📞

Tin thế giới ngày 2/6: Tổng thống Ukraine thừa nhận thực tế, Moscow lên tiếng về vũ khí phương Tây, liên minh Mỹ-Hàn suy yếu?

Minh Vương 19:44 | 02/06/2022
Ông Zelensky thừa nhận Nga nắm 20% lãnh thổ Ukraine, Moscow nói về vũ khí phương Tây, đề cử đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ lên tiếng… là một số tin thế giới nổi bật 24 giờ qua.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nhận định 'thời gian dành cho Nga đang cạn kiệt' . (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin thế giới ngày 2/6.

Nga-Ukraine

* Tổng thống Zelensky thừa nhận Nga chiếm giữ 20% diện tích lãnh thổ Ukraine: Ngày 2/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng Nga hiện đang chiếm giữ khoảng 20% diện tích lãnh thổ Ukraine.

Ông nêu rõ: "Chúng tôi phải tự bảo vệ mình trước gần như toàn bộ quân đội Nga. Tất cả các đội hình quân sự sẵn sàng chiến đấu của Nga đều tham gia vào cuộc xâm lược này". Theo ông, chiến tuyến hiện đã trải dài hơn 1.000 km.

Đồng thời, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi phương Tây tăng cường cung cấp vũ khí cho Kiev để thúc đẩy cuộc chiến ác liệt giữa nước này với Nga tiến tới bước ngoặt cho phép Ukraine giành chiến thắng.

Ông cho rằng sự chia rẽ ở châu Âu đã tạo cơ hội cho Nga, song cũng dành lời cảm ơn cho sự hỗ trợ từ các nước phương Tây.

Trong một tin liên quan, cùng ngày, Thống đốc vùng Donetsk Pavlo Kyrylenko cho rằng các lực lượng của Nga ở khu vực miền Đông Ukraine đang cố tiến về phía Nam, hướng tới các thành phố chủ chốt do Ukraine kiểm soát gồm Kramatorsk và Sloviansk.

Kramatorsk là thủ phủ trên thực tế của khu vực Donetsk kể từ năm 2014 sau khi thành phố Donetsk bị các lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn đánh chiếm. Ông Kyrylenko cho biết thêm hiện vẫn còn 340.000 dân thường sinh sống tại các khu vực do Ukraine kiểm soát, thấp hơn nhiều so với con số 1,67 triệu người trước chiến sự. (Reuters)

* Nga nói về trưng cầu ý dân ở Donbass: Ngày 2/6, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho rằng tổ chức cuộc trưng cầu dân ý tại 2 nước cộng hòa tự xưng ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine, về gia nhập Nga là điều khó khăn trong điều kiện hiện nay, nhấn mạnh rằng cần ưu tiên đảm bảo an ninh của hai vùng này.

Ông Peskov nói: “Khi an ninh không được đảm bảo đầy đủ, chúng tôi thấy rằng quân đội Ukraine và những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine tiếp tục tấn công vào các mục tiêu dân sự ở những vùng lãnh thổ này thì tất nhiên, trong những điều kiện này khó có thể đề cập đến (cuộc trưng cầu dân ý). Điều này đòi hỏi sự mong muốn và quyết định của chính người dân, cũng như cần được tạo điều kiện”. (Sputnik)

* Nga khẳng định UAV từ Mỹ “không làm thay đổi” cục diện: Phát biểu ngày 2/6, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho rằng kế hoạch của Mỹ nhằm bán cho Ukraine 4 máy bay không người lái (UAV) MQ-1C Grey Eagle có khả năng trang bị tên lửa Hellfire để chống Nga sẽ không ảnh hưởng đến chiến dịch quân sự của Moscow.

Ông Peskov nhấn mạnh: “Việc (phương Tây) bơm vũ khí vào Ukraine không làm thay đổi tất cả các thông số của chiến dịch đặc biệt này... Các mục tiêu của chiến dịch sẽ đạt được, song điều này sẽ mang lại nhiều đau khổ hơn cho Ukraine...”. Ngoài ra, ông Peskov cho biết Nga chắc chắn sẽ không bán dầu với giá thua lỗ. Ông nhấn mạnh dòng chảy dầu chuyển hướng khi nhu cầu giảm và tăng ở những nơi khác nhau. (Reuters)

Châu Âu

* Nga không có kế hoạch “đóng cửa với châu Âu”: Ngày 2/6, Người Điện Kremlin ngày 2/6 tuyên bố, Nga không có kế hoạch "đóng cửa" với châu Âu, trong bối cảnh quan hệ giữa nước này với phương Tây đang ở mức thấp chưa từng có do xung đột ở Ukraine.

Khi được hỏi liệu các mối quan hệ khó khăn với châu Âu có làm đảo ngược những nỗ lực trước đây của Peter Đại đế trong việc mở cửa nước Nga với châu Âu hay không, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Chúng tôi không có kế hoạch đóng cửa bất cứ điều gì”.

Peter Đại đế, Sa hoàng cai trị Đế quốc Nga từ năm 1682-1725, đã giám sát quá trình chuyển đổi của Nga trở thành một cường quốc lớn ở châu Âu và thành lập thành phố Saint Petersburg, được mệnh danh là cửa ngõ dẫn đến châu Âu của Nga.

Trước đó cùng ngày, Nga đã cảnh báo rằng việc Liên minh châu Âu (EU) quyết định loại bỏ một phần dầu của Nga có khả năng gây mất ổn định thị trường năng lượng toàn cầu, xem đây là bước đi “tự hủy hoại” có thể gây phản tác dụng đối với khối này. (Sputnik)

* Bộ trưởng Đức: Thời gian dành cho Nga đang cạn kiệt: Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck ngày 2/6 cho rằng, nước này cần nỗ lực hơn nữa để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng từ Nga, song khẳng định các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow đang gây tổn thất nặng nề cho “cỗ máy chiến tranh” của Nga.

Phát biểu trước các nghị sỹ Đức, ông Habeck nêu rõ: “Nền kinh tế Nga đang sụp đổ”. đồng thời nhấn mạnh trong tháng 3/2022, Đức đã giảm 60% hoạt động xuất khẩu tới Nga, con số này thậm chí cao hơn trong tháng 4.

Theo Bộ trưởng Kinh tế Đức, trong số các nước đồng minh tham gia chiến dịch trừng phạt, xuất khẩu sang Nga giảm 53% trong các tháng trước đó, trong khi con số này là 45% đối với các quốc gia trung lập hoặc thân Nga. Ông nói: “Tổng thống” Nga Vladimir Putin vẫn nhận được tiền, song thời gian đang dần cạn kiệt với Nga”.

Người đứng đầu Bộ Kinh tế Đức còn cho rằng do hậu quả của lệnh trừng phạt, Moscow mất quyền tiếp cận các yếu tố quan trọng để duy trì cuộc chiến, ví dụ như “cập nhật bảo mật cho máy bay, bởi các máy bay này sẽ sớm bị cấm hoạt động”. (Reuters)

Đông Bắc Á

* Quan chức cấp cao Trung Quốc và Hàn Quốc điện đàm: Ngày 2/6, ông Dương Khiết Trì - Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc - đã điện đàm với ông Kim Sung-han, Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc.

Ông Dương cho hay Trung Quốc và Hàn Quốc là hai nước láng giềng thân thiết và là đối tác hợp tác quan trọng, đồng thời nhấn mạnh kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 30 năm, Trung Quốc đã hợp tác chặt chẽ với các chính quyền của Hàn Quốc, và quan hệ song phương đã đạt được bước phát triển nhảy vọt.

Theo ông Dương, dưới sự chỉ đạo chiến lược của Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, quan hệ Trung-Hàn đã có một khởi đầu suôn sẻ kể từ khi thành lập chính phủ mới của Hàn Quốc.

Quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc lưu ý rằng nước này sẵn sàng hợp tác với Hàn Quốc để thực thi đồng thuận quan trọng được nguyên thủ hai nước nhất trí, duy trì liên lạc chặt chẽ ở mọi cấp, làm sâu sắc hơn hợp tác thiết thực, tăng cường giao lưu nhân dân và văn hóa, cùng bảo vệ chủ nghĩa đa phương chân chính, xử lý hợp lý các vấn đề nhạy cảm, từ đó cải thiện và nâng cấp quan hệ hai nước theo hướng phát triển ổn định và lâu dài.

Về phần mình, ông Kim khẳng định chính quyền mới của Hàn Quốc coi trọng việc phát triển quan hệ với Trung Quốc, và sẵn sàng hợp tác với Bắc Kinh cũng như tận dụng lễ kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao như một cơ hội để mở ra một kỷ nguyên mới của hợp tác song phương.

Hai bên còn trao đổi quan điểm về các vấn đề liên quan Bán đảo Triều Tiên và các vấn đề khác cùng quan tâm. (Tân Hoa xã)

* Đề cử đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ nêu thực trạng quan hệ: Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc, Nghị sỹ Cho Tae-yong thuộc Đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) ngày 2/6 thông báo đã từ chức khỏi Quốc hội để đảm nhận vị trí tân đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ.

Ông Cho, người được đề cử làm đại sứ tại Washington, khẳng định ông sẽ làm hết sức để “khôi phục quan hệ đồng minh giữa Hàn Quốc và Mỹ”, cũng như “giúp hoạt động ngoại giao với Mỹ đi đúng hướng và phát triển”.

Theo ông Cho, quan hệ liên minh Hàn-Mỹ hiện đang suy yếu và mối quan hệ với các nước láng giềng và Triều Tiên trở nên nguội lạnh dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Moon Jae-in. Ông lưu ý: “Tình hình ở Đông Bắc Á đang căng thẳng xuất phát từ năng lực hạt nhân ngày càng tiến bộ của Triều Tiên, và (Hàn Quốc) đang trong phép thử về mặt ngoại giao và an ninh quốc gia trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine, xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc, tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, cạnh tranh công nghệ và biến đổi khí hậu”.

Ông Cho, cựu Thứ trưởng Ngoại giao, là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp cho đến khi trở thành nhà lập pháp vào năm 2020. Ông cũng từng là đặc phái viên Hàn Quốc về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên vào năm 2004 và Phó chánh văn phòng Phủ Tổng thống về an ninh quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Park Geun-hye. (Yonhap)

* Nhật Bản tìm giải pháp thay thế chương trình miễn thị thực tới lãnh thổ tranh chấp với Nga: Ngày 2/6, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết sẽ tìm kiếm giải pháp thay thế cho chương trình du lịch miễn thị thực tới vùng “lãnh thổ phương Bắc”, nơi Nga hiện đang nắm quyền kiểm soát và gọi là Nam Kuril. Trước đó, chương trình này đã bị đình trệ kể từ khi Moscow phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.

Tuyên bố trên được ông Kishida đưa trong buổi gặp Thống đốc Hokkaido Naomichi Suzuki và một nhóm cư dân trước đây ở vùng lãnh thổ phương Bắc, những người kêu gọi nối lại chương trình thăm miễn thị thực.

Ông Kishida nói: “Chúng tôi cần xem xét một chương trình khác. Chính phủ dự định thực hiện các biện pháp cần thiết trong khi lắng nghe ý kiến của cư dân trước đây của quần đảo này”.

Từ lâu, chương trình miễn thị thực đã phép thực hiện thông qua một thỏa thuận đặc biệt giữa Nhật Bản và Nga. Tuy nhiên, trước khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, chương trình này đã bị hủy bỏ trong 2 năm trước đó do đại dịch Covid-19.

Hồi tháng 3, Nga thông báo chương trình này sẽ bị dừng lại cùng với quyết định ngừng đàm phán về việc ký hiệp ước hòa bình thời hậu chiến với Nhật Bản. (Kyodo)