📞

Tin vui đến Ukraine dồn dập: Món quà quý 'chưa từng có', hội nghị hòa bình, có người tính lập hẳn quỹ sản xuất vũ khí vì Kiev

Bảo Minh 09:13 | 13/01/2024
Ngày 12/1, Ukraine liên tục nhận về các thông tin tích cực về sự hỗ trợ của các nước đồng minh trong cuộc xung đột với Nga.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak có chuyến thăm Ukraine trong ngày 12/1. (Ảnh minh họa. Nguồn: Facebook)

Reuters đưa tin, ngày 12/1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã ký một hiệp định an ninh giữa hai nước ở Kiev, sẽ có hiệu lực cho đến khi Quốc gia Đông Âu gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Mô tả đây là một "thỏa thuận an ninh chưa từng có", nhà lãnh đạo Ukraine bày tỏ: "Tôi vui mừng vì chúng tôi ký kết thỏa thuận đầu tiên với Vương quốc Anh... Đây là cơ sở để hợp tác với các đối tác khác".

Trước đó, Văn phòng Thủ tướng Anh thông báo, London sẽ tăng viện trợ quân sự cho Ukraine trong năm tài chính tiếp theo lên 2,5 tỷ Bảng Anh (3,19 tỷ USD), tăng 200 triệu Bảng so với 2 năm trước, giúp tài trợ kế hoạch mua hàng nghìn máy bay không người lái (UAV) quân sự cho Ukraine - bao gồm UAV giám sát, UAV tấn công tầm xa và UAV trên biển.

Tuyên bố dẫn lời Thủ tướng Sunak nhấn mạnh: “Tôi có mặt ở đây hôm nay với một thông điệp: nước Anh cũng sẽ không chùn bước. Chúng tôi sẽ sát cánh với Ukraine, trong những giờ phút đen tối nhất cũng như trong những thời điểm tốt đẹp hơn sắp tới”.

Trong khi đó, TASS đưa tin, ngày 12/1, Cổng thông tin Đài phát thanh và truyền hình quốc gia lsm.lv của Latvia dẫn lời Tổng thống nước này Edgars Rinkevics xác nhận, Riga chuẩn bị trao cho Kiev gói viện trợ quân sự mới.

Tổng thống Rinkevics cho hay: “Tôi đã thông báo với Tổng thống Ukraine về gói viện trợ bao gồm lựu pháo, đạn pháo, vũ khí chống tăng, tên lửa đất đối không, súng cối, trực thăng, phương tiện không người lái và thiết bị cá nhân trong thời tiết lạnh giá”.

Gói viện trợ mới dành cho Ukraine chiếm khoảng 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Latvia và trị giá hơn 600 triệu Euro.

Trước đó một ngày, Bộ Ngoại giao Thụy Sỹ ra thông báo, nước này sẽ tổ chức hội nghị hòa bình với sự tham dự của khoảng 120 cố vấn an ninh quốc gia vào cuối tuần này ở thành phố Davos.

Cũng trong ngày 11/1, Ủy viên châu Âu về thị trường nội bộ Thierry Breton đã đề xuất thành lập một quỹ trị giá 100 tỷ Euro để tăng năng lực sản xuất vũ khí ở Liên minh châu Âu (EU) nhằm hỗ trợ Ukraine ứng phó Nga.

Nhấn mạnh quỹ này là cần thiết và sẽ giúp tăng đáng kể nền tảng công nghiệp quốc phòng của EU, tuy nhiên ông Breton cũng thừa nhận đây là "tham vọng và tầm nhìn".

Quan chức châu Âu cho hay, sáng kiến của ông vẫn đang ở trong giai đoạn ý tưởng, liên quan nhiều vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là việc tìm kiếm nguồn tài trợ.

Mặc dù vậy, ngày 12/1, Ủy ban châu Âu (EC) và Quỹ Đầu tư châu Âu (EIF) cũng đã công bố thành lập Quỹ Cổ phần Quốc phòng (DEF) trị giá 175 triệu Euro (191,57 triệu USD) để thúc đẩy đổi mới trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

DEF đặt mục tiêu huy động được khoảng 500 triệu Euro thông qua thu hút vốn từ các quỹ đầu tư tư nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm. Trong 4 năm tới, DEF sẽ tập trung vào các dự án phát triển công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực dân sự và quốc phòng.

Việc thành lập quỹ cổ phần quốc phòng là một phần trong nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) nhằm tăng cường vai trò trong các quyết định về chính sách quốc phòng và kiểm soát hoạt động đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực này trong trường hợp xảy ra các mối đe dọa an ninh nội bộ cũng như các cuộc xung đột vũ trang ở các khu vực gần châu Âu.