📞

Tình báo Anh giải mã cách Nga 'phớt lờ' chiến dịch trừng phạt của phương Tây để sản xuất vũ khí

Minh Anh 18:12 | 02/04/2024
“Chiến dịch trừng phạt” của phương Tây với mục tiêu cô lập Nga, đã hạn chế số lượng đối tác mà nước này có thể giao dịch trực tiếp, làm kéo dài thời gian và “đội chi phí” để Moscow mua được những mặt hàng trước đây từng có thể mua tự do.
Bất chấp “chiến dịch trừng phạt” của phương Tây, Nga vẫn nhanh chóng tăng số lượng lớn vũ khí cho cuộc xung đột ở Ukraine. (Nguồn: Al Arabiya)

"Các lệnh trừng phạt toàn cầu chống lại Liên bang Nga tiếp tục làm gián đoạn việc cung cấp các nguồn lực quan trọng cho ngành công nghiệp quốc phòng của nước này và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất vũ khí của Nga", Nhận định này đã được nêu trong báo cáo phân tích đăng trên mạng xã hội X của Bộ Quốc phòng Anh.

Đặc biệt, các nhà phân tích Anh còn tham khảo dữ liệu nghiên cứu từ Viện các nền kinh tế mới nổi của Ngân hàng Phần Lan, cho thấy, các nước thứ ba đã tính phí bảo hiểm hơn 60% đối với việc xuất khẩu một số hàng hóa bị trừng phạt sang Nga.

"Trong khi Nga vẫn tăng cường sản xuất các loại vũ khí quan trọng được sử dụng nhiều nhất trong xung đột quân sự ở Ukraine, chẳng hạn như đạn pháo, thì rất có thể tác động lớn nhất của các lệnh trừng phạt đã ảnh hưởng đáng kể đối với các hệ thống vũ khí phức tạp và tiên tiến của nước này. Quá trình sản xuất và phát triển các hệ thống vũ khí cao cấp gần như chắc chắn có sự phụ thuộc ngày càng tăng vào các linh kiện và công nghệ nước ngoài”, trong báo cáo phân tích.

Các chuyên gia của Anh tin, các biện pháp trừng phạt có thể tiếp tục làm gián đoạn cả cung và cầu đối với công nghiệp xuất khẩu vũ khí của Nga, cũng như làm phức tạp đáng kể cơ chế thanh toán của nước này.

“Điều này gần như chắc chắn đã góp phần làm giảm đáng kể xuất khẩu vũ khí của Nga và làm tăng sự chậm trễ giao hàng, bao gồm cả một số khách hàng vũ khí quan trọng nhất còn lại của nước này”, báo cáo phân tích của Bộ Quốc phòng Anh viết.

Trong tài liệu này, các nhà phân tích cũng trích dẫn số liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm cho thấy, thị phần buôn bán vũ khí toàn cầu của Nga đã giảm xuống 11% trong giai đoạn 2019-2023, so với 21% trong giai đoạn 2014-2018.

Như Ukrinform đã đưa tin trước đó, hàng trăm công ty phương Tây và Nga có liên quan các kế hoạch của Điện Kremlin nhằm lách các biện pháp trừng phạt và đảm bảo bí mật giao hàng linh kiện điện tử cần thiết để sản xuất vũ khí.

Cụ thể, một báo cáo của WSJ mới đây cho biết, Nga đã tăng gấp đôi nhập khẩu nitrocellulose để sản xuất thuốc nổ với sự giúp đỡ của một số đối tác phương Tây. Dữ liệu thương mại cũng cho thấy, Nga đã tăng cường nhập khẩu một hợp chất nổ quan trọng cho việc sản xuất đạn pháo, từ các công ty có trụ sở tại Mỹ, các nước phương Tây và đồng minh khác, bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm bóp nghẹt hoạt động sản xuất vũ khí của Moscow.

Nhập khẩu nitrocellulose của Nga rất quan trọng cho sản xuất thuốc súng và thuốc phóng tên lửa, đã tăng vọt 70% vào năm 2022 và đến giữa năm 2023 lên tới 3.039 tấn, gần gấp đôi mức của năm 2021.

Trong bối cảnh các công ty quốc phòng trên toàn thế giới đang phải vật lộn để có được nitrocellulose trong bối cảnh thiếu hụt do chỉ có một số quốc gia sản xuất hợp chất này, vì mục đích sử dụng chính của nó là làm đạn dược và phải chịu các hạn chế thương mại quốc tế.

Theo các quan chức và nhà phân tích Mỹ, tiềm lực của Moscow liên quan việc cung cấp các linh kiện quan trọng sản xuất tại Mỹ, Đức và Đài Loan (Trung Quốc), đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc xung đột quân sự tại Ukraine.

Sau khi các lệnh trừng phạt do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt ảnh hưởng đến việc mua hàng của quân đội Nga, Trung Quốc đã tăng cường xuất khẩu nitrocellulose. Tuy nhiên, kênh cung cấp chất này chính cho Nga lại là một công ty có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ. Hầu hết nguồn cung cấp của công ty này đều đến tay các nhà thầu của chính phủ Nga.

Một số công ty phương Tây khác, bao gồm International Flavors & Fragrances của Đức, Hagedorn-NC hay TNC Industrial của Đài Loan (Trung Quốc), được liên kết với những nguồn cung cấp thông qua Noy İç Ve Diş Ti̇caret của Thổ Nhĩ Kỳ, dù đại diện các doanh nghiệp đều khẳng định, họ không cung cấp nitrocellulose cho mục đích quân sự.

"Việc Nga tiếp tục mua nitrocellulose trong bối cảnh thiếu hụt toàn cầu, đang làm chậm quá trình sản xuất đạn pháo của các đồng minh NATO". Chuyên gia Oleksandr Danylyuk, thuộc Trung tâm Cải cách quốc phòng - một cơ quan tư vấn an ninh có trụ sở tại Kiev đã nghiên cứu tình hình nhập khẩu nitrocellulose của Moscow, cho biết thêm, quân đội Nga vẫn đang đẩy mạnh mua vào.

Cựu cố vấn quốc phòng và tình báo của chính phủ Ukraine, khẳng định: “Tất cả nhu cầu này là để sản xuất trực tiếp đạn hoặc thay thế nitrocellulose vốn được sản xuất bởi các nhà máy Nga”.

Trên thực tế, các biện pháp trừng phạt của châu Âu và lời hứa của Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng tạo điều kiện cung cấp nitrocellulose cho Nga cũng phần nào ảnh hưởng đến tình hình. Tuy nhiên, bất chấp các lệnh trừng phạt đã được áp dụng, Liên bang Nga đã tăng đáng kể việc nhập khẩu nitrocellulose, kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ.

Dữ liệu hải quan cũng cho thấy, các nhà cung cấp chính các thành phần được sử dụng trong đạn dược và chất nổ, có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc. Trước đó, Phó cục trưởng Cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine Vadim Skibitskyi cho biết, hầu hết các yếu tố cần thiết để sản xuất vũ khí đều đến Nga từ Trung Quốc.

Trước đó, một báo cáo có tựa đề 'Liên minh đạn dược Nga: Ai và bằng cách nào giúp Nga sản xuất chất nổ', do các tổ chức nghiên cứu Ukraine và Anh phối hợp, bao gồm Trung tâm Cải cách quốc phòng, thuộc dự án Anaconda thực hiện cùng với Viện Dịch vụ thống nhất Hoàng gia (RUSI) kết luận - một phần đáng kể nguyên liệu thô (nitrocellulose) được Nga sử dụng để sản xuất đạn dược được cung cấp bởi các thành viên NATO và các nước đối tác.

Theo báo cáo, các nhà cung cấp chính là Đài Loan (Trung Quốc) từ 1/3/2022 – 31/12/2023 có 59 lần giao hàng với tổng trị giá 5.425.152,34 USD; Đức có 41 lần giao hàng với tổng trị giá 3.937.962,53 USD) và Thổ Nhĩ Kỳ có 70 lần giao hàng với tổng trị giá 2.282.452,68 USD. Ngoài ra, báo cáo còn lưu ý rằng Trung Quốc, quốc gia chưa từng cung cấp nitrocellulose cho Nga cho đến năm 2022, đã trở thành nhà cung cấp lớn nhất vào cuối năm 2023 với 72 lần giao hàng, tổng trị giá 10.601.255,02 USD).

(theo Ukrinform)