Mỹ và Trung Quốc tiếp tục có những xung đột về nhiều lĩnh vực. |
Mỹ-Trung Quốc
Mỹ áp đặt lệnh cấm lên 5 công ty công nghệ Trung Quốc
Theo văn bản chính thức công bố ngày 16/7, Chính phủ Mỹ sẽ cấm các cơ quan chính phủ mua thiết bị và dịch vụ của bất kỳ công ty nào sử dụng sản phẩm của 5 công ty công nghệ của Trung Quốc, gồm Huawei, ZTE, Hytera Communications, Hangzhou Hikvision Digital Technology và Dahua Technology.
Hãng thông tấn Kyodo dẫn các văn bản trên cho biết, lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày 13/8, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump duy trì quan điểm cứng rắn đối với Huawei và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc, cho rằng các công ty này là nguy cơ đối với an ninh quốc gia. (Kyodo)
Trung Quốc phản đối lệnh cấm đi lại của Mỹ
Ngày 17/7, Bắc Kinh tuyên bố mọi lệnh cấm đi lại của Mỹ áp đặt đối với các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ là vô lý và một động thái như vậy sẽ đồng nghĩa với việc Washington chống lại toàn bộ người dân Trung Quốc.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định, không một quốc gia hay cá nhân nào có thể ngăn cản Trung Quốc tiến lên.
Trước đó, ngày 15/7, tờ New York Times dẫn 4 nguồn tin giấu tên cho biết lệnh cấm vào Mỹ đối với toàn bộ thành viên đảng Cộng sản Trung Quốc và người thân đang được các quan chức chính quyền Tổng thống Donald Trump xem xét. Lệnh cấm đang ở dạng dự thảo và vẫn có thể bị ông Trump bác bỏ. (NYTimes/Reuters)
Bạn có thể quan tâm:
Tin tặc Nga
Mỹ, Anh, Canada tố tin tặc Nga đánh cắp nghiên cứu vaccine Covid-19
Các cơ quan tình báo Mỹ, Anh và Canada ngày 16/7 cho biết, Tin tặc Nga đang cố gắng đánh cắp các nghiên cứu về vaccine Covid-19, bằng cách sử dụng các phần mềm độc hại và lừa đảo trên mạng.
Theo AP, nhóm tin tặc Nga này được cho là APT29, tổ chức tấn công nhắm vào các cơ sở học thuật và nghiên cứu dược phẩm có liên quan đến phát triển vaccine Covid-19. Nhóm APT29 có tên gọi khác là Cozy Bear, từng bị Mỹ cáo buộc can thiệp bầu cử tổng thống vào năm 2016.
Trung tâm an ninh mạng quốc gia Anh, cho biết các vụ tấn công mạng lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 2, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy bất cứ dữ liệu nào bị đánh cắp.
Theo NY Times, các chính phủ không tiết lộ cụ thể đã có những thông tin nào quan trọng bị đánh cắp hay nơi nào bị tấn công. Nhưng mục tiêu chính dường như là Đại học Oxford và công ty dược phẩm Anh-Thụy Điển AstraZeneca.
Theo các quan chức tình báo Mỹ, người Nga đã nhắm đến việc đánh cắp nghiên cứu để phát triển vaccine của họ nhanh hơn, chứ không phải để phá hoại nghiên cứu của các quốc gia khác.
Về phần mình, người phát ngôn điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, bác bỏ mọi cáo buộc. Ông nhấn mạnh Nga không có bất kỳ mối liên hệ nào với các vụ tấn công mạng mà 3 nước phương Tây thông báo. (NY Times/ AP)
Bạn có thể quan tâm:
Liên minh châu Âu (EU)
EU gặp khó trong việc lên kế hoạch phục hồi hậu Covid-19
Ngày 17/7, các nhà lãnh đạo của 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU) gặp nhau trực tiếp tại Brussels để thảo luận về gói tài chính trị giá 1,8 nghìn tỷ Euro cho kế hoạch phục hồi sau Covid-19 và một ngân sách dài hạn mới của khối.
Tranh cãi về số lượng và phương thức giải ngân của Quỹ tái thiết sau đại dịch Covid-19 là rất căng thẳng. Các cuộc đàm phán rất phức tạp do ngoài Quỹ tái thiết này, các nhà lãnh đạo EU cũng đồng thời phải đàm phán về gói ngân sách dài hạn mới của khối trị giá gần 1,1 nghìn tỷ Euro.
Trước đó, phát biểu khi tới dự hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên tiếng thừa nhận Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với "khoảnh khắc của sự thật", đồng thời nhấn mạnh "Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để đạt được sự thống nhất".
Thừa nhận vẫn tồn tại những khác biệt sâu sắc giữa các nước, Thủ tướng Đức Angela cho rằng, các nhà lãnh đạo sẽ phải đối mặt với các cuộc thảo luận "vô cùng khắc nghiệt" về kế hoạch phục hồi cũng như ngân sách dài hạn của khối. Bà nhấn manh: "Chúng ta cũng phải đối mặt với thực tế này và chúng ta thực sự cần thiện ý lớn để thỏa hiệp nếu muốn đạt được một điều gì đó tốt đẹp cho người dân và châu Âu trước đại dịch. Đó là lý do vì sao tôi lường trước được những cuộc đàm phán sẽ rất, rất khó khăn".
Hội nghị thượng đỉnh bất thường lần này dự kiến sẽ kéo dài 2 hoặc thậm chí là 3 ngày và có thể chưa phải là cuộc gặp thượng đỉnh cuối cùng của các nhà lãnh đạo EU về ngân sách dài hạn. Giới quan sát cũng nhận định, các cuộc đàm phán hứa hẹn sẽ kéo dài và khó khăn. (BBC)
Bạn có thể quan tâm:
Australia-Trung Quốc
Australia đưa TikTok vào ‘tầm ngắm’
Ngày 17/7, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, Chính phủ đang theo dõi chặt chẽ phần mềm TikTok. Phát biểu trên đài 3AW của Australia, Thủ tướng Morrison xác nhận đã có những lo ngại liên quan tới tới ứng dụng TikTok và vấn đề rò rỉ thông tin người sử dụng, gây mất an ninh quốc gia.
Ông Morison nói rằng, Australia rất chú ý tới những rủi ro đó và luôn theo dõi chúng chặt chẽ. Trong trường hợp cần phải có những biện pháp hành động mạnh mẽ hơn, chính quyền Canberra sẽ không ngần ngại để thực hiện chúng.
Tuần trước, một số chính trị gia của Australia đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ ban hành lệnh cấm ứng dụng TikTok, nhằm ngăn chặn nguy cơ rò rỉ thông tin, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.
Đáp lại những ý kiến này, TikTok quyết định thực hiện một chiến dịch công khai để duy trì danh tiếng của mình. Công ty đã gửi bức thư ngỏ tới các nhà chính trị gia Australia cho biết, hãng này đang bị sử dụng như một "trái bóng chính trị" trong cuộc chiến ngoại giao giữa Australia, Mỹ và Trung Quốc. TikTok khẳng định, thông tin ứng dụng sẽ cung cấp dữ liệu người dùng cho Chính phủ Trung Quốc, hoặc lưu trữ dữ liệu của Australia tại Trung Quốc là hoàn toàn không chính xác. (AAP)
Bạn có thể quan tâm:
Mỹ - Australia
Lãnh đạo Australia và Mỹ thảo luận về tăng cường hợp tác với các đối tác Đông Nam Á
Nhật báo The Australian đưa tin, Thủ tướng Scott Morrison đã có cuộc họp trực tuyến với Tổng Thống Mỹ Donald Trump vào sáng 17/7 để thông báo cho nhà lãnh đạo Mỹ về quyết định của Australia nhằm tăng cường khả năng quốc phòng, củng cố vị thế sức mạnh và cập nhật tầm nhìn chiến lược của nước này trong khu vực.
Thủ tướng Australia cũng trao đổi với Tổng thống Trump về cách kiểm soát đại dịch Covid-19 và sự cần thiết phải mở lại nền kinh tế một cách an toàn.
Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về việc phối hợp các cách tiếp cận của hai nước với các tổ chức đa phương cũng như cam kết về thị trường mở và cơ chế thuế quan thấp.
Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là trọng tâm của cuộc thảo luận sau khi ông Morrison gần đây thông báo về kế hoạch quốc phòng 10 năm trị giá 270 tỷ AUD bao gồm khả năng tác chiến hải quân và không quân cũng như các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa đầu tiên trên đất liền.
Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về việc hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác Đông Nam Á và các quốc gia chủ chốt khác bao gồm Nhật Bản và Ấn Độ, thông qua đối thoại an ninh Bộ tứ. (The Australian)
Bạn có thể quan tâm:
Vấn đề Biển Đông
Ấn Độ lên tiếng về Biển Đông
Trong bối cảnh Mỹ-Trung đang lâm vào một cuộc khẩu chiến liên quan đến yêu sách của Bắc Kinh đối với Biển Đông, ngày 16/7, Ấn Độ tuyên bố tuyến đường thủy chiến lược này là một phần lợi ích chung toàn cầu.
Phát biểu tại cuộc họp báo hàng tuần, trả lời câu hỏi về lập trường của New Delhi sau khi Mỹ bác bỏ hầu hết tuyên bố chủ quyền hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava nhấn mạnh, New Delhi ủng hộ tự do hàng hải và thương mại hợp pháp trên các tuyến đường thủy quốc tế.
Ông Srivastava nói: "Chúng tôi đã nêu rõ lập trường của mình về Biển Đông trong nhiều dịp trước đây, mới đây nhất là vào ngày 21/5. Quan điểm của chúng tôi về vấn đề này là rõ ràng và nhất quán.
Biển Đông là một phần của các lợi ích chung toàn cầu. Ấn Độ có lợi ích gắn chặt với hòa bình và ổn định trong khu vực này. Chúng tôi cương quyết ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp không bị cản trở trên các tuyến đường thủy quốc tế này, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS)".
Người phát ngôn trên đồng thời khẳng định, Ấn Độ tin tưởng, bất kỳ sự khác biệt nào cũng cần được giải quyết một cách hòa bình thông qua các quy trình ngoại giao và pháp lý, mà không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Tuyên bố của Ấn Độ được đưa ra sau khi Australia - quốc gia chủ chốt khác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ "rất mạnh mẽ" tự do hàng hải trên Biển Đông. (ANI)
Bạn có thể quan tâm:
Đại dịch Covid-19
LHQ kêu gọi thêm 3,6 tỷ USD cho kế hoạch chống dịch Covid-19
LHQ đang tìm kiếm thêm 3,6 tỷ USD cho Kế hoạch ứng phó nhân đạo toàn cầu để chống dịch Covid-19, và cảnh báo các nước phát triển về “cái giá của việc không hành động” nếu các nước nghèo hơn không được trợ giúp.
Ông Mark Lowcock, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo, cho biết có nguy cơ cao sẽ xảy ra nhiều nạn đói trong năm nay và đầu năm sau, và các nước cần phải đầu tư ngay bây giờ để ngăn chặn nguy cơ này. Bên cạnh Somalia, Nam Sudan, Yemen và Nigeria, vốn là các nước đã và đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu lương thực, ông Lowcock còn bày tỏ quan ngại đối với Sudan, và Haiti.
Bên cạnh việc chống lại nạn đói, nguồn quỹ bổ sung nói trên còn được dùng để chi trả cho thiết bị y tế, các chiến dịch truyền thông và thiết lập kênh vận chuyển nhân đạo bằng đường hàng không ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh.
Đây là lần thứ ba LHQ kêu gọi gây quỹ kể từ khi khởi xướng kế hoạch nói trên vào tháng Ba với mục tiêu huy động 2 tỷ USD. Số tiền kêu gọi mới sẽ đưa tổng số tiền cần huy động cho kế hoạch này lên 10,3 tỷ USD. Nhưng kể từ tháng Ba, mới chỉ có 1,7 tỷ USD được quyên góp. (AFP)
Bạn có thể quan tâm: