📞

Tin thế giới ngày 27/7: Mỹ-Trung Quốc đóng cửa Lãnh sự quán của nhau, mọi chuyện chỉ mới bắt đầu. Giá vàng cùng Covid-19 'rủ nhau leo Top' châu Á

Hoàng Hà 19:40 | 27/07/2020
TGVN. Mỹ-Trung Quốc đóng cửa Tổng lãnh sự quán của nhau, lệnh ngừng bắn ở Đông Ukraine, tình hình Syria, giá vàng tăng cao và đại dịch Covid-19... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Mỹ-Trung Quốc

"Đấu" đóng cửa Lãnh sự quán, quan chức Mỹ cảnh báo Trung Quốc

Ngày 27/7, Tổng Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, Trung Quốc đã chính thức bị đóng cửa, cơ quan chức năng Trung Quốc đã tiếp quản trụ sở.

Trước đó, Thượng nghị sĩ Mỹ Ted Cruz cảnh báo, có thể có nhiều lãnh sự quán Trung Quốc "sẽ bị đóng cửa" giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung leo thang trên một loạt vấn đề nghiêm trọng.

"Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston bị đóng cửa bởi cơ quan này đã tham gia vào hoạt động gián điệp. Cơ quan này cũng liên quan đến hành vi trộm cắp tài sản sở hữu trí tuệ. Trung Quốc đã sử dụng cơ sở này cho hoạt động gián điệp ở Houston và khắp khu vực Tây Nam. Về dài hạn, tôi có thể khẳng định, Trung Quốc gây ra mối đe dọa địa chính trị lớn nhất cho Mỹ trong thế kỷ tới", ông Cruz nhận định.

Chính phủ Trung Quốc hiện còn 4 lãnh sự quán khác đang mở ở Mỹ, cùng với Đại sứ quán tại Thủ đô Washington.

Trước đó hồi đầu tháng 7, ông Cruz cùng với Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Florida Marco Rubio, đại diện đảng Cộng hòa bang New Jersey và đại sứ chính quyền Tổng thống Trump về tự do tôn giáo quốc tế Sam Brownback đã bị phía Trung Quốc trừng phạt. Quyết định trên được đưa ra sau khi Mỹ cấm 3 quan chức cấp cao của Trung Quốc và gia đình họ nhập cảnh vào Mỹ. (AFP, CBS News)

Bạn có thể quan tâm:


Tình hình Ukraine

Các bên xung đột ở Donbass ngừng bắn không giới hạn, Nga 'nhắc nhẹ' Ukraine

Kể từ rạng sáng 27/7, các bên xung đột ở Donbass gồm lực lượng dân quân của Cộng hòa Nhân dân Donesk tự xưng (DPR), lực lượng dân quân của Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng (LPR)Thiếu tướng Denis Sinenkov đã chính thức chuyển sang giai đoạn ngừng bắn "hoàn toàn và không giới hạn" theo những biện pháp được đưa ra tại buổi tiếp xúc 3 bên hôm 22/7.

Ngay trước đêm ngừng bắn, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelelnsky đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, thảo luận việc rà phá mìn và mở các cửa khẩu biên giới ở miền Đông Ukraine, đánh giá tích cực các biện pháp bổ sung để thực hiện lệnh ngừng bắn ở khu vực này. Ông Putin cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc tuân thủ vô điều kiện các thỏa thuận.

Ngoài ra, trong cuộc điện đàm, ông Putin cũng bày tỏ rất lo ngại trước những tuyên bố gần đây của giới chức Ukraine về việc không thể chấp nhận một số điều khoản của “Gói Các biện pháp và sự cần thiết phải sửa đổi nó”. (TASS)

Bạn có thể quan tâm:


Tình hình Syria

Đánh bom gần biên giới Syria, hơn 20 người thương vong

Ngày 26/7, một quả bom đã phát nổ tại thị trấn Ras al-Ain gần biên giới Syria, nằm dưới quyền kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng ủy nhiệm, khiến ít nhất 8 người thiệt mạng, trong đó có 6 dân thường và 16 người khác bị thương.

Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại Anh, vụ nổ được thực hiện bằng xe máy gắn thuốc nổ đâm vào một khu chợ rau quả ở thị trấn trên.

Các vụ đánh bom tương tự diễn ra khá phổ biến ở thị trấn này, vốn do người Kurd kiểm soát, trước khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng ủy nhiệm chiếm đóng từ tháng 10/2019.

Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc thủ phạm vụ tấn công ngày 26/7 là Các đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) do Mỹ hậu thuẫn. Trong một thông báo trên Twitter, Bộ này cho hay: "Tổ chức khủng bố PKK/YPG một lần nữa nhằm mục tiêu vào người dân vô tội". (Middle East Eye)

Bạn có thể quan tâm:


Giá vàng tại châu Á tăng cao kỷ lục

Chiều 27/7, giá vàng châu Á có thời điểm giao dịch tăng lên mức cao kỷ lục mới trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang và đồng USD yếu đi khiến giới đầu tư tăng cường rót vốn vào vàng như một kênh trú ẩn an toàn trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế toàn cầu.

Theo hãng tin Reuters (Anh), vào khoảng 15h2' theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đã tăng 1,7% lên 1.934,06 USD/ounce. Trước đó, giá kim loại quý này thậm chí còn cán mức kỷ lục là 1.943,93 USD/ounce. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 1,7% lên 1.929,40 USD/ounce.

Chiến lược gia về hàng hóa của ngân hàng ANZ Soni Kumari nhận định, vàng đang ở trong “điều kiện hoàn hảo để tăng cao”, giữa lúc cuộc khủng hoảng Covid-19 và các ngân hàng trung ương đang thúc đẩy khả năng thanh khoản.

Ngoài ra, ông Soni Kumari còn cho rằng, nhân tố hỗ trợ vàng tăng giá còn nhờ lãi suất giảm, đồng USD yếu và căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc khi hai bên đóng cửa các lãnh sự quán của nhau tại Houston (Mỹ) và Thành Đô (Trung Quốc). Do đó, nhu cầu đối với kim loại quý của các nhà đầu tư gia tăng trong khi nhu cầu với đồng “bạc xanh” không còn.

USD giảm xuống mức thấp nhất hai năm qua giữa lúc các nhà đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể thay đổi chính sách hỗ trợ nền kinh tế nước này trong cuộc họp tuần này, với khả năng lãi suất sẽ xuống thấp hơn.

Trong khi đó, thế giới hiện ghi nhận tổng cộng hơn 16,18 triệu ca mắc Covid-19. Điều này làm gia tăng đồn đoán chính phủ các nước sẽ tăng cường thêm các gói kích thích để hỗ trợ nền kinh tế. (Reuters)

Bạn có thể quan tâm:


Covid-19

Hàn Quốc nói về đối tượng đào tẩu nghi nhiễm Covid-19 ở Triều Tiên

Ngày 27/7, cơ quan y tế Hàn Quốc cho biết, đối tượng đào tẩu nghi trốn trở lại Triều Tiên không nhiễm virus SARS-CoV-2.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Yoon Tae-ho, quan chức y tế cấp cao của Hàn Quốc, cho hay: “Người này không có tên trong danh sách bệnh nhân Covid-19 hoặc được xếp vào diện đối tượng đã tiếp xúc với các bệnh nhân Covid-19”.

Theo ông Yoon Tae-ho, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) đã tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với 2 người tiếp xúc gần với đối tượng trên và đều cho kết quả âm tính.

Trước đó, truyền thông Triều Tiên ngày 26/7 đưa tin một đối tượng đào tẩu trở về từ Hàn Quốc đã có những triệu chứng nhiễm virus SARS-CoV-2, khiến Bình Nhưỡng phải kích hoạt “hệ thống tình trạng khẩn cấp tối đa” chống đại dịch Covid-19. (Yonhap)

Châu Á đương đầu với làn sóng Covid-19 thứ 2

Nhiều nước châu Á đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2 khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang ngày một tăng và phải áp dụng lại các biện pháp mạnh mẽ nhằm khống chế dịch bệnh.

Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 57 ca lây nhiễm trong cộng đồng, mức cao nhất trong một ngày kể từ ngày 6/3.

Trong khi đó, chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong cũng thông báo ghi nhận thêm 145 ca mắc Covid-19, trong đó có 142 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là ngày có số ca mắc Covid-19 cao nhất từ trước tới nay tại Hong Kong.

Thông báo trên được đưa ra chỉ vài giờ sau khi chính quyền Hong Kong quyết định siết chặt hơn các hạn chế nhằm khống chế sự lây lan dịch bệnh như người dân không được phép tụ tập quá 2 người, phải đeo khẩu trang bắt buộc tại tất cả các địa điểm công cộng, trong đó có cả khu vực ngoài trời, cấm toàn bộ hoạt động ăn uống tại các nhà hàng. (TTXVN)

Trung Quốc cố thuyết phục thế giới về nguồn gốc Covid-19, nghiên cứu mới thẳng tay bác bỏ

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc đã cố gắng thuyết phục thế giới rằng, chủng virus SARS-CoV-2 gây đại dịch được truyền tự nhiên từ động vật sang người. Theo đó, SARS-CoV-2, cùng với thời gian, đột biến tự nhiên ở động vật cho đến khi nó đạt được các cấu trúc có khả năng lây nhiễm cho con người.

Tuy nhiên, một nghiên cứu khoa học mới lại chứng minh, SARS-CoV-2 không thể có được bước “nhảy” từ động vật sang người theo cách mà Trung Quốc tuyên bố, bởi vius này có thể không có khả năng lây nhiễm đối với dơi hoặc tê tê (loài vật có vảy) hai vật chủ duy nhất có thể chứa chấp SARS-CoV-2. (The Gateway Pundit)