Cờ Mỹ và Ukraine tung bay gần Điện Capitol, trụ sở Quốc hội Mỹ, trong ngày 20/4. (Nguồn: Getty Images) |
Theo The Guardian, gói viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD bao gồm 61 tỷ USD dành cho Ukraine, 13 tỷ USD cho Israel và hơn 9 tỷ USD dành cho viện trợ nhân đạo tới Gaza, Sudan và Haiti cùng một loạt các hạng mục an ninh quốc gia, trong đó có lệnh cấm tiềm tàng đối với ứng dụng chia sẻ video TikTok.
Trong gói hỗ trợ Ukraine, gần 14 tỷ USD sẽ được chi cho hoạt động đào tạo, trang bị phục vụ các nhu cầu của quân đội Ukraine. Kiev sẽ nhận được 10 tỷ USD dưới dạng "các khoản vay có thể miễn hoặc hoãn trả" để hỗ trợ kinh tế và ngân sách Ukraine, trong đó có hỗ trợ cho ngành năng lượng và khôi phục cơ sở hạ tầng.
Gói viện trợ bổ sung này đã được Hạ viện Mỹ thông qua hôm 20/4.
Phát biểu trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, đã hoan nghênh nỗ lực đàm phán trong nhiều tháng qua của giới lập pháp Mỹ.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảm ơn sự hỗ trợ của Washington thông qua gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD trên.
Sau khi được thông qua tại Quốc hội Mỹ, dự luật viện trợ trên sẽ được chuyển tới Tổng thống Mỹ Joe Biden để ký ban hành, chấm dứt quá trình đàm phán, thương lượng chông gai kéo dài hơn 6 tháng giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Tổng thống Biden đã cam kết nhanh chóng ký gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD và cho biết, việc chuyển hàng viện trợ rất cần thiết sẽ bắt đầu trong tuần này.
AFP dẫn lời ông chủ Nhà Trắng nêu rõ: "Tôi sẽ ký dự luật này thành luật và phát biểu trước người dân Mỹ ngay khi văn bản được chuyển đến bàn của tôi vào ngày mai (24/4, giờ Mỹ) để có thể bắt đầu gửi vũ khí và thiết bị tới Ukraine trong tuần này".
Cùng ngày, người phát ngôn Lầu Năm Góc nói rõ, Mỹ có thể phân bổ gói viện trợ mới cho Ukraine trong những ngày tới.