📞

Tin thế giới ngày 21/7: Trung Quốc tiếp tục căng thẳng với Mỹ và châu Âu. Nga 'phập phồng' theo dõi Mỹ-Ukraine ở Biển Đen

Hoàng Hà 19:45 | 21/07/2020
TGVN. Căng thẳng Trung Quốc với các nước phương Tây, Mỹ-Ukraine tập trận chung ở Biển Đen, tình hình Syria, Libya và đại dịch Covid-19 là các sự kiện quốc tế nổi bật trong 24h qua.

Mỹ-Trung Quốc

Trung Quốc tuyên bố bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp bị Mỹ trừng phạt

Ngày 21/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã cáo buộc Mỹ lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Tuyên bố này được đưa ra nhằm đáp trả quyết định của Mỹ về việc bổ sung 11 công ty Trung Quốc vào danh sách đen về kinh tế do cách thức đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Phát biểu tại một buổi họp báo thường nhật, ông Uông Văn Bân khẳng định, Bắc Kinh kiên quyết phản đối động thái trên và sẽ triển khai những biện pháp cần thiết để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các công ty Trung Quốc.

Trước đó, ngày 20/7, Bộ Thương mại Mỹ thông báo đã bổ sung 11 công ty Trung Quốc vào danh sách đen về kinh tế do có những hành vi xâm phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Bộ Thương mại Mỹ cho rằng, các công ty này dính líu đến việc sử dụng lao động cưỡng bức đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm sắc tộc Hồi giáo thiểu số khác.

Trong 11 doanh nghiệp trên có một số công ty dệt và 2 doanh nghiệp bị cho là đã tiến hành các hoạt động phân tích gen để phục vụ cho hành động đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các sắc tộc Hồi giáo thiểu số khác. (Reuters)

Bạn có thể quan tâm:


Trung Quốc-châu Âu

Trung Quốc kêu gọi Anh ngay lập tức sửa sai

Ngày 20/7, Chính phủ Anh thông báo đình chỉ thỏa thuận dẫn độ với Hong Kong "ngay lập tức và vô thời hạn", nhằm đáp trả việc Trung Quốc mới ban hành Luật an ninh quốc gia tại đặc khu hành chính này.

Phản ứng về việc Anh tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận dẫn độ với Hong Kong, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi Anh ngay lập tức sửa chữa sai lầm của mình.

Bộ trên cho rằng, các động thái của Anh vi phạm luật pháp và tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời cảnh báo Trung Quốc kiên quyết phản đối việc này và bảo lưu quyền đáp trả. (Reuters)

Bạn có thể quan tâm:

Trung Quốc xem xét trả đũa nhằm vào các tập đoàn châu Âu

Ngày 20/7, tờ Wall Street Journal dẫn các nguồn thạo tin cho hay, Trung Quốc không loại trừ khả năng trả đũa hãng viễn thông Nokia của Phần Lan và hãng công nghệ Ericsson của Thụy Điển, nếu các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) tiếp bước Anh và Mỹ tiến hành các biện pháp ngăn chặn hãng công nghệ viễn thông Huawei phát triển mạng 5G ở các nước này.

Theo các nguồn tin, Trung Quốc đang xem xét kiểm soát xuất khẩu nhằm ngăn chặn Nokia và Ericsson xuất sản phẩm do các hãng này sản xuất tại Trung Quốc sang các nước khác.

Tuy nhiên, cũng theo tờ Wall Street Journal, Bắc Kinh sẽ chỉ thực hiện biện pháp trên nếu các nước EU cấm Huawei phát triển mạng 5G tại các nước này.

Trước đó, ngày 14/7, Chính phủ Anh đã tuyên bố cấm Huawei tham gia phát triển hạ tầng 5G ở quốc gia châu Âu, chấm dứt mối quan hệ hợp tác kéo dài hai thập kỷ. Tuy nhiên, các đơn hàng liên quan đến thiết bị dùng cho mạng 2G, 3G và 4G vẫn được duy trì. Các hãng Nokia và Ericsson đã thông báo rằng họ sẵn sàng tiếp bước Anh.

Tờ Wall Street Journal hồi tháng 6 cũng đưa tin, Mỹ đang xem xét mua lại các hãng Nokia và Ericsson để cạnh tranh với Huawei.

Bạn có thể quan tâm:

Pháp không cấm Huawei đầu tư tại nước này

Ngày 21/7, trả lời đài phát thanh Info, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire tuyên bố nước này sẽ không cấm công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc đầu tư tại Pháp, trái ngược với Anh đã quyết định loại trang thiết bị của Huawei khỏi mạng lưới 5G vào năm 2027.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo cho biết ông Pompeo sẽ thảo luận về cách thức đối phó với sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc khi ông gặp Thủ tướng Anh Boris Johnson vào ngày 21/7, chỉ 1 tuần sau khi London quyết định loại người khổng lồ Huawei khỏi mạng lưới 5G. (Reuters)

Bạn có thể quan tâm:


Tình hình Libya

Khẳng định tiếp tục hợp tác với GNA, Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi ngừng mọi hỗ trợ cho LNA

Ngày 20/7, Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi ngừng "ngay lập tức" các hỗ trợ cho lực lượng của Tướng Khalifa Haftar, người đứng đầu quân đội miền Đông Libya (LNA).

Sau cuộc gặp cùng ngày với Bộ trưởng Nội vụ của Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya (GNA) Fathi Bachagha và Bộ trưởng Nội vụ và An ninh Quốc gia Malta Byron Camilleri ở thủ đô Ankara, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar nhấn mạnh: "Điều cần thiết là phải dừng ngay lập tức tất cả các loại viện trợ và hỗ trợ cho người theo chủ nghĩa tự do Haftar, người đang ngăn chặn việc thiết lập hòa bình, ổn định, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ ở Libya. Chúng ta biết rằng trở ngại lớn nhất để đạt được mục tiêu này là nhà lãnh đạo đảo chính Haftar".

Bộ trưởng Akar cũng khẳng định Ankara sẽ tiếp tục hợp tác với GNA về huấn luyện, hợp tác và tư vấn quân sự.

Các tuyên bố của người đứng đầu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra trong thời điểm tình hình ngày càng căng thẳng ở Libya, khi Ai Cập đang đe dọa can thiệp quân sự nếu GNA tiến tới thành phố chiến lược Sirte. (Reuters)

Bạn có thể quan tâm:

Biển Đen

Ukraine và Mỹ bắt đầu tập trận chung, Nga theo dõi sát

Ngày 20/7, Ukraine và Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân chung thường niên mang tên Sea Breeze ở Biển Đen. Tổng cộng 26 tàu từ 8 nước tham gia cuộc tập trận trên, trong đó có tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Porter của Mỹ.

Tư lệnh Hạm đội 6 của Mỹ, Phó Đô đốc Eugene Black nhận định, Biển Đen là tuyến đường thủy đóng vai trò quan trọng đối với thương mại hàng hải và sự ổn định ở châu Âu. Vì vậy, Mỹ, các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các quốc gia đối tác nhận thấy cần liên tục phối hợp cùng nhau để đảm bảo an ninh trên tuyến đường thủy này.

Tập trận thường niên Sea Breeze được tổ chức từ năm 1997. Chương trình năm nay dự kiến kéo dài một tuần và hạn chế ở các hoạt động trên biển và trên không do đại dịch Covid-19. Các nước Bulgaria, Gruzia, Na Uy, Romania, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ cùng tham gia tập trận.

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và Ukraine cũng như phương Tây chưa có dấu hiệu cải thiện kể từ khi rơi vào căng thẳng năm 2014 liên quan việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea ở Biển Đen, đặc biệt vụ việc năm 2018, khi lực lượng Nga bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine ngoài khơi bán đảo Crimea.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, Hạm đội Biển Đen đã bắt đầu theo dõi tàu khu trục Porter của Mỹ, khi tàu này tiến vào Biển Đen hôm 19/7. (THX)

Bạn có thể quan tâm:

Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu khoan thăm dò ở Biển Đen

Ngày 20/7, Bộ trưởng Tài nguyên và Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Dönmez cho biết, tàu khoan Fatih của nước này đã bắt đầu khoan thăm dò các mỏ hydrocarbon ở Biển Đen.

Trước đây, tàu Fatih đã thực hiện các hoạt động thăm dò và khoan trên thềm vùng biển phía Đông Địa Trung Hải, bao gồm cả ngoài khơi đảo Cyprus.

Trên tài khoản Twitter, Bộ trưởng Dönmez viết: "Để đảm bảo an ninh năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi sẽ khám phá từng mét vuông trên biển của chúng ta. Và nếu có gì đó, chúng tôi chắc chắn sẽ tìm thấy".

Trong khi đó, Chính phủ Cộng hòa Cyprus cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục vi phạm các quyền chủ quyền của Cyprus. Cụ thể, Ankara tiến hành khoan ở khu vực biển của Cyprus cũng như tiến hành thăm dò địa chấn ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Cyprus, xâm phạm quyền chủ quyền của nước này.

EU đã nhiều lần lên án những hành động này, còn Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ không ngừng hoạt động thăm dò ở thềm lục địa Cyprus. (Sputnik)

Bạn có thể quan tâm:

Tình hình Syria

Tấn công tên lửa dồn dập ở thủ đô

Ngày 20/7, hãng tin nhà nước SANA của Syria dẫn nguồn tin quân sự nước này cho biết, lực lượng phòng không Syria đã đánh chặn “nhiều mục tiêu của kẻ địch” trên bầu trời thủ đô Damascus. Cuộc tấn công đã làm ít nhất 7 binh sĩ Syria bị thương.

Theo SANA, các tên lửa của Israel đã được phóng từ Cao nguyên Golan, vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Syria, nhằm vào các mục tiêu ở phía Nam thủ đô Damascus. Phòng không Syria đã đánh chặn hầu hết các tên lửa này song cuộc tấn công cũng đã gây ra những thiệt hại vật chất và khiến 7 binh sĩ Syria bị thương.

Trong khi đó, Tổ chức giám sát nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại Anh thông tin, ít nhất 6 tên lửa của Israel đã đánh trúng các mục tiêu của Chính phủ Syria và lực lượng thân Iran ở phía Nam Damascus.

Đây là diễn biến mới nhất trong hàng loạt vụ tấn công mà các nguồn tin tình báo phương Tây cho rằng do phía Israel tiến hành nhằm vào các mục tiêu được Iran hậu thuẫn ở Syria. Kể từ khi bùng phát xung đột tại Syria năm 2011, Israel đã tiến hành hàng trăm vụ không kích vào lãnh thổ Syria nhằm vào các mục tiêu là các lực lượng của Iran và các phương tiện chở vũ khí của nhóm vũ trang Hồi giáo Hezbollah. (AFP)

Bạn có thể quan tâm:

Covid-19

Nhật Bản nâng cảnh báo đi lại tới 16 quốc gia và vùng lãnh thổ

Ngày 21/7, Nhật Bản đã nâng cảnh báo đi lại đối với Palestine và 15 quốc gia, trong đó có Nepal, Kenya và Venezuela, lên cấp độ 3 (tránh tất cả hoạt động đi lại tới khu vực bị cảnh báo) do quan ngại về tình trạng lây lan của dịch Covid-19.

Các quốc gia/vùng lãnh thổ khác được đưa vào danh sách này gồm Botswana, Comoros, Liberia, Libya, Madagascar, Namibia, Paraguay, Cộng hòa Congo, Sierra Leone, Somalia, Sudan, Suriname và Uzbekistan. Như vậy, hiện số lượng các quốc gia/vùng lãnh thổ nằm trong danh sách cảnh báo cấp độ 3 (cấp độ cảnh báo cao thứ 2 trong thang cảnh báo 4 cấp của Nhật Bản) vì dịch Covid-19 đã tăng lên 146.

Nhật Bản dự kiến sẽ áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài từng đến 16 quốc gia/vùng lãnh thổ mới được đưa vào danh sách cảnh báo sau các cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia.

Hiện nay, Nhật Bản cấm nhập cảnh đối với những người nước ngoài đã từng đến 129 quốc gia/vùng lãnh thổ, trong đó có Mỹ, Trung Quốc và tất cả các nước châu Âu, trong 14 ngày trước khi tới nước này.

Theo hãng tin Kyodo, chính quyền của Thủ tướng Abe Shinzo đang cân nhắc khả năng mở cửa biên giới theo từng giai đoạn đối với những quốc gia/vùng lãnh thổ đã kiểm soát được dịch bệnh. Nhật Bản đã đàm phán với Australia, New Zealand, Thái Lan và Việt Nam để nối lại các hoạt động đi lại dành cho doanh nhân với một số điều kiện nhất định. (Kyodo)