Người ủng hộ ông Bolsonaro xông vào tòa nhà Quốc hội, Tòa án Tối cao. (Nguồn: AP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga nêu quan điểm vấn đề Ukraine và Brazil: Ngày 9/1, phát biểu tại họp báo, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng quyết định của Pháp cùng các nước phương Tây về tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine - trong đó có xe tăng hạng nhẹ - chỉ khiến cuộc sống của người dân Ukraine thêm khó khăn.
Ông nhấn mạnh: “Về cơ bản, những chuyến hàng này không thể và sẽ không thay đổi bất cứ điều gì... (chúng) chỉ có thể kéo dài sự đau khổ của người dân Ukraine”. Nga cũng bác bỏ tuyên bố của một quan chức Ukraine rằng Moscow đang thúc đẩy thỏa thuận hòa bình “bất lợi” với giới chức châu Âu. (AFP/Reuters)
* Cựu sĩ quan tình báo Mỹ nghi ngờ Ukraine thiếu nhiều xe quân sự: Trả lời phỏng vấn kênh YouTube Judging Freedom, ông Scott Ritter, sĩ quan tình báo đã nghỉ hưu của thủy quân lục chiến Mỹ, nhân định tuyên bố mới đây của Tổng tư lệnh Các Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU) Valeriy Zaluzhny cho thấy VSU đang thiếu hụt nghiêm trọng xe tăng và xe chiến đấu bộ binh.
Người này nêu rõ: “Tướng Zaluzhny đã mất tất cả. Ông ấy cần khôi phục tiềm năng của mình. VSU di chuyển trên các phương tiện bọc thép hạng nhẹ, chủ yếu là ô tô địa hình bọc thép. Đây là cách họ vận chuyển binh lính của mình”, ông Ritter nói, đồng thời cho biết thêm cách tiếp cận này không phù hợp với các cuộc xung đột cơ động hiện đại. Theo cựu quân nhân Mỹ, trong bối cảnh thời tiết lạnh, quân đội Nga đã giành được lợi thế nhờ trang bị kỹ thuật tốt hơn. (TTXVN)
Đông Nam Á
* Philippines bổ nhiệm tân Bộ trưởng Quốc phòng: Ngày 9/1, Văn phòng Tổng thống Philippines thông báo Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã bổ nhiệm một cựu chỉ huy quân sự, người dẫn đầu cuộc chiến chống dịch Covid-19, làm tân Bộ trưởng Quốc phòng Philippines. Ông Carlito Galvez, 60 tuổi, dẫn đầu lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của Philippines và là tư lệnh Bộ chỉ huy Quân sự vùng Tây Mindanao năm 2017.
Nhu vậy, ông Galvez sẽ thay thế vị trí của ông Jose Faustino, người đã nộp đơn từ chức vị trí quyền Bộ trưởng Quốc phòng Philippines mà không nêu lý do. Ông Galvez, người giữ vai trò tư lệnh lực lượng vũ trang Philippines vào năm 2018, sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ lãnh hải Philippines cũng như vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này, giữa lúc căng thẳng leo thang với Trung Quốc ở Biển Đông. (Reuters)
* Indonesia và Malaysia muốn tăng cường vai trò ASEAN: Ngày 9/1, phát biểu tại họp báo chung với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tại Cung điện Bogor ở tỉnh Tây Java, Tổng thống Indonesia Joko nêu rõ: “Chúng tôi nhất trí tiếp tục củng cố ASEAN. ASEAN phải có khả năng đóng vai trò trung tâm trong xây dựng một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hòa bình, thịnh vượng và ổn định”.
Về phần mình, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nhắc lại cam kết bảo vệ lao động nhập cư Indonesia tại nước này và thỏa thuận của hai bên về thúc đẩy để sớm ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) về phân định biên giới trên bộ cùng trên biển.
Ngoài ra, tại hội đàm, hai bên đã thảo luận một số vấn đề, trong đó có việc Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim bày tỏ sự quan tâm của các nhà đầu tư nước này với dự án phát triển thành phố thủ đô quốc gia (IKN) Nusantara. Hai bên cũng đã chứng kiến lễ ký kết các biên bản ghi nhớ về vận tải biển, tài trợ xuất nhập khẩu, năng lượng xanh, phát triển ngành công nghiệp pin, và các lĩnh vực khác.
Malaysia cũng ủng hộ đối với vùng thông tin bay (FIR) Indonesia-Singapore và thỏa thuận tăng cường hợp tác song phương thông qua Hội đồng các nước sản xuất dầu cọ về mở rộng thị trường và chống phân biệt đối xử với mặt hàng này.
Về vấn đề Myanmar, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho nước này và Myanmar có chung quan điểm. Theo đó, hai bên hối thúc chính quyền quân sự Myanmar thực hiện Đồng thuận 5 điểm (5PC) đã được các nước ASEAN nhất trí. (TTXVN)
Đông Bắc Á
* Chủ tịch JCS thăm đơn vị chủ chốt của Hải quân, Không quân Hàn Quốc: Ngày 9/1, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), Tướng Kim Seung Kyum, đã thăm các đơn vị chủ chốt của không quân và hải quân tại phía Nam nước này, qua đó kêu gọi các đơn vị duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu mạnh mẽ trước mối đe dọa “ngày càng rõ ràng” từ phía Triều Tiên.
Ông thị sát Bộ Tư lệnh Lực lượng Tàu ngầm của Hải quân tại Changwon, cách Seoul 398 km về phía Nam, cùng với Hạm đội Hàn Quốc và Bộ Tư lệnh Cơ động & Trinh sát Hàng không tại thành phố Busan, cách Seoul 450 km về phía Nam.
Tại đơn vị tàu ngầm, Tướng Kim Seung Kyum nhấn mạnh: “Tàu ngầm là hệ thống vũ khí chiến lược cốt lõi để đảm bảo an ninh quốc gia và là thứ giống như con dao găm khiến kẻ thù khiếp sợ, vì vậy các bạn phải luôn sẵn sàng để có thể làm tê liệt lòng can đảm của kẻ thù chỉ bằng một đòn tấn công bất ngờ”.
Còn trong chuyến thăm Hạm đội Hàn Quốc, ông khẳng định: “Kẻ thù có thể khiêu khích trong một tình huống đầy thách thức một cách bất ngờ, và chúng ta cần chuẩn bị và tự rèn luyện để đảm bảo các quy trình hoạt động theo kế hoạch của chúng ta có thể được đưa vào thực tế trong trường hợp bất ngờ”. (Yonhap)
Châu Âu
* Tổng thư ký OSCE phản đối loại Nga khỏi tổ chức: Trả lời phỏng vấn tờ Welt (Đức), Tổng thư ký Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Helga Schmid Schmid nhấn mạnh: “Tôi nghĩ theo quan điểm ngày nay, việc Nga tiếp tục là thành viên của OSCE là hợp lý. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ lại cần đến các kênh đàm phán. Và OSCE là tổ chức an ninh duy nhất trong đó tất cả những thành viên quan trọng đối với cấu trúc an ninh châu Âu ngồi cùng một bàn”.
Hồi mùa Hè năm ngoái, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba tuyên bố OSCE đang ở giai đoạn tự hủy diệt. Theo ý kiến của ông, tổ chức sẽ bị diệt vong nếu Nga vẫn còn là thành viên. Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lưu ý phương Tây đã biến OSCE thành đấu trường của các trận chiến tuyên truyền và vai trò chủ tịch của Ba Lan đã vô hiệu hóa hiệu quả hoạt động của tổ chức này. (Sputnik)
* Phần Lan không triển khai vũ khí hạt nhân ngay cả khi gia nhập NATO: Ngày 8/1, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto cho biết: “Phần Lan không đưa ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào khi đăng ký làm thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vì không muốn thu hẹp phạm vi hoạt động của mình. Nhưng rõ ràng vũ khí hạt nhân sẽ không hiện diện trên đất Phần Lan ngay cả sau khi có tư cách thành viên NATO”.
Trước đó, ông tuyên bố Phần Lan không yêu cầu vũ khí hạt nhân từ các nước NATO và không quan tâm đến việc đặt chúng trên lãnh thổ. Ông nói: “Chúng tôi hiểu rằng NATO là liên minh sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng chúng nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ, nước không tìm cách phân phối chúng cho các quốc gia khác. Chúng tôi không yêu cầu vũ khí hạt nhân và không ai cấp chúng cho chúng tôi”. (Reuters)
Châu Mỹ
* Tổng thống Mỹ thị sát thành phố giáp với Mexico: Ngày 8/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến thành phố El Paso, bang Texas, để thị sát cuộc khủng hoảng di dân dọc biên giới với Mexico. El Paso là một trong những thành phố lớn nhất của tại biên giới, nơi có hàng nghìn dân di cư hàng ngày. Chuyến thăm của ông Bidendiễn ra chỉ vài ngày sau khi ông tuyên bố người đến từ Cuba, Nicaragua, Haiti và Venezuela sẽ bị trục xuất sang Mexico nếu nhập cảnh Mỹ bất hợp pháp. Đây là sự mở rộng chính sách nhập cư thời kỳ đại dịch, hay Điều khoản 42.
Trả lời El Paso Times (Mỹ), Bà Theresa Cardinal Brown, cố vấn của Viện George W. Bush có trụ sở tại Dallas (Texas), cho rằng số người nhập cư ngày càng tăng tại thành phố là “một cuộc khủng hoảng nhân đạo, khủng hoảng chính trị, khủng hoảng thủ tục, khủng hoảng chính quyền địa phương và khủng hoảng quốc tế”.
Cuối ngày 8/1, ông Biden sẽ tới Mexico City để chuẩn bị gặp Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador và Thủ tướng Canada Justin Trudeau vào ngày 9-10/1 trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Bắc Mỹ. (TTXVN)
* Tòa án Tối cao Brazil đình chỉ Thống đốc Brasilia: Tối 8/1, thẩm phán Tòa án Tối cao Brazil Alexandre de Moraes đã quyết định đình chỉ chức vụ Thống đốc Brasilia của ông Ibaneis Rocha trong 90 ngày do các lỗ hổng an ninh, dẫn tới đợt tấn công tòa nhà chính phủ của người ủng hộ cựu Tổng thống Jair Bolsonaro.
Thẩm phán Moraes cũng đưa phán quyết rằng các trại bên ngoài căn cứ quân sự do những người ủng hộ ông Bolsonaro dựng lên phải được dỡ bỏ trong vòng 24 giờ, trong khi dỡ bỏ phong tỏa những tuyến đường và các tòa nhà. Ông Moraes cũng chỉ thị cho các nền tảng truyền thông xã hội Facebook, Twitter và TikTok chặn các tài khoản của người dùng đang tuyên truyền chống dân chủ. (Reuters)
* Nhiều nước phản đối “tấn công bạo lực” ở Brazil: Ngày 9/1, trả lời họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nêu rõ: “Trung Quốc theo sát và kiên quyết phản đối vụ tấn công bạo lực nhằm vào chính quyền liên bang ở Brazil vào ngày 8/1. Bắc Kinh ủng hộ các biện pháp do chính quyền Brazil thực hiện nhằm xoa dịu tình hình, khôi phục trật tự xã hội và bảo vệ sự ổn định quốc gia:. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Lula, Brazil sẽ duy trì sự ổn định quốc gia và hòa hợp xã hội”, đồng thời đánh giá đất nước Nam Mỹ này là “đối tác chiến lược toàn diện” của Bắc Kinh.
Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Dmitry Peskov khẳng định Nga ủng hộ Tổng thống đương nhiệm Luiz Inacio Lula da Silva, đồng thời lên án cuộc bạo loạn mà những đối tượng ủng hộ cựu Tổng thống Jair Bolsonaro gây ra.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng chỉ trích các đối tượng đã xông vào các tòa nhà chính phủ trọng yếu ở Brazil. Theo ông, hành động phối hợp này đại diện cho cuộc tấn công nhằm vào nền dân chủ và không thể dung thứ, đồng thời khẳng định Đức luôn sát cánh cùng Tổng thống đương nhiệm Lula da Silva.
Cùng ngày, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng lên án mọi ý đồ hủy hoại quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình và ý chí dân chủ của người dân Brazil, đồng thời tuyên bố chính quyền London “luôn hết sức ủng hộ Brazil”.
Trước đó, Mỹ, Cuba, Colombia và nhiều nước châu Mỹ khác cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình hình mất an ninh nghiêm trọng tại Brazil. (AFP/Reuters)