Belgorod là thành phố biên giới của Nga hứng chịu nhiều cuộc tấn công từ Ukaine nhất kể từ khi hai bên nổ ra xung đột hồi tháng 2/2022. (Nguồn: AP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine
* Nga sẽ áp dụng mọi biện pháp để chặn Ukraine pháo kích các thành phố tương tự như ở Belgorod, theo thông báo của Điện Kremlin ngày 9/1.
TASS dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: "Tất nhiên, quân đội của chúng tôi sẽ tiếp tục làm mọi thứ để giảm thiểu mối nguy hiểm lúc đầu và sau đó loại bỏ hoàn toàn cuộc tấn công".
Từ ngày 29/12/2023, Ukraine đã tăng cường tập kích trung tâm và ngoại vi thành phố Belgorod, thủ phủ tỉnh cùng tên của Nga, khiến nhiều người thương vong và làm hư hại nhiều công trình dân sự.
Hôm 8/1, Nga thông báo bắn hạ 10 quả đạn pháo phản lực Vampire của Ukraine nhằm vào thành phố Belgorod, nói thêm rằng 3 người bị thương trong đợt tập kích.
Trong khi đó, ngày 9/1, lãnh đạo thành phố Oryol của Nga Andrei Klychkov cho biết, hai máy bay không người lái (UAV) đã tấn công một cơ sở nhiên liệu ở thành phố này.
Vụ tấn công xây ra hỏa hoạn, xong lực lượng chức năng đã khống chế được đám cháy.
Thành phố Oryol nằm cách thủ đô Moscow 370 km về phía Nam và cách biên giới Ukraine 220 km.
* Trung Quốc "không đứng về bên nào" trong xung đột Nga-Ukraine và mong muốn giải quyết tình hình hoàn toàn thông qua các cuộc đàm phán hòa bình, theo lời Ngoại trưởng nước này Vương Nghị ngày 9/1.
Bên cạnh đó, nhà ngoại giao này nói, Trung Quốc cũng tạo điều kiện thuận lợi để nối lại các cuộc đàm phán hòa bình và khôi phục hòa bình.
Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh, kể từ khi bắt đầu xung đột ở Ukraine, Trung Quốc đã liên tục nỗ lực giải quyết vấn đề này về mặt chính trị, bao gồm cả tại nhiều địa điểm quốc tế khác nhau, chẳng hạn như Liên hợp quốc. (TASS)
* Nga từ chối bình luận về cáo buộc sử dụng tên lửa của Triều Tiên mà Mỹ và Ukraine đưa ra, song cho biết, Kiev đã tấn công các mục tiêu dân sự của Nga bằng các tên lửa có nguồn gốc từ nhiều nước phương Tây.
Trước đó, ngày 4/1, Nhà Trắng tuyên bố Triều Tiên gần đây đã cung cấp cho Nga tên lửa đạn đạo và bệ phóng để sử dụng trong cuộc chiến chống lại Ukraine.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết, Washington sẽ nêu vấn đề này tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong khi đó, phụ tá của Tổng thống Ukraine - ông Mykhailo Podolyak - khẳng định Nga đã tấn công Ukraine bằng tên lửa do Triều Tiên cung cấp. (Reuters)
* Ukraine đẩy lùi cuộc tấn công mạng vào hệ thống thanh toán nhà nước trong tuần thứ hai liên tiếp, theo lời Nghị sĩ cấp cao Ukraine Danylo Hetmantsev ngày 9/1.
Trên trang mạng Telegram, ông Hetmantsev - người đứng đầu Ủy ban quốc hội về tài chính, thuế và hải quan - cho biết tin tặc đã tìm cách phá hủy các hệ thống quan trọng đối với việc thanh toán ngân sách Ukraine. (Reuters)
Biển Đông
* Indonesia sẵn sàng hợp tác với các nước Đông Nam Á hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vốn bị trì hoãn từ lâu, theo lời Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi ngày 9/1.
Tuyên bố được bà Marsudir đưa ra trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Philippines Enrique Manalo ở thủ đô Manila (Philippines), trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Indonesia Joko Widodo.
Vấn đề Biển Đông cũng là một trong những nội dung thảo luận của nhà lãnh đạo Indonesia với người đồng cấp Philippines Ferdinand Marcos Jr. trong chuyến thăm Manila. (Reuters, Bloomberg)
* Mỹ-Nhật-Hàn bày tỏ quan ngại về hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, theo tuyên bố chung sau cuộc Đối thoại 3 bên Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đầu tiên tại Washington D.C hôm 6/1.
Tuyên bố chung nêu rõ, 3 nước này “phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc ở bất kỳ nơi nào trong vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Tuyên bố chung cũng nêu rõ lập trường của 3 nước là ủng hộ “tự do hàng hải và hàng không” dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Phản ứng về tuyên bố chung trên, ngày 8/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ “quan ngại sâu sắc về những lời lẽ khoa trương” đối với Trung Quốc.
Ngày 9/1, một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, Seoul tiếp tục duy trì liên lạc với Bắc Kinh thông qua các kênh ngoại giao và tái khẳng định lập trườn rõ ràng về vấn đề này. (Yonhap, THX)
Châu Âu
* Pháp có Thủ tướng mới: Ngày 9/1, Đài phát thanh RTL&FM TV đưa tin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chọn đồng minh thân cận là ông Gabriel Attal làm Thủ tướng mới của nước này thay thế người tiền nhiệm Elisabeth Borne, nữ chính khách đã từ chức hôm 8/1.
* Nga duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu của bộ ba hạt nhân ở mức cao để đảm bảo cân bằng chiến lược toàn cầu, theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.
Bộ trưởng Shoigu cho biết trong năm 2024, các lực lượng vũ trang Nga sẽ tiếp tục được trang bị những loại vũ khí hiện đại nhất, bao gồm cả những loại dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo và các nguyên tắc vật lý mới. (Sputnik)
* Đức kêu gọi các nước EU tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine: Ngày 8/1, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng, phần lớn các nước trong Liên minh châu Âu (EU) hiện không cung cấp đủ vũ khí cho Ukraine để đối phó Nga.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với tân Thủ tướng Luxembourg Luc Frieden, ông Scholz cho biết: “Dù đóng góp của Đức rất quan trọng nhưng nó sẽ không đủ để đảm bảo an ninh của Ukraine về lâu dài... Vì vậy, tôi kêu gọi các đồng minh trong EU tăng cường nỗ lực liên quan đến Ukraine". (Reuters)
* Phần Lan gia hạn việc đóng cửa biên giới với Nga, theo lời Bộ trưởng Nội vụ Phần Lan Mari Rantanen ngày 9/1. Quyết định này sẽ được công bố vào ngày 11/1.
Chính phủ Phần Lan đã quyết định đóng tất cả các cửa khẩu trên biên giới với Nga từ ngày 15/12/2023. Nguyên nhân là do không kiểm soát được dòng người di cư. (Sputnik)
* Quan chức Thụy Điển cảnh báo nguy cơ xung đột: Trong bài phát biểu cuối tuần qua, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom cho hay, việc sắp trở thành thành viên trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ đứng đầu là "sự thay đổi lớn nhất trong chính sách an ninh" của Stockholm trong hơn 200 năm.
Tuy nhiên, ông Billstrom cảnh báo, Nga có thể "sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của Thụy Điển và châu Âu trong tương lai gần", đồng thời thừa nhận việc cần "phải thực tế và sẵn sàng cho một cuộc đối đầu kéo dài".
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson tuyên bố, xung đột cũng có thể đến với Stockholm và Ukraine đang đóng vai trò là "lá chắn của châu Âu" trong giao tranh với Nga. (RT)
Châu Á
* Sáu điểm ngoại giao nổi bật của Trung Quốc năm 2023: Ngày 9/1, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố, năm 2023 là một năm khai phá và gặt hái thành quả đối với nền ngoại giao của nước này với 6 điểm nổi bật.
Thứ nhất, ngoại giao nguyên thủ quốc gia của Bắc Kinh đã vô cùng thành công, đạt được những cột mốc mới trong hoạt động ngoại giao nước lớn mang bản sắc Trung Quốc.
Thứ hai, đạt được tiến bộ vững chắc trong việc xây dựng một cộng đồng cùng chung vận mệnh, tạo động lực mới cho nỗ lực xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho nhân loại.
Thứ ba, Diễn đàn Hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường đã được tổ chức thành công, đưa hợp tác Vành đai và Con đường lên một giai đoạn phát triển chất lượng cao mới.
Thứ tư, cơ chế Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) đạt được sự mở rộng mang tính lịch sử, tiếp thêm sức mạnh mới cho sự đoàn kết và hợp tác trong thế giới đang phát triển.
Thứ năm, Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á được tổ chức thành công, tạo nền tảng mới cho quan hệ láng giềng tốt đẹp và hợp tác hữu nghị trong khu vực.
Thứ sáu, Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho công tác hòa giải lịch sử giữa Saudi Arabia và Iran, nêu gương mới trong đạt được giải pháp chính trị đối với các vấn đề điểm nóng. (THX)
* Sri Lanka chuẩn bị mở sứ quán ở Astana (Kazakhstan) và mở lại các cơ quan đại diện ở Cyprus, Iraq và Frankfurt (Đức). (THX)
* Hàn Quốc sẽ nối lại tập trận trong vùng đệm Đường giới hạn phía Bắc (NLL), vốn được thiết lập theo thỏa thuận quân sự liên Triều năm 2018 nhằm hạn chế các cuộc tập trận gần biên giới.
Phát biểu họp báo ngày 9/1, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Jeon Ha-kyo nhấn mạnh việc vô hiệu hóa thỏa thuận sẽ mở đường cho quân đội Hàn Quốc duy trì khả năng sẵn sàng tốt hơn.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc sẽ phải tổ chức các cuộc đàm phán với các cơ quan chính phủ khác về việc có nên hủy bỏ hoàn toàn thỏa thuận năm 2018 hay không. (Yonhap)
* Thủ tướng Bangladesh nhấn mạnh mối quan hệ bền chặt với Ấn Độ: Ngày 8/1, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina, vừa giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hôm 7/1 và bước sang nhiệm kỳ lãnh đạo thứ 5, đã bày tỏ lòng biết ơn đối với Ấn Độ.
Nhấn mạnh vai trò then chốt của New Delhi trong việc hỗ trợ Dhaka ở những thời điểm quan trọng, bà Hasina nhấn mạnh: “Ấn Độ là một người bạn tuyệt vời của Bangladesh. Chúng tôi coi họ là láng giềng của mình. Tôi thực sự đánh giá cao việc chúng tôi có mối quan hệ tuyệt vời với họ”.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Hasina cho hay, trong 5 năm tới, trọng tâm chính của Bangladesh là phát triển kinh tế, xây dựng chính phủ thông minh, nền kinh tế thông minh và xã hội thông minh vào năm 2041. (DD News)
Trung Đông
* WHO cảnh báo các bệnh viện ở miền Nam Gaza sụp đổ: Ngày 9/1, các quan chức Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bày tỏ lo ngại rằng, các bệnh viện ở miền Nam Gaza có thể sụp đổ khi xung đột gia tăng quanh thành phố Khan Younis, khiến nhiều nhân viên y tế và bệnh nhân chạy trốn để giành lấy mạng sống.
Phát biểu họp báo tại Geneva, Điều phối viên của các đội Y tế khẩn cấp của WHO ở Gaza Sean Casey nói: "Xung quanh nhiều bệnh viện... chiến sự đang gia tăng,… Chúng ta đang chứng kiến hệ thống y tế sụp đổ với tốc độ rất nhanh".
Ông cho biết thêm ước tính có khoảng 600 bệnh nhân đã rời khỏi một cơ sở y tế. (Reuters)
* Đức nhấn mạnh vai trò của việc cải tổ chính quyền Palestine: Ngày 9/1, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho rằng, cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ đảm bảo an ninh ở Gaza sau cuộc xung đột Israel-Hamas và một chính quyền Palestine được cải cách phải đóng một vai trò quan trọng trong tương lai.
Phát biểu khi đang ở thăm Ai Cập, bà Baerbock cho hay, Ai Cập và Đức nhất trí quan điểm rằng, Gaza và Bờ Tây thuộc về người Palestine, đồng thời nhấn mạnh nỗi đau khổ của người Palestine ở Gaza không thể tiếp tục. (Reuters)
* Khả năng Tổng thống Palestine thăm Nga trong tháng 2, theo lời ông Mahmoud al-Habbash, Cố vấn về các vấn đề Hồi giáo cho Tổng thống Palestine.
Trong chuyến thăm này, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về mối quan hệ giữa Palestine và Nga cũng như tình hình chính trị ở Trung Đông. (Sputnik)
* Có cơ hội để Israel củng cố quan hệ khu vực sau xung đột Gaza, theo lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 9/1.
Phát biểu họp báo trên truyền hình với người đồng cấp Israel Israel Katz, ông Blinken nói: "Tôi biết những nỗ lực của các bạn trong nhiều năm qua nhằm xây dựng sự kết nối và hội nhập lớn hơn nhiều ở Trung Đông và tôi nghĩ thực sự có những cơ hội ở đó".
Tuy nhiên, theo nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ, Israel "phải vượt qua thời điểm đầy thử thách hiện nay trong xung đột với Hamas, đảm bảo rằng ngày 7/10/2023 (ngày nổ ra xung đột) không bao giờ có thể xảy ra nữa cũng như nỗ lực xây dựng một tương lai khác biệt và tốt đẹp hơn nhiều". (Reuters)
Châu Mỹ
* Bầu cử Mỹ 2024: Ngày 8/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên án tư tưởng "người da trắng thượng đẳng" và bạo lực chính trị khi phát biểu trước các cử tri người da màu tại bang South Carolina trong khuôn khổ chiến dịch tranh cử.
Ông Biden khẳng định, tư tưởng "người da trắng thượng đẳng" là "chất độc" gây chia rẽ đất nước trong suốt lịch sử và tư tưởng này không được phép tồn tại ở Mỹ. Ông đồng thời nêu bật nỗ lực của chính quyền trong việc giảm lạm phát, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở người da màu và chống phân biệt đối xử về nhà ở.
Trong khi đó, cùng ngày, ứng cử viên Tổng thống thuộc đảng Cộng hòa Nikki Haley cho rằng, Mỹ không nên đưa quân tới tham chiến ở Ukraine, song khẳng định Washington cần tiếp tục ủng hộ Kiev để tránh xung đột lan rộng. (Sputnik)
* Bầu cử Mexico 2024 sẽ không có ứng cử viên độc lập, theo thông tin từ Viện bầu cử quốc gia Mexico (INE) hôm 8/1, do không ai trong 8 ứng cử viên độc lập đạt đủ số lượng chữ ký ủng hộ từ cử tri.
Châu Phi
* Ethiopia đàm phán hợp tác quân sự với vùng lãnh thổ ly khai Somaliland, chỉ một tuần sau khi thỏa thuận về quyền tiếp cận biển với vùng lãnh thổ ly khai này gây căng thẳng ở khu vực Sừng châu Phi.
Somaliland chưa được quốc tế công nhận rộng rãi, mặc dù đã tuyên bố quyền tự trị khỏi Somalia vào năm 1991. Trong khi đó, Somalia tuyên bố Somaliland là một phần lãnh thổ của mình.
Somalia đang tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế trong việc phản đối thỏa thuận gây tranh cãi được ký kết vào ngày 1/1 giữa Ethiopia và Somaliland.
Chính quyền trung ương Somalia coi biên bản ghi nhớ (MoU), cho phép Ethiopia, nước không giáp biển tiếp cận Biển Đỏ thông qua Somaliland, là một hành động "gây hấn" và vi phạm chủ quyền của nước này.