📞

Tin thế giới 8/7: Nga bị tẩy chay ở Hội nghị Ngoại trưởng G20; Mỹ nói thế giới kêu gọi chấm dứt xung đột ở Ukraine; Ngày đau buồn của Nhật Bản

Quang Đào 19:45 | 08/07/2022
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo bị ám sát, Nga bị tẩy chay ở Hội nghị Ngoại trưởng G20... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo bị ám sát và qua đời ngày 8/7.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Các nước G7 bỏ dự tiệc chiêu đãi vì Nga

Ngoại trưởng các nước thành viên G7 đã không có mặt trong bữa tiệc tối ngày 7/7 trước thềm Hội nghị Ngoại trưởng G20.

Trao đổi về việc này, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết: “Trong khi chúng tôi cố gắng tạo ra bầu không khí thoải mái cho tất cả mọi người, các nước G7 nói rằng họ không thể tham dự tiệc chiêu đãi không chính thức này. Tất cả họ đều đã thông báo với chúng tôi”.

Ngoại trưởng Retno cho hay “có thể hiểu quan điểm” của các nước G7 vì “mọi người phải cảm thấy thoải mái”, đồng thời bày tỏ cảm ơn các nước đã có mặt trực tiếp tham dự G20 FMM.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng chỉ trích các quốc gia trên: “Đây là cách họ hiểu nghi thức, phép lịch sự và quy tắc ứng xử".

Bình luận về việc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhiều khả năng sẽ không chụp bức ảnh lưu niệm nhóm, ông Lavrov cho biết lời mời chụp ảnh không phải của riêng ông. Ông cũng cho biết tất cả các nước G20, bao gồm cả các nước phương Tây, đã tham dự phiên họp chung. (Reuters/TASS)

Ngoại trưởng Nga rời khỏi phiên họp toàn thể G20

Các nhà ngoại giao cho biết, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 8/7 đã rời khỏi phiên họp toàn thể trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng G20, khi người đồng cấp Đức Annalena Baerbock chỉ trích Moscow về cuộc chiến ở Ukraine.

Theo nguồn tin trên, Ngoại trưởng Lavrov sau đó cũng rời khỏi phiên họp buổi chiều trước khi Ngoại trưởng Ukraine xuất hiện theo hình thức trực tuyến và không có mặt khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lên án Nga trong cuộc họp kín ở Bali.

Các cuộc thảo luận đã gần như đi lạc hướng ngay khi các nước phương Tây phát biểu, với những chỉ trích nhằm vào Nga liên quan đến tình hình Ukraine. (Reuters)

Nga không dùng khí đốt, dầu mỏ làm vũ khí chính trị

Ngày 8/7, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ những tuyên bố nói rằng Moscow đang sử dụng khí đốt hoặc dầu mỏ như một "vũ khí gây áp lực chính trị".

Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ mọi đề nghị hoặc tuyên bố trực tiếp nói rằng phía Nga đang sử dụng khí đốt hoặc dầu mỏ như một vũ khí gây sức ép chính trị.... Nga luôn hoàn thành tất cả các nghĩa vụ của mình.”

Người phát ngôn Điện Kremlin cũng cho biết, việc tuabin cho đường ống dẫn khí Nord Stream vẫn chưa được trả về từ Canada sau khi bảo trì theo lịch trình sẽ khiến cho việc tăng khối lượng cung cấp khí đốt cho châu Âu bị gián đoạn.

Hôm 7/7, hãng Reuters đưa tin Ukraine phản đối việc Canada trả lại tuabin cho Tập đoàn Năng lượng Gazprom của Nga, cho rằng động thái này sẽ vi phạm lệnh trừng phạt được áp đặt sau khi Moscow triển khai lực lượng vũ trang đến Ukraine. (TASS)

Mỹ đánh giá cao vai trò Chủ tịch G20 của Indonesia

Ngày 8/7, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã gặp người đồng cấp Mỹ Antony Blinken bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 tại Bali.

Theo trang Twitter chính thức của Ngoại trưởng Retno, nhà ngoại giao Mỹ đã đánh giá cao nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Indonesia, đặc biệt trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng lương thực, năng lượng và tài chính. Cũng tại cuộc gặp, hai Ngoại trưởng đã nhấn mạnh cam kết tăng cường hợp tác giữa hai nước.

Indonesia giữ chức Chủ tịch G20 năm 2022 với 3 vấn đề ưu tiên gồm tăng cường cấu trúc y tế toàn cầu, chuyển đổi kỹ thuật số và chuyển đổi năng lượng. Trước tình hình mới ở Ukraine, các vấn đề liên quan đến an ninh lương thực cũng sẽ được thảo luận rộng rãi tại các cuộc họp của G20. (Reuters)

Ngoại trưởng Mỹ: Cả thế giới kêu gọi Nga chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine

Ngày 8/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết đã có một "điệp khúc mạnh mẽ" kêu gọi Nga chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine sau khi nhà ngoại giao hàng đầu của Moscow tham gia Hội nghị Ngoại trưởng G20 ở Indonesia.

Phát biểu với báo giới khi ông hội đàm với người đồng cấp Ấn Độ bên lề Hội nghị Ngoại trưởng G20, ông Blinken nói: "Những gì chúng ta nghe thấy ngày hôm này là điệp khúc mạnh mẽ của toàn thế giới - không chỉ của Mỹ mà của toàn thế giới - về sự cần thiết chấm dứt hành động gây hấn (của Nga ở Ukraine)". (AFP)

Ukraine nói Nga ‘không có chỗ đứng’

Ngày 8/7, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã cáo buộc Nga đang chơi "trò sinh tử", đồng thời cho rằng Moscow "không có chỗ đứng tại bất kỳ diễn đàn quốc tế nào".

Cáo buộc trên được ông Kuleba đưa ra trong bài phát biểu trực tuyến tại Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali, Indonesia. Theo tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Ukraine, ông Kuleba nhấn mạnh cộng đồng quốc tế không được cho phép Nga tống tiền thế giới bằng giá năng lượng tăng cao, nạn đói và các mối đe dọa an ninh. (Reuters)

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo qua đời

Ông Abe Shinzo – cựu Thủ tướng Nhật tại vị lâu nhất của Nhật Bản – đã qua đời ở tuổi 67 do bị ám sát khi k ông đang có bài phát biểu vận động tranh cử cho đảng Dân chủ tự do tại thành phố Nara, miền Tây Nhật Bản.Ông Abe đã qua đời tại một bệnh viện ở thành phố Kashihara thuộc tỉnh này.

Các lãnh đạo trên thế giới đã gửi lời chia buồn tới đất nước và người dân Nhật Bản, đồng thời lên án vụ tấn công nhằm vào ông Abe.

Nghi phạm Tetsuya Yamagami, 41 tuổi, từng phục vụ trong Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Tên này đã bị bắt tại hiện trường với khẩu súng ngắn được cho là tự chế.

Theo các nhân chứng, ông Abe chuẩn bị bắt đầu bài nói của mình thì Yamagami tiếp cận ông từ phía sau và bắn 2 phát súng, phát thứ 2 đã khiến ông ngã xuống. (NHK)

Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia

Trong bối cảnh Thượng nghị sĩ đảng Cộng hoà Mỹ Rick Scott (từ bang Florida) đến thăm Đài Loan, lực lượng vũ trang Trung Quốc bày tỏ sẵn sàng tiến hành hoạt động chiến sự vào bất cứ thời điểm nào để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Thông tin này do Bộ Quốc phòng Trung Quốc công bố ngày 8/7.

Đại diên chính thức của quân đội Trung Quốc Ngô Sảnh nêu rõ: "Những hành động như vậy của Mỹ đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc Một Trung Quốc. CHND Trung Hoa kịch liệt phản đối điều này.

Ông Ngô Sảnh nhấn mạnh, PLA "sẽ dứt khoát chấm dứt sự can thiệp từ bên ngoài và nỗ lực của phe ly khai Đài Loan nhằm đạt được cái gọi là nền độc lập của Đài Loan. Cần phải đảm bảo sự thống nhất Tổ quốc bằng mọi giá". (Sputnik)

Hàn Quốc và EU nhất trí tăng cường hợp tác về vấn đề Triều Tiên

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 7/7 cho biết Ngoại trưởng nước này Park Jin và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đã nhất trí tăng cường hợp tác về vấn đề Triều Tiên và khẳng định các nỗ lực quốc tế thống nhất là cần thiết để tái thiết Ukraine.

Hai quan chức này đã gặp nhau bên lề Hội nghị Ngoại trưởng G20 tại Indonesia.

Ông Jin đã trao đổi với ông Borrell về tình hình hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên và chính sách của Seoul đối với Bình Nhưỡng, đồng thời kêu gọi EU tiếp tục quan tâm và can dự vào vấn đề này.

Bộ trên xác nhận: "Hai bên nhất trí duy trì liên lạc chặt chẽ về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, để Bình Nhưỡng chấm dứt khiêu khích và quay trở lại lộ trình đối thoại và ngoại giao". (Yonhap)

Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Hàn Quốc giảm

Kết quả cuộc thăm dò dư luận do hãng Gallup (Hàn Quốc) thực hiện công bố ngày 8/7 cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Yoon Suk-yeol lần đầu tiên giảm xuống dưới ngưỡng 40% kể từ khi ông nhậm chức vào ngày 10/5 vừa qua.

Cuộc thăm dò được Gallup thực hiện trong các ngày từ 5-7/7 vừa qua với sự tham gia của 1.000 người trưởng thành trên toàn quốc cho thấy chỉ có 37% những người được hỏi đánh giá tích cực về năng lực điều hành đất nước của Tổng thống Yoon Suk-yeol, giảm 6 điểm phần trăm so với tuần trước, trong khi có tới 49% đưa ra đánh giá tiêu cực, tăng 7 điểm phần trăm.

Cuộc thăm dò của Gallup có biên độ cộng hoặc trừ 3,1 điểm phần trăm và có độ tin cậy là 95%. (Yonhap)