Nga nêu điều kiện để tổ chức thượng đỉnh Putin-Zelensky. (Nguồn: hurriyetdailynews) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga cảnh báo Hội đồng Bắc Cực: Đừng ra quyết định mà không có Moscow!
Ngày 8/6, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói rằng, các quyết định mà Hội đồng Bắc Cực đưa ra mà không có sự tham gia của phía Nga sẽ là bất hợp pháp và vi phạm nguyên tắc đồng thuận được quy định trong các văn bản hướng dẫn của hội đồng.
Ông khẳng định, một bước đi như vậy sẽ khiến Nga, với tư cách là chủ tịch đương nhiệm của hội đồng, và khiến cả cộng đồng quốc tế, những người quan tâm đến sự phát triển bền vững hơn nữa của khu vực, không khỏi phần lo ngại.
"Đơn giản là không thể giải quyết hiệu quả các vấn đề của Bắc Cực mà không có Nga", nhà ngoại giao Nga nói thêm.
Trước đó, cùng ngày, Đan Mạch, Iceland, Canada, Na Uy, Mỹ, Phần Lan và Thụy Điển đã quyết định nối lại công việc của Hội đồng Bắc Cực mà không có sự tham gia của Nga. (TASS)
Nga sẽ sớm hoàn thành mục tiêu quân sự ở Ukraine
Sau 100 ngày chiến sự nổ ra, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya khẳng định, mục tiêu quân sự của Nga là “giải phóng” vùng Donbass sẽ sớm được hoàn thành.
"Chỉ cần thời gian, và các vị sẽ thấy Donetsk và Lugansk được giải phóng. Tôi hy vọng điều này sẽ sớm xảy ra".
Ông Nebenzya cũng bác bỏ tin Nga có kế hoạch chiếm Kiev và lập chính quyền thân Moscow, nói rằng chưa có ai thuộc bộ chỉ huy Nga nói về ý định này. (BBC)
Điều kiện để tổ chức thượng đỉnh Putin-Zelensky
Trong cuộc họp báo sau hội đàm với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm 8/6, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Ukraine chỉ diễn ra sau khi các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai bên được nối lại.
Theo ông Lavrov, đây chính là điều kiện tiên quyết.
Cũng tại họp báo, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu khẳng định, nếu Nga và Ukraine tin tưởng, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải cho tiến trình đàm phán này.
Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố rằng một cuộc gặp mặt giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Ukraine là không thể xảy ra bởi Kiev đã rút khỏi tiến trình đàm phán.
Ông Peskov khẳng định: "Lập trường của Điện Kremlin rất rõ ràng, bất kỳ cuộc gặp mặt cấp cao nhất đều phải được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng và đảm bảo diễn ra hiệu quả.
Tuy nhiên, các động thái từ phía Kiev đã cho thấy họ không có ý định tiến hành đàm phán, do đó việc chuẩn bị cho một cuộc họp thượng đỉnh giữa hai tổng thống là không cần thiết". (TASS)
Ukraine lợi dụng thông tin tình báo của Mỹ
Ngày 8/6, tờ New York Times đã có bài viết khẳng định, Ukraine đã lợi dụng thông tin tình báo từ phía Mỹ, giấu các thông tin về hoạt động và tình trạng của lực lượng quân sự nước này.
Cụ thể, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, Mỹ thường xuyên cung cấp thông tin tình báo thường xuyên, gần thời gian thực cho Ukraine về vị trí của các lực lượng Nga.
Tuy nhiên, Kiev thường không chia sẻ lại kế hoạch hoạt động chi tiết.
Tờ báo này cáo buộc Kiev đang giấu diếm thông tin, thậm chí đánh lạc hướng Washington để duy trì dòng viện trợ quân sự hào phóng của Mỹ vào nước này.
Các quan chức Ukraine “không muốn đưa ra những thông tin có thể khiến Mỹ và các đối tác phương Tây khác làm chậm lại dòng vũ khí”, nguồn tin nhận định. Đồng thời, họ muốn duy trì hình ảnh của quân đội Ukraine, bất kể tình hình thực tế như thế nào. (RT)
Trận chiến quyết định ‘sinh mệnh’ Donbass
Phát biểu trong đoạn video được phát tối 8/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhận định trận chiến tại Severodonetsk rất khốc liệt và khó khăn. Đây có thể là trận đánh quyết liệt nhất trong toàn bộ tiến trình cuộc chiến ở Ukraine.
Theo nhà lãnh đạo Ukraine, phía Nga tổn thất nhiều binh sĩ và số phận của vùng Donbass có thể sẽ được quyết định bởi cục diện chiến trường tại Severodonetsk.
Severodonetsk được coi là trận chiến “Mariupol thứ hai”. Đây là tâm điểm trong giai đoạn hai của chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga phát động ở Donbass.
Severodonetsk và Lysychansk - hai thành phố ở hai bờ sông Severny Donets, hiện là khu vực duy nhất mà lực lượng Ukraine còn hiện diện và nắm quyền kiểm soát. (RT)
Tổng thống Mỹ đề cao tầm quan trọng của Thượng đỉnh châu Mỹ
Phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 9 tại Los Angeles, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh rằng, châu Mỹ "cần phải đầu tư vào chính sách đảm bảo hoạt động thương mại bền vững và có trách nhiệm tạo ra những chuỗi cung ứng có tính thích ứng cao, an toàn hơn và bền vững hơn”.
Ông Biden nhận định, hội nghị là dịp để các nước cùng nhau thực hiện những ý tưởng lớn, thúc đẩy các các hành động tham vọng.
Thừa nhận có sự khác biệt giữa các nước thành viên Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS), song ông chủ Nhà Trắng cho rằng, các nước có thể vượt qua những bất đồng bằng sự tôn trọng lẫn nhau và đối thoại. (Reuters)
Hạ viện Mỹ thông qua gói dự luật kiểm soát súng đạn
Ngày 8/6, Hạ viện Mỹ đã thông qua một gói dự luật kiểm soát súng đạn.
Gói dự luật mang tên Đạo luật bảo vệ con em của chúng ta bao gồm điều khoản nâng độ tuổi được phép mua vũ khí bán tự động từ 18 lên 21 tuổi, đồng thời cấm bán cho dân thường bump stock - thiết bị độ súng giúp chuyển đổi những khẩu súng bán tự động thành súng bắn nhanh như súng tự động.
Tuy nhiên, gói dự luật này được cho là khó qua được "ải" Thượng viện. (Reuters)
Căng thẳng Iran-IAEA
Ngày 9/6, Bộ Ngoại giao Iran đã ra tuyên bố phản đối nghị quyết của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thông qua một ngày trước đó chỉ trích Tehran thiếu hợp tác.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iran cho rằng động thái trên của IAEA "là hành động chính trị và không xây dựng", theo đó sẽ làm suy yếu hợp tác giữa Iran và IAEA.
Trước đó, ngày 8/6, Hội đồng thống đốc IAEA gồm 35 thành viên đã thông qua nghị quyết chỉ trích Iran thiếu hợp tác với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc. Nghị quyết do Mỹ, Anh, Pháp và Đức đề xuất. Nga và Trung Quốc bỏ phiếu phản đối nghị quyết này.
Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 6/2020, IAEA ra nghị quyết chỉ trích Iran.
Cùng ngày, Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi cho biết Tehran đã thông báo với cơ quan này rằng Iran có ý định ngắt kết nối với 20 camera giám sát của IAEA và các thiết bị theo dõi khác. (Reuters)
Phái viên hạt nhân Hàn-Trung thảo luận vấn đề Triều Tiên
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo, ngày 9/6, các phái viên hạt nhân hàng đầu của Hàn Quốc và Trung Quốc đã tiến hành tham vấn qua điện thoại về vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên, giữa lúc dấy lên đồn đoán về khả năng Bình Nhưỡng tiến hành một vụ thử hạt nhân.
Theo bộ trên, đại diện đặc biệt của Hàn Quốc về vấn đề hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên - ông Kim Gunn, và người đồng cấp Trung Quốc Lưu Hiểu Minh chia sẻ đánh giá về an ninh khu vực sau các vụ phóng thử tên lửa gần đây của Triều Tiên, đồng thời trao đổi quan điểm về cách thức xử lý vấn đề.
Trong cuộc điện đàm, phái viên Kim Gunn nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đồng quốc tế trong việc thể hiện lập trường phối hợp và kiên quyết nhằm đối phó với hành động gây hấn của Triều Tiên.
Về phần mình, ông Lưu Hiểu Minh nhất trí cần phải duy trì "liên lạc và hợp tác chặt chẽ" giữa Bắc Kinh và Seoul. (Yonhap)
Israel từ chối đề nghị của Mỹ về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Palestine
Mạng tin Walla! của Israel ngày 8/6 đưa tin các quan chức nước này tuần trước đã từ chối đề nghị của Mỹ về việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với chính quyền Palestine.
Trang tin trên dẫn lời ba quan chức đề nghị giấu tên cho biết Mỹ đề xuất hội nghị này nhằm bàn về thỏa thuận hòa bình lâu dài giữa Jerusalem và Ramallah, nhân chuyến thăm của Cố vấn An ninh quốc gia Israel Eyal Hulata tới Washington tuần trước.
Hội nghị sẽ có sự tham gia của 5 quốc gia, bao gồm Israel, Palestine, Mỹ, Ai Cập và Jordan. Địa điểm có thể là thủ đô Washington D.C (Mỹ), nhưng cũng có thể là một trong hai nước trung gian còn lại.
Đáp lại, ông Hulata cho biết tình hình chính trị hiện nay ở Israel (với sự bất đồng giữa các đảng phái) không phù hợp, đồng thời Israel không muốn có một hội nghị như vậy vì kinh nghiệm cho thấy kỳ vọng của các bên tăng lên sẽ khiến bạo lực gia tăng.
Vòng đàm phán gần đây nhất giữa Israel và Palestine diễn ra năm 2014. Sau đó vài tháng, một vòng xoáy bạo lực lớn đã xuất hiện giữa hai bên.
Algeria tuyên bố đình chỉ hoạt động ngoại thương với Tây Ban Nha
Đài phát thanh Algeria đưa tin, kể từ ngày 9/6, chính quyền nước này sẽ đình chỉ hoạt động ngoại thương với Tây Ban Nha, như một phần trong căng thẳng leo thang liên quan lập trường về vấn đề Tây Sahara.
Sau khi Algeria quyết định đình chỉ Hiệp ước hữu nghị, láng giềng tốt và hợp tác được ký kết vào năm 2002 với Tây Ban Nha, ngày 9/6, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albres khẳng định chính quyền Maldrid sẽ "kiên quyết bảo vệ" các lợi ích quốc gia.
Phát biểu với báo giới, ông Albares nêu rõ: "Chúng tôi đang phân tích mức độ ảnh hưởng của (quyết định của Algeria) trong phạm vi quốc gia và toàn châu Âu theo cách thức mang tính xây dựng và nhẹ nhàng, song vẫn kiên quyết bảo vệ lợi ích của người dân và doanh nghiệp Tây Ban Nha".
Theo ông Albares, Tây Ban Nha đang giám sát chặt chẽ dòng chảy khí đốt từ Algeria - nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Tây Ban Nha, và hiện tại lĩnh vực này không chịu ảnh hưởng từ căng thẳng ngoại giao song phương. (Reuters)
Tiêm kích Trung Quốc gặp tai nạn
Thời báo Hoàn cầu đưa tin, một tiêm kích J-7 của Không quân Trung Quốc đã lao xuống khu dân cư ở Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc trong lúc tham gia huấn luyện sáng nay, 9/6. Vụ tai nạn gây hư hại một số nhà dân, đồng thời khiến một người thiệt mạng và hai người khác bị thương.
Đức lo ngại về hoạt động gián điệp
Theo báo Die Welt của Đức, hoạt động gián điệp chống lại nước Đức mà các cơ quan chức năng nước này ghi nhận được đang gia tăng trong những năm gần đây.
Kể từ năm 2017, mỗi năm Cơ quan Tổng công tố liên bang đã tiến hành các thủ tục pháp lý đối với hơn 10 trường hợp nghi ngờ liên quan tới hoạt động gián điệp. Trong năm 2017 và 2021, số lượng này thậm chí tăng gấp đôi, lên hơn 20 trường hợp.
Theo Chủ tịch Cơ quan Bảo vệ Hiến pháp liên bang (BfV) Thomas Haldenwang, với vai trò là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, khoa học công nghệ tại châu Âu, thủ đô Berlin được coi là một trung tâm của các hoạt động gián điệp tại lục địa này.