Vấn đề Hong Kong (Trung Quốc)
New Zealand đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong, Trung Quốc tuyên bố đáp trả
Ngày 28/7, Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters tuyên bố nước này đã đình chỉ hiệp ước dẫn độ với đặc khu hành chính Hong Kong cũng như đưa ra một số sửa đổi trong bối cảnh Trung Quốc quyết định thông qua luật an ninh quốc gia tại Hong Kong.
Ngoại trưởng Peters cho biết, New Zealand sẽ xử lý hàng hóa quân sự cũng như thiết bị công nghệ được thiết kế phù hợp cho cả mục đích dân sự và quân sự xuất khẩu tới Hong Kong như cách thức xử lý những mặt hàng xuất khẩu tới Trung Quốc.
New Zealand cũng đã cập nhật khuyến cáo đi lại nhằm cảnh báo công dân New Zealand cảnh giác trước những nguy cơ từ luật an ninh mới.
Trong khi đó, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, chính quyền Hong Kong sẽ đình chỉ các thỏa thuận tương trợ tư pháp, trong đó có hiệp ước dẫn độ với Anh, Canada và New Zeland.
Phát biểu họp báo hằng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho hay, quyết định của 3 nước trên đình chỉ các hiệp ước dẫn độ với Hong Kong vì luật an ninh mới áp dụng cho đặc khu hành chính này đã cấu thành nên một hành vi can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc. (Reuters)
Bạn có thể quan tâm:
Nhóm G7
Đức gạt đề xuất của Mỹ mời Nga trở lại G7, Kremlin nói gì?
Ngày 27/7, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Tổng thống Putin chưa có bất kỳ động thái nào cho việc quay lại Nhóm 7 nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7) .
"Tổng thống Putin chưa bao giờ đưa ra bất kỳ sáng kiến, bất kỳ cách thức hoặc thực hiện bất kỳ một bước đi nào nhằm nối lại việc gia nhập của Nga vào nhóm G7".
Tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi Ngoại trưởng Đức Heiko Maas gạt đi đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc mời Nga quay trở lại nhóm này với lý do "Nga có thể quay lại G7 nếu mang tới giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine".
Lý giải vì sao Nga không tìm cách trở lại G7, ông Peskov cho hay: "Chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh về việc hoàn toàn hài lòng với hiệu quả của định dạng G20 - Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới mà chúng tôi tham gia. Nhóm này đáp ứng tốt hơn về các vấn đề kinh tế hiện đại khi được đặt trong bối cảnh với các trung tâm kinh tế toàn cầu".
Đặc biệt, người phát ngôn điện Kremlin quả quyết rằng, G7 chỉ có thể thảo luận về các vấn đề kinh tế, còn để trở thành nhóm lãnh đạo toàn cầu thì chưa chắc.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông có kế hoạch mời các nhà lãnh đạo Nga, Ấn Độ, Australia và Hàn Quốc vào G7 để "làm mới nhóm các nước rất lỗi thời này". (Sputnik)
Bạn có thể quan tâm:
Bán đảo Triều Tiên
Trung Quốc hy vọng Mỹ linh hoạt trong phá vỡ bế tắc trên Bán đảo Triều Tiên
Ngày 28/7, Trung Quốc đã bày tỏ hy vọng Mỹ có thể cho thấy sự linh hoạt trong việc phá vỡ thế bế tắc trên Bán đảo Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Phát biểu họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho rằng có những mối quan ngại chính đáng của Triều Tiên vẫn chưa được giải quyết.
Liên quan tình hình trên Bán đảo, trong bài phát biểu ngày 28/7 nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngày kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định: "Nhờ sự răn đe mang tính phòng vệ hiệu quả và đáng tin cậy của chúng ta, sẽ không còn chiến tranh trên mảnh đất này và an ninh quốc gia cũng như tương lai của chúng ta sẽ được đảm bảo vững chắc lâu dài".
Ông cũng nhấn mạnh, Triều Tiên cần phải có sức mạnh vững chắc để bảo vệ vận mệnh đất nước và người dân, theo đó, Triều Tiên sẽ không ngừng nâng cao năng lực quốc phòng mạnh nhất mà "bất cứ ai cũng không sánh bằng". (Reuters, Yonhap)
Bạn có thể quan tâm:
EU-Thổ Nhĩ Kỳ
Ngày 27/7, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Arancha Gonzalez Laya cho biết, các cuộc đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp giảm căng thẳng giữa một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Ankara về hoạt động thăm dò dầu khí của Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải.
Tại một cuộc họp báo ở Ankara với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, Ngoại trưởng Arancha Gonzalez Laya cho hay, đã đạt được bước chuyển biến trong bất đồng về hoạt động khoan dầu khí ở phía Đông Địa Trung Hải giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp và Cyprus về các yêu sách đòi quyền lãnh thổ đối với các khu bảo tồn ngoài khơi. Hy Lạp và Cyprus cùng với Pháp, đã phản đối kế hoạch thăm dò của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực nằm giữa đảo Cyprus và đảo Crete.
Paris và Athens đã kêu gọi các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì những hành động mà hai nước coi là sự xâm lấn vào vùng biển Hy Lạp và Cyprus, trong khi Berlin cảnh báo Ankara ngừng "khiêu khích". Thổ Nhĩ Kỳ đã bác những chỉ trích và cho biết, họ đang tuân thủ luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, đến hôm nay(28/7), người phát ngôn Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin cho hay, nước này có khả năng tạm ngừng hoạt động thăm dò năng lượng ở Đông Địa Trung Hải trong thời gian đàm phán sắp tới với Hy Lạp theo yêu cầu của Tổng thống Tayyip Erdogan. (Reuters)
Bạn có thể quan tâm:
Trung Đông
LNA đe dọa Mỹ
Sau một chuỗi những lời công kích của Mỹ nhằm về phía quân đội của Tướng Haftar và đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt do lực lượng của ông này chặn nguồn cung cấp dầu, mới đây, đại diện của Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đã lên tiếng cảnh báo Washington và khẳng định LNA có đủ các phương tiện để chống lại Mỹ.
"Không ai chào đón ý kiến của Mỹ ở đây. Chúng tôi có thể khiến tình hình với Washington trở nên khó khăn hơn nếu cần thiết. Ông Trump không có việc gì ở Libya cả và nếu người Mỹ muốn gặp rắc rối, chúng tôi sẽ cho họ toại nguyện", đại diện LNA truyền đạt thông điệp đanh thép.
Hiện chưa rõ tình hình hiện nay có chuyển biến thành một cuộc xung đột mới ở Libya hay không. (Avia.Pro)
Bạn có thể quan tâm:
Iran tập trận thường niên ở vùng Vịnh giữa lúc căng thẳng với Mỹ
Hãng tin bán chính thức Tasnim cho hay, ngày 28/7, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã tiến hành cuộc tập trận ở vùng Vịnh vào thời điểm căng thẳng leo thang giữa Tehran và Washington.
Trong khi đó, hãng Fars đưa tin: "Giai đoạn cuối cùng của cuộc tập trận mang tên Great Prophet 14 (Nhà tiên tri vĩ đại số 14) với sự tham gia của Hải quân và Không quân IRGC đã bắt đầu ở các khu vực trên bộ, trên biển và trên không tại Eo biển Hormuz và vịnh Persian".
Fars dẫn thông báo của IRGC cho hay, các lực lượng hải quân và không quân của họ sẽ sử dụng "các tên lửa, UAV (máy bay không người lái) và hệ thống radar" trong cuộc tập trận này.
Theo các hình ảnh vệ tinh công bố hôm 27/7, Iran đã đưa mô hình tàu sân bay Mỹ đến Eo biển Hormuz chiến lược, động thái cho thấy Tehran sẽ dùng tàu này làm mục tiêu trong cuộc tập trận tại đó.
Căng thẳng đã gia tăng giữa Iran và Mỹ kể từ năm 2018, thời điểm Tổng thống Donald Trump rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc, đồng thời tái áp đặt các lệnh trừng phạt khiến sản lượng xuất khẩu dầu của Tehran sụt giảm mạnh. (Reuters)
Bạn có thể quan tâm:
Covid-19
Nga sẽ sản xuất vaccine phòng Covid-19 tiềm năng ở Trung Quốc?
Ngày 27/7, Giám đốc điều hành Tập đoàn công nghệ sinh học Biocad của Nga Dmitry Morozov cho biết, công ty có trụ sở tại St. Petersburg này đang thảo luận việc sản xuất tại Trung Quốc một loại vaccine phòng Covid-19 tiềm năng được Viện virus học nhà nước Vector của Nga phát triển.
Trả lời phỏng vấn, ông Morozov cho hay, loại vaccine tiềm năng này - dựa trên virus gây viêm miệng mụn nước (VSV) - dự kiến được đưa vào thử nghiệm lâm sàng giữa tháng 8. Vaccine này là 1 trong 6 mẫu vaccine mà Viện Vector đang phát triển căn cứ theo danh sách của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Biocad đang tiến tới sản xuất 4-5 triệu liều vaccine Covid-19 mỗi tháng dựa trên VSV vào cuối năm nay, nếu các thử nghiệm ở giai đoạn đầu chứng minh nó an toàn và hiệu quả. Theo ông Morozov, Biocad đang thảo luận việc sản xuất vaccine này tại Trung Quốc, nơi công ty có liên doanh với Shanghai Pharma. (Reuters)