Tổng thống Nga Vladimir Putin sắp có chuyến thăm UAE và Arab Saudi. (Nguồn: TASS) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
*Ukraine tấn công các kho dầu do Nga kiểm soát: Ngày 5/12, quân đội Ukraine cho biết đã tấn công các kho dầu ở thành phố Luhansk do Nga kiểm soát một ngày trước đó. Cơ quan Truyền thông Chiến lược của Lực lượng Vũ trang Ukraine nêu rõ lực lượng của họ đã thực hiện một "cuộc tấn công thành công", nhưng không cho biết chi tiết cụ thể.
Trước đó cùng ngày, hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti đưa tin quân đội Ukraine đã tấn công một kho dầu ở khu vực này bằng máy bay không người lái. RIA Novosti dẫn lời các nhà chức trách do Nga bổ nhiệm cho biết một đám cháy đã bùng phát sau vụ tấn công nhưng đã dập tắt được. (Reuters)
*Kiev tuyên bố bắn hạ 10 UAV của Nga: Chính quyền Ukraine ngày 5/12 cho biết quân đội nước này đã bắn hạ 10 trong tổng số 17 máy bay không người lái (UAV) tấn công, được phóng trong đêm từ phía Nga.
Lực lượng Không quân của Kiev nhấn mạnh các UAV nói trên bị bắn hạ “ở nhiều khu vực” trên cả nước. Không quân Ukraine cũng lưu ý rằng 6 tên lửa S-300 đã được phóng vào các mục tiêu dân sự tại các khu vực Đông Donetsk và Nam Kherson.
Theo giới chức Ukraine, hiện chưa có thông tin về thiệt hại do vụ tấn công này của Nga. (AFP)
*Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine: Báo Izvestia ngày 5/12 cho biết Nga đã bày tỏ sẵn sàng đàm phán với Ukraine, kể cả trên lãnh thổ một quốc gia phương Tây.
Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjártó đề xuất Budapest có thể đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Moscow và Kiev. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh hiện Ukraine và các đối tác phương Tây chưa tỏ ra sẵn sàng đối thoại với Nga.
Tổng thống Ukraine, ông Volodimir Zelensky trước đó đã ký luật cấm đàm phán với Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin.
Giới chuyên gia cho rằng vai trò hòa giải có thể được giao cho một quốc gia không phải là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hungary, Slovakia và cả Ấn Độ cũng được nhắc đến như những nước trung gian tiềm năng. (TASS)
Châu Á- Thái Bình Dương
*Trung Quốc khẳng định Taliban ở Afghanistan phải cải tổ: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 5/12 tuyên bố chính quyền Taliban ở Afghanistancần tiến hành cải cách chính trị, cải thiện an ninh và hàn gắn quan hệ với các nước láng giềng trước khi nhận được sự công nhận ngoại giao đầy đủ.
Chính quyền Bắc Kinh không chính thức công nhận chính quyền Taliban ở Afghanistan, mặc dù cả hai bên đều tiếp đón đại sứ của nhau và duy trì hoạt động ngoại giao. Trong tài liệu về Afghanistan được công bố trong năm nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này "tôn trọng những lựa chọn độc lập của người dân Afghanistan và tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo cũng như phong tục dân tộc".(THX)
*Thủ tướng Thái Lan sắp thăm Nhật Bản: Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin sẽ có chuyến công du tới Nhật Bản từ ngày 14-18/12 để tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản tại Tokyo và kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Tất cả các nhà lãnh đạo ASEAN, ngoại trừ Myanmar, được mời và sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh đặc biệt do Thủ tướng Fumio Kishida chủ trì. Nguồn tin cho biết ông Srettha sẽ lên đường sang Nhật Bản vào ngày 14/12, hai ngày trước hội nghị nhằm thúc đẩy đầu tư, thương mại với Nhật Bản. (Bangkok Post)
*Triều Tiên đóng cửa Đại sứ quán tại Senegal, Guinea: Một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 5/12 cho hay Triều Tiên đã đóng cửa Đại sứ quán của nước này tại Senegal và Guinea, động thái dường như là nhằm giảm chi tiêu trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Lần đóng cửa mới nhất trên diễn ra sau khi chính quyền Bình Nhưỡng đóng cửa Đại sứ quán ở Angola, Nepal, Bangladesh, Tây Ban Nha và Uganda trong những tháng gần đây. Theo quan chức Hàn Quốc, tính tới ngày 5/12, tổng số cơ quan ngoại giao của Triều Tiên đã giảm từ 53 xuống 46. Quan chức Hàn Quốc chỉ ra những khó khăn kinh tế do các lệnh trừng phạt toàn cầu kéo dài là yếu tố lớn nhất dẫn đến các đợt đóng cửa cơ quan ngoại giao gần đây.
Tháng trước, Triều Tiên tuyên bố nước này sẽ đóng cửa và mở các phái bộ ngoại giao mới "phù hợp với môi trường toàn cầu đã thay đổi và chính sách ngoại giao quốc gia", song không nêu chi tiết. (Yonhap)
*Hội đồng an ninh Nga, Myanmar ký MOU hợp tác: Ngày 5/12, Bộ phận báo chí của Hội đồng an ninh Nga thông báo, cơ quan này và Hội động an ninh Myanmar đã ký một bản ghi nhớ hợp tác trong khuôn khổ chuyến thăm Myanmar của Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolay Patrushev.
Bản ghi nhớ khẳng định sự sẵn sàng hợp tác trong nhiều lĩnh vực giữa các cơ quan an ninh của Nga và Myanmar, cũng như các cuộc tham vấn và trao đổi quan điểm thường xuyên về các vấn đề an ninh quốc gia, khu vực và quốc tế”. Tham gia cuộc họp trên còn có các quan chức của Bộ Quốc phòng Nga, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) và thành viên Hội đồng an ninh Nga.
Cùng ngày, đại diện các bộ phát triển kinh tế, công thương, năng lượng và nông nghiệp đã tổ chức các cuộc gặp riêng với các đối tác Myanmar tại thủ đô Naypyidaw của Myanmar. (TASS)
Châu Âu
*Ukraine đẩy mạnh xuất khẩu qua hành lang mới trên Biển Đen: Ngày 5/12, Phó Thủ tướng Ukraine Oleksander Kubrakov thông báo cho đến nay Kiev đã xuất khẩu được gần 5 triệu tấn nông sản qua hành lang mới trên Biển Đen thay thế hành lang trước theo thỏa thuận với Nga.
Phó Thủ tướng Kubrakov cho biết tổng cộng 200 tàu đã chuyên chở 7 triệu tấn hàng hóa các loại từ các cảng bên bờ Biển Đen kể từ khi hành lang này được thiết lập vào tháng 8 sau khi Nga từ bỏ Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen do Liên hợp quốc hậu thuẫn.
Bên cạnh đó, ông Kubrakov thông báo 31 tàu nữa đang được chất hàng vào thời điểm này, nhưng không thông báo chi tiết về loại hàng hóa cụ thể sẽ được vận chuyển. (AFP)
*Tổng thống Nga sắp thăm UAE, Saudi Arabia: Ngày 5/12, Cố vấn Tổng thống Nga, ông Yury Ushakov cho biết Tổng thống Vladimir Putin sẽ thăm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia trong tuần này.
Chuyến thăm diễn ra sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+), bao gồm cả 3 quốc gia này, hôm 30/11 đã nhất trí cắt giảm sản lượng tự nguyện với tổng số khoảng 2,2 triệu thùng mỗi ngày. Thị trường dầu mỏ phản ứng với sự hoài nghi vì nghi ngờ liệu việc cắt giảm tự nguyện có được thực hiện đầy đủ hay không. Giá dầu đã giảm 2% vào tuần trước sau thông báo của 3 nước này và tiếp tục giảm trong ngày 4/12.
Thời gian gần đây, Tổng thống Putin hiếm khi đi ra nước ngoài và chủ yếu đến các nước thuộc Liên Xô cũ. Chuyến đi cuối cùng của ông Putin là tới Trung Quốc hồi tháng 10. (TASS)
*Nga - Niger tăng cường hợp tác quân sự: Ngày 5/12, chính quyền Nigeria cho biết một phái đoàn do Thứ trưởng Quốc phòng Nga, Thượng tướng Yunis-Bek Yevkurov, dẫn đầu đã gặp các nhà lãnh đạo quân đội Niger tại Niamey và hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác quân sự.
Người đứng đầu chính quyền quân sự Niger, Tướng Abdourahamane cho biết hai bên “đã ký các văn bản nhằm tăng cường hợp tác quân sự giữa Cộng hòa Niger và Liên bang Nga”. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một thành viên Chính phủ Nga kể từ cuộc đảo chính hồi tháng 7 ở Niger.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Tài chính Mali Alousséni Sanou cho biết phái đoàn Nga hôm 4/12 cũng đã đến gặp các nhà lãnh đạo quân sự tại Bakamo. (Sputnik News)
Châu Mỹ
*Thống đốc bang North Dakota rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng: Ngày 5/12, ông Doug Burgum, Thống đốc bang North Dakota, đã từ bỏ nỗ lực giành tấm vé đề cử của đảng Cộng hòa ra tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024 sau khi tỷ lệ ủng hộ dành cho ông trong các cuộc thăm dò liên tục ở mức một con số, khiến ông không đủ điều kiện tham gia các cuộc tranh luận thứ 3 và thứ 4 của đảng này.
Ông Burgum, 67 tuổi, là ứng cử viên mới nhất rời khỏi cuộc đua bên phía đảng Cộng hòa, sau cựu Thượng nghị sĩ bang South Carolina Tim Scott , Phó Tổng thống Mike Pence, Thị trưởng Miami Francis Suarez, cựu Hạ nghị sĩ Will Hurd và doanh nhân Perry Johnson. (Washington Post)
*Cựu Đại sứ Mỹ làm gián điệp cho Cuba trong suốt 40 năm: Ngày 4/12, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller tuyên bố Washington sẽ làm việc với các đối tác trong cộng đồng tình báo để đánh giá mọi tác động đến an ninh quốc gia sau khi cựu Đại sứ Mỹ tại Bolivia bị buộc tội làm gián điệp cho Cuba trong hơn 40 năm.
Trước đó cùng ngày, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết ông Victor Manuel Rocha, từng đảm nhiệm vị trí Đại sứ Mỹ tại Bolivia từ năm 2000-2002, đã bị buộc tội, trong đó có việc hoạt động bất hợp pháp như một gián điệp nước ngoài và sử dụng hộ chiếu giả. (Reuters)
*Nicaragua triệu hồi “ngay lập tức” Đại sứ tại Argentina: Ngày 5/12, Nicaragua đã triệu hồi Đại sứ nước này tại Argentina, ông Carlos Midence để phản đối những tuyên bố của chính quyền Tổng thống mới theo chủ nghĩa cực đoan Javier Milei chống lại chế độ của Tổng thống Daniel Ortega.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Nicaragua Denis Moncada nêu rõ: “Trước những tuyên bố và sự bày tỏ liên tục từ những người cầm quyền mới, Chính phủ Nicaragua... đã tiến hành triệu hồi Đại sứ của mình... ". Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Moncada nhấn mạnh quyết định triệu hồi này sẽ có hiệu lực “ngay lập tức”.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Milei đã không mời người đồng cấp Ortega, cũng như các nhà lãnh đạo Cuba, Venezuela, Triều Tiên và Trung Quốc, tới dự lễ nhậm chức hôm 3/12. (AFP)
Trung Đông – Châu Phi
*Tại sao Hamas không muốn thả con tin nữ: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller ngày 5/12 cho rằng lực lượng Hamas có thể trì hoãn việc thả các con tin nữ giới bởi vì Hamas không muốn những con tin này công khai về bạo lực tình dục.
Israel hôm 1/12 đã nối lại chiến dịch quân sự do Hamas không thả tất cả những phụ nữ đang bị giam giữ. Phát biểu với các phóng viên, ông Matthew Miller nói: “Dường như một trong những lý do khiến Hamas không muốn thả những phụ nữ mà nhóm này bắt làm con tin và lý do khiến lệnh ngừng bắn tạm thời đổ vỡ là do Hamas không muốn những phụ nữ này thông tin về những gì xảy ra với họ trong thời gian bị bắt giữ”. (AFP)
*Hamas cài gián điệp vào IDF trong nhiều năm: Tờ Guardian (Anh) ngày 5/12 dẫn một nguồn tin tình báo Israel cho biết, trong số các tài liệu thu được trong người các tay súng Hamas đã tấn công vào Israel hôm 7/10 đã phát hiện ra một bản đồ căn cứ quân sự của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF).
Theo nguồn tin, tấm bản đồ này chi tiết hơn những tấm bản đồ mà IDF đang có, làm dấy lên nghi vấn rằng nó chỉ có thể được vẽ với sự tiếp tay của các nguồn cung cấp bên trong Israel. Theo tờ Guardian, tấm bản đồ này “rõ ràng được một gián điệp của Hamas giúp vẽ ra” bởi mức độ chi tiết của nó, từ đó nổi lên nghi vấn bản vẽ được thiết kế đặc biệt cho mục đích tấn công vào căn cứ này.
Tờ báo có đoạn: “IDF đã đi đến kết luật rằng Hamas đã lên kế hoạch tấn công trong nhiều năm và vẽ các bản đồ chi tiết với sự tiếp tay của các gián điệp bên trong Israel”. (Reuters)
*Niger chấm dứt quan hệ quân sự với EU: Ngày 5/12, Bộ Ngoại giao Niger tuyên bố chính quyền Niger đã chấm dứt quan hệ đối tác quân sự với Liên minh châu Âu (EU), rút lại sự cho phép EU triển khai sứ mệnh EUCAP Sahel Niger.
EUCAP Sahel Niger được triển khai vào năm 2012 nhằm giúp lực lượng an ninh chống lại phiến quân và các mối đe dọa khác. Theo trang web của tổ chức này, khoảng 120 quân nhân châu Âu đã được triển khai thường xuyên ở đây.
Chính quyền quân sự ở Niger, lên nắm quyền sau cuộc đảo chính hồi tháng 7, cũng đã yêu cầu quân đội Pháp - lực lượng đang giúp Niger chống lại phiến quân Hồi giáo - rút lui. (AFP)
*Hamas tấn công căn cứ tên lửa “chứa vũ khí hạt nhân” của Israel: Tờ New York Times đưa tin một tên lửa phóng từ Gaza hôm 7/10 đã đánh trúng một căn cứ quân sự của Israel được cho là nơi chứa tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Tác động của tên lửa tại căn cứ Sdot Micha ở miền Trung Israel đã gây ra đám cháy lan đến gần nơi cất giữ tên lửa và vũ khí nhạy cảm khác.
Đến nay, Israel chưa chính thức thừa nhận sở hữu vũ khí hạt nhân, song các nguồn tin Israel, giới chức Mỹ và các nhà phân tích hình ảnh vệ tinh đều đồng ý rằng nước này có ít nhất một số lượng nhỏ vũ khí hạt nhân. (NYT)
*Mỹ bán hệ thống radar trị giá 582 triệu USD cho Saudi Arabia: Bộ Quốc phòng Mỹngày 5/12 cho biết, Bộ Ngoại giao nước này vừa phê duyệt thương vụ bán hệ thống radar phát hiện máy bay cực mạnh trị giá 582 triệu USD cho Saudi Arabia.
Thông báo của Lầu Năm Góc còn cho hay nhà thầu L3 Technologies (LHK.N) sẽ là bên cung cấp chính cho dự án Hiện đại hóa hệ thống máy bay giám sát không phận chiến thuật RE-3 và các thiết bị liên quan. (CNN)
*Quân đội Nigeria ném bom nhầm "địa chỉ", 30 dân thường thiệt mạng: Ngày 5/12, một quan chức địa phương cho biết quân đội Nigeria đã ném bom nhầm vào một ngôi làng, khiến ít nhất 30 thường dân thiệt mạng.
Quân đội Nigeria đã thừa nhận "sai sót", cho biết vụ việc diễn ra như một phần của chiến dịch quân sự nhằm tiêu diệt tận gốc các phần tử khủng bố trong khu vực. Tuy nhiên, do tính toán sai lầm nghiêm trọng, cuộc không kích đã tấn công một khu dân cư chứ không phải mục tiêu dự kiến. Truyền thông địa phương đưa tin ít nhất 30 người đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương đã được đưa đến bệnh viện. (AFP)
*Israel điều tra khả năng "biết trước" cuộc tấn công của Hamas hôm 7/10: Chính quyền Israel đang điều tra vụ việc các nhà nghiên cứu Mỹ cho rằng một số nhà đầu tư có thể đã biết trước kế hoạch tấn công Israel hôm 7/10 của phong trào Hamas và sử dụng thông tin đó để kiếm lợi từ chứng khoán của Israel.
Nghiên cứu của các giáo sư luật Robert Jackson Jr trường Đại học New York và Joshua Mitts trường Đại học Columbia cho thấy có hoạt động bán khống cổ phiếu đáng kể trước các cuộc tấn công này. Trong bài nghiên cứu, các giáo sư trên nêu rõ: “Vài ngày trước cuộc tấn công, các nhà giao dịch dường như đã đoán trước được các vụ việc sắp xảy ra. Và ngay trước cuộc tấn công, hoạt động bán khống chứng khoán của Israel trên Sở giao dịch chứng khoán Tel Aviv (TASE) đã tăng lên đáng kể”. (Reuters)
*Iran bác bỏ cáo buộc liên quan cuộc tấn công ở Biển Đỏ: Ngày 5/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng Iran "đã đứng sau một loạt cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen" vào một số tàu ở Biển Đỏ.
Ông Kanaani đưa ra phát biểu trên để phản ứng trước những tuyên bố của Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) của Mỹ hôm 3/12, trong đó cáo buộc Iran đã "hỗ trợ đầy đủ cho 4 cuộc tấn công do lực lượng Houthi thực hiện nhằm vào 3 tàu thương mại trên vùng biển quốc tế phía Nam Biển Đỏ”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran nhấn mạnh các quyết định của lực lượng kháng chiến này trong khu vực nhằm phản ứng với sự hỗ trợ của Mỹ đối với Israel, đồng thời tuyên bố “việc tiếp tục gây tội ác ở Palestine sẽ bị đáp trả”. (Gulf News)