoặc trong dịp cuối tuần ngay sau đó.

Hội nghị sẽ diễn ra vài ngày trước chuyến thăm dự kiến đầu tiên của hai quan chức hàng đầu trong của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden là Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tới Nhật Bản và Hàn Quốc trong tháng này. (Reuters)

Facebook 'đắc tội' Nga

Ngày 7/3, Cục giám sát truyền thông Nga Roskomnadzor đã gửi thư tới ban quản trị Facebook yêu cầu khôi phục quyền truy cập thông tin được đăng tải trên các tài khoản chính thức của truyền thông Nga - đã bị Facebook hạn chế quyền truy cập và đánh dấu sai sự thực hôm 18/2 - đồng thời cảnh báo nếu Facebook không thực hiện sẽ bị phạt nặng.

Thông báo của Roskomnadzor viết: “Những hành động của Facebook vi phạm các nguyên tắc chính trong việc tự do phổ biến thông tin, quyền truy cập không bị cản trở và là hành động kiểm duyệt”.

Roskomnadzor lưu ý rằng, ngày 24/2, Tổng thống Nga đã ký luật phạt tiền vì vi phạm các quyền của công dân Nga trên Internet, kể cả việc kiểm duyệt truyền thông Nga.

“Việc hạn chế quyền tự do tìm kiếm thông tin của người Nga sẽ dẫn đến việc chủ sở hữu mạng xã hội bị phạt hành chính lên tới 1 triệu Rub và tăng lên 3 triệu nếu tái phạm”, thông báo nêu rõ. (RFE RL)

Houthi trút tên lửa xuống Saudi Arabia

Ngày 7/3, người phát ngôn của nhóm phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn cho biết, nhóm này đã phóng 14 máy bay không người lái và 8 tên lửa đạn đạo vào các cơ sở của công ty dầu khí Saudi Aramco tại thành phố Ras Tanura, một trong những cảng vận chuyển dầu lớn nhất thế giới và các mục tiêu quân sự khác.

Bộ Năng lượng Saudi Arabia cùng ngày xác nhận, bồn chứa dầu ở cảng Ras Tanura đã bị một máy bay không người lái tấn công, trong khi mảnh đạn từ một tên lửa đạn đạo rơi xuống gần khu nhà ở của cơ sở dầu mỏ Saudi Aramco thuộc thành phố Dhahran.

Một người phát ngôn của bộ trên sau đó cho hay, vụ tấn công không gây thiệt hại về người hoặc tài sản.

Trong khi đó, người phát ngôn của liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu tham chiến tại Yemen cùng ngày cho biết, Riyadh sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ nước này cũng như đảm bảo sự ổn định của các nguồn cung năng lượng và giao thông hàng hải. (Reuters)