📞

Tình báo Mỹ sai lầm về Nga?

17:41 | 09/10/2015
Hôm 8/10, Nghị viện Mỹ bắt đầu tiến hành điều tra sai sót trong thông tin tình báo về sự can thiệp của Moscow ở Syria do lo ngại rằng, các cơ quan gián điệp Mỹ đã không thể nắm bắt được phạm vi, cũng như mục đích của cuộc tấn công này.
Người biểu tình Syria và Mỹ phản đối việc Nga can thiệp vào Syria bên ngoài Lãnh sự quán Nga tại Santa Monica, bang California, Mỹ. (Nguồn: Reuters)

Một tuần sau khi Nga trực tiếp “nhúng tay” vào cuộc nội chiến Syria bằng việc tung ra chiến dịch không kích, các ủy ban tình báo của Thượng viện và Hạ viện Mỹ muốn kiểm tra xem liệu mạng lưới gián điệp Mỹ đã bỏ qua hay đánh giá sai các dấu hiệu cảnh báo quan trọng.

Đòn đánh chớp nhoáng của Nga trong cuộc khủng hoảng Syria đã làm dấy lên sự nghi ngờ về chiến lược của Tổng thống Obama ở Trung Đông, cũng như hạ thấp ảnh hưởng của Washington trong khu vực. Tình trạng thiếu thông tin đáng tin cậy và phân tích sâu có thể cản trở những nỗ lực của ông Obama khi đưa ra phản ứng với vấn đề Syria để lấy lại thế chủ động từ Nga.

“Kẻ chậm chân”

Cơ quan gián điệp Mỹ đã thành công trong việc theo dõi chi tiết các hành động xây dựng cơ sở quân sự và cá nhân của Nga trong những tuần gần đây, giúp Nhà Trắng đưa ra chỉ trích và yêu cầu Điện Kremlin giải thích về các hành động trên. Tuy nhiên, những nhân viên tình báo và cả chính quyền Mỹ vẫn “chậm chân” do tốc độ và sự táo bạo của những trận không kích mà Nga tiến hành. Một quan chức Mỹ diễn giải: "Họ biết một số hành động được tiến hành nhưng lại không đánh giá được tầm quan trọng của vấn đề".

Washington tin rằng, họ đã hiểu rõ hơn, ít nhất thì động lực chính của ông Putin trong chiến dịch này là làm bất cứ điều gì để chống đỡ cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Nhưng Washington vẫn không chắc chắn về việc liệu Putin có đang đi xa hơn bằng việc triển khai các khí tài quân sự tiên tiến tới quốc gia Trung Đông này hay không?

Cho đến cuộc họp căng thẳng với Tổng thống Putin tại Liên hợp quốc vào đầu tuần trước, ông Obama còn không được báo trước về kế hoạch tấn công của Nga. Hai ngày sau đó, Nga không kích vào các mục tiêu là phiến quân chống lại chính quyền Assad do CIA huấn luyện. “Họ không thể bắt kịp khi Moscow tăng tốc. Ông Putin đặc biệt thích các yếu tố bất ngờ", cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaulcho biết.

Trong thực tế, cho tới khi một cuộc họp báo của Nhà Trắng được đưa ra ngay sau chiến dịch đánh bom bắt đầu, Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest đã từ chối đưa ra "kết luận chắc chắn" về chiến lược của Nga tại Syria.

Thiếu nguồn lực

Mặc dù liên tục thu thập thông tin tình báo về Nga kể từ cuộc khủng hoảng về Ukraine, các cơ quan gián điệp vẫn bị thiếu nguồn lực do còn tập trung vào hoạt động chống khủng bố ở Trung Đông và khu vực Afghanistan-Pakistan. Trong khi các quan chức chính quyền cấp cao bác bỏ thông tin cho rằng, tình báo Mỹ thiếu quan tâm đến vấn đề Syria thì cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine John Herbst lại cho rằng Mỹ không đủ năng lực tình báo để phân tích "chính sách táo bạo" của ông Putin.

Thực trạng này bắt nguồn một phần từ khả năng hạn chế của các cơ quan tình báo Mỹ trong việc xác định những gì Tổng thống Putin và ê kíp đông đảo chuyên gia tư vấn của mình suy nghĩ và lập kế hoạch. Các chuyên gia Mỹ ban đầu cho rằng, việc Nga xây dựng các cơ sở quân sự có thể nhằm chuẩn bị tập trận hoặc một cuộc biểu dương lực lượng tạm thời tại Trung Đông.

Theo các dấu hiệu ban đầu, các nhà điều tra giám sát của Nghị viện Mỹ nhận định, "thông tin tình báo đã không được chuyển tải đủ nhanh thông qua các kênh" để trình lên các nhà hoạch định chính sách.

Trong bản đánh giá về cách tình báo Mỹ xử lý vấn đề Syria, các quan chức cho biết, các ủy ban tình báo của Nghị viện sẽ xem xét báo cáo của các cơ quan tình báo và đặt nghi vấn đối với những người liên quan. Tại thời điểm này sẽ không có phiên điều trần công khai. Tin rằng chính quyền Obama hầu như bị động trong cuộc can thiệp của Nga ở Syria, ông McFaul, hiện đang giảng dạy tại Đại học Stanford (Mỹ), khẳng định: Cho dù thông tin tình báo nhanh nhạy hay chính xác hơn nữa thì Mỹ cũng chỉ có thể tạo ra “một ít” thay đổi đối với cục diện hiện nay.

"Chúng ta có thể làm được điều khác biệt gì nếu biết trước sự việc 48 giờ? Sẽ không có lựa chọn nào tốt hơn để ngăn chặn hành động của Putin ở Syria", cựu Đại sứ này nói.

Việc phát hiện điểm mù lớn trong mạng lưới tình báo đánh dấu một sai lầm nữa của Mỹ trong vài năm gần đây, bao gồm cả việc Nga bất ngờ tiếp quản Crimea ở Ukraine năm ngoái và sự mở rộng nhanh chóng các hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông.

Minh Tuấn (theo Reuters)