Cử tri Mỹ bỏ phiếu tại cuộc bầu cử giữa kỳ tại Harrisburg, Pennsylvania, ngày 8/11. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Mỹ-Nga
* Nga: Washington tìm cách vô hiệu hóa vũ khí hạt nhân của Moscow: Ngày 9/11, tạp chí Military Thought (MT) của Bộ Quốc phòng Nga cho rằng, Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã thay thế thuyết răn đe truyền thống bằng thuyết hành động phủ đầu. Hơn nữa, Mỹ muốn kết hợp vũ khí hạt nhân và phi hạt nhân chiến lược trong hành động răn đe Nga.
Bài viết có đoạn: “Về trung hạn, Mỹ mong muốn có được vũ khí phi hạt nhân chiến lược có thời gian bay ngắn tới mục tiêu mà không gặp bất kỳ hạn chế song phương hoặc quốc tế nào. Việc sử dụng vũ khí này có thể giúp hoàn thành các nhiệm vụ tấn công chiến lược, cho phép loại bỏ một phần quan trọng của vũ khí hạt nhân Nga trước khi tổng tư lệnh tối cao nước này phóng vũ khí hạt nhân khi có cảnh báo tấn công”. (Sputnik)
* Bầu cử giữa kỳ Mỹ không giúp cải thiện quan hệ với Nga: Phát biểu với các phóng viên ngày 9/11, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov nói: “Các cuộc bầu cử này là quan trọng, nhưng không cần thiết phải phóng đại tầm quan trọng của chúng về ngắn hạn và trung hạn đối với mối quan hệ Mỹ-Nga. Những cuộc bầu cử này không thay đổi bất cứ điều gì thiết yếu. Các mối quan hệ đang và sẽ vẫn xấu như thế”.
Đồng thời, ông cũng bác bỏ cáo buộc cho rằng, Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ và nhận định còn quá sớm để nói đến đàm phán với Mỹ về gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START). (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Nga chuẩn bị tham vấn Iran về an ninh, cảnh báo Mỹ nếu không làm điều này |
Mỹ-Trung
* Trung, Mỹ tổ chức tham vấn không chính thức về khí hậu: Đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Trung Quốc Giải Chấn Hoa ngày 9/11 cho biết, Trung Quốc và Mỹ đã tham vấn không chính thức về vấn đề khí hậu bên lề Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập. Theo đó, Trung Quốc sẵn sàng đóng góp vào một cơ chế bù đắp cho các nước nghèo hơn bị tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu.
Ông nhấn mạnh, Bắc Kinh không có nghĩa vụ tham gia, song khẳng định sự đoàn kết với những bên kêu gọi hành động nhiều hơn từ các nước phát triển hơn về vấn đề này, đồng thời nêu ra thiệt hại mà Trung Quốc phải hứng chịu do các hiện tượng thời tiết cực đoan gần đây liên quan đến khí hậu. Ông cũng cho rằng, các nước không nên thay đổi cam kết về khí hậu tại hội nghị năm nay, mà cần có hành động cụ thể để thực thi cam kết đó. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Hình ảnh các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP27 |
Châu Âu
* Hungary ủng hộ Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO: Phát biểu họp báo ngày 9/11, ông Gergely Gulyas, Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, Quốc hội Hungary sẽ thảo luận việc phê chuẩn văn kiện gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan trong phiên họp mùa Thu sau khi một loạt dự luật liên quan đến Liên minh châu Âu (EU) được thông qua.
Ông nói: “Phần Lan và Thụy Điển là đồng minh của chúng tôi và họ có thể tin tưởng vào chúng tôi”. Hiện Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ là những thành viên duy nhất còn lại của NATO chưa phê chuẩn các văn kiện nói trên. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Tình hình Nga-Ukraine: LHQ đề xuất cơ chế khắc phục thiệt hại cho Kiev, NATO bàn về kịch bản chấm dứt cuộc xung đột |
Đông Bắc Á
* Hàn, Mỹ, Nhật chỉ trích Triều Tiên phóng tên lửa: Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, ngày 9/11, ông Kim Gunn, đặc phái viên Hàn Quốc về hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên đã tiến hành điện đàm với người đồng cấp Sung Kim của Mỹ và Funakoshi Takehiro của Nhật Bản để thảo luận về phản ứng liên quan vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên. Các bên nhất trí rằng, hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Họ cam kết tăng cường hợp tác để đối phó mối đe dọa tiềm tàng tiếp theo. (Yonhap)
* Nhật Bản phản đối Triều Tiên phóng tên lửa: Ngày 9/11, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết: “Triều Tiên được cho là đã phóng một tên lửa đạn đạo. Hiện tại chưa có thông tin về thiệt hại. Hành động của Triều Tiên, kể cả các vụ phóng tên lửa liên tiếp trước đó, đe dọa hòa bình và ổn định của Nhật Bản, cũng như khu vực và cộng đồng thế giới, đó là điều không thể chấp nhận. Chúng tôi đã phản đối Triều Tiên thông qua các kênh ngoại giao ở Bắc Kinh”.
Trước đó, lúc 15h35 cùng ngày theo giờ địa phương, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay, Bình Nhưỡng đã phóng một tên lửa đạn đạo bay xa 250 km với độ cao đến 50 km và rơi bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của nước này. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Triều Tiên thử tên lửa để ‘mô phỏng tấn công’, Mỹ-Nhật-Hàn nói gì? |
Trung Á
* Uzbekistan yêu cầu EU dỡ bỏ trừng phạt một doanh nhân Nga: Ngày 9/11, truyền thông châu Âu ngày 9/11 đưa tin Uzbekistan đang yêu cầu EU dỡ bỏ lệnh trừng phạt với doanh nhân người Nga Alisher Usmanov và em gái ông Gulbahor Ismailova. Theo Financial Times (Anh), “Tashkent đã tận dụng các cuộc họp gần đây giữa các quan chức Uzbekistan và EU để nêu quan ngại và yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt”. Trong khi đó, người phát ngôn của doanh nhân Usmanov cho biết, các lệnh trừng phạt cản trở đầu tư và các dự án từ thiện.
Ngày 28/2, EU đã đưa Usmanov vào danh sách cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản. Đầu tháng 3, Mỹ cũng áp đặt trừng phạt tương tự, nhưng loại trừ một số công ty của doanh nhân này. Ông Usmanov sau đó đã đệ đơn khiếu nại các lệnh trừng phạt lên Tòa án Công lý EU ngày 29/4. Người phát ngôn Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu Peter Stano cho biết, tất cả cá nhân và thực thể liệt kê trong danh sách trừng phạt của EU có thể đệ đơn kiện lên tòa án có trụ sở ở Luxembourg.
Ông Alisher Usmanov là doanh nhân người Nga gốc Uzbekistan hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, khai khoáng và luyện kim với tổng tài sản 19,5 tỷ USD và nằm trong số 100 người giàu nhất thế giới. Phương Tây cáo buộc nhà tỷ phú này ủng hộ Điện Kremlin và có mối quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Financial Times)
TIN LIÊN QUAN | |
Bộ trưởng Ngoại giao Uzbekistan kêu gọi cộng đồng quốc tế quan tâm Afghanistan |
Châu Mỹ
* Đảng Cộng hòa tự tin chiến thắng tại Hạ viện: Ngày 8/11, Hạ nghị sĩ Kevin McCarthy, lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Mỹ tuyên bố đảng Cộng hòa chắc chắn sẽ chiếm đa số tại Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ. Theo CNN, hiện đảng Cộng hòa đã giành 198 ghế, trong khi đảng Dân chủ có 178 ghế tại Hạ viện. Nếu đảng Cộng hòa chiến thắng, ông McCarthy sẽ kế nhiệm bà Nancy Pelosi, trở thành Chủ tịch Hạ viện.
Cùng lúc đó, cuộc đua tới Thượng viện đang ngày càng gay cấn hơn, với mỗi đảng đều giành được 48 ghế. Hai bên hiện đang rất gần với mục tiêu 50 ghế để nắm quyền kiểm soát Thượng viện. Cũng trong ngày 8/11, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho rằng, cuộc đua tại một số bang vẫn còn đang tiếp diễn và chưa có kết quả bỏ phiếu cuối cùng, đồng thời ca ngợi “màn trình diễn trên cả mong đợi” của các thành viên và ứng cử viên đảng Dân chủ thuộc Hạ viện. (CNN/Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Kết quả bầu cử giữa kỳ Mỹ: ‘Phiếu đại đại cử tri’ thuộc về nền kinh tế, giấc mơ Mỹ của ông Trump sẽ vượt lên? |
Trung Đông-châu Phi
* Nga, Iran thảo luận về Ukraine và phương Tây: Trong cuộc hội đàm ở thủ đô Tehran ngày 9/11, thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev và người đồng cấp Iran đã thảo luận về tình hình Ukraine, hợp tác an ninh và các biện pháp chống lại “sự can thiệp của phương Tây” vào công việc nội bộ của mỗi nước. (TASS)
* Iran cảnh báo Anh sẽ phải “trả giá” vì can thiệp nội bộ: Ngày 9/11 cảnh báo Anh sẽ phải “trả giá” về việc làm tổn hại nền an ninh quốc phòng liên quan đến làn sóng biểu tình hiện nay tại nước Cộng hòa Hồi giao. Bộ trưởng Nội vụ Iran Esmail Khatib cáo buộc Anh chứa chấp một cơ quan truyền thông đưa tin bằng tiếng Ba Tư kích động biểu tình tại Iran, đồng thời cáo buộc Saudi Arabia tài trợ cho các cơ quan truyền thông với mục đích tương tự.
Ông Khatib nói thêm: “Không giống Anh, chúng tôi sẽ không bao giờ ủng hộ các hành động khủng bố và gây bất ổn an ninh ở các nước khác”. Cũng liên quan đến các cuộc biểu tình trong nước, tháng trước, Bộ Ngoại giao Iran đã triệu Đại sứ Anh tới để phản đối sự can thiệp của Bộ Ngoại giao Anh vào vấn đề nội bộ của Iran. (IRNA)
* Australia tiếp tục chỉ trích Iran về vấn đề quyền của phụ nữ: Phát biểu trước Quốc hội Australia ngày 9/11, Thủ tướng Anthony Albanese khẳng định chính phủ của ông sẽ tiếp tục lên án hành động của Iran trong việc hạn chế các quyền của phụ nữ. Ông tuyên bố Canberra sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh, bao gồm cả tại các diễn đàn đa phương về vấn đề trên và tin tưởng rằng, đây cũng sẽ là chủ đề được nêu ra tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo toàn cầu trong tuần tới. (Reuters)
| Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc thăm Ukraine, Kiev muốn mở rộng thỏa thuận ngũ cốc Ngày 8/11, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Linda Thomas-Greenfield có chuyến thăm Kiev, gặp gỡ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. |
| Thủ tướng Nhật Bản cảnh báo về các ‘nhân tố bất tuân quy tắc’ Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cũng cam kết sẽ tăng cường tiềm lực quân sự, đồng thời cảnh báo các nước chuẩn bị đối ... |
| Iran nói chỉ cung cấp số lượng nhỏ UAV cho Nga, Ukraine và Mỹ không tin 'điều quá hiển nhiên' Sau khi Iran thừa nhận đã cung cấp máy bay không người lái (UAV) cho Moscow trước cuộc xung đột Nga-Ukraine, Washington và Kiev tỏ ... |
| Triều Tiên bắn 80 quả đạn pháo, Mỹ hối Nga, Trung Quốc sớm ‘vào cuộc’ Mỹ đã kêu gọi Nga và Trung Quốc thuyết phục Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng triển khai hàng loạt đợt phóng tên lửa và ... |
| Biến đổi khí hậu tác động tới những điều mà người dân Mỹ coi trọng nhất Một dự thảo báo cáo do chính phủ Mỹ công bố ngày 7/11, biến đổi khí hậu gây ra nguy cơ đối với những điều ... |