Người Afghanistan đi bộ trên một con phố ở Kabul. (Nguồn: AP) |
Gần hai tuần sau khi Taliban nắm chính quyền, các ngân hàng của Afghanistan vẫn đóng cửa. Điều đó đã khiến nhiều người dân trong nước không có khả năng tiếp cận với tiền mặt.
Một nhân viên hiện tại của ngân hàng trung ương Afghanistan nói: "Không ai có tiền. Nhiều gia đình không có đủ tiền chi tiêu hàng ngày và một số khoản lương đã bị tạm dừng".
Tất cả những điều này làm dấy lên "bóng ma" về một cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo nghiêm trọng ở Afghanistan, chỉ vài tuần sau khi Taliban tiếp quản.
Thách thức chính là nền kinh tế Afghanistan phụ thuộc nhiều vào khả năng tiếp cận ngoại tệ và viện trợ quốc tế nhưng hầu hết trong số đó đã bị chặn lại kể từ khi Kabul "thất thủ".
Lĩnh vực ngân hàng đứng trước nguy cơ sụp đổ
Ngành ngân hàng Afghanistan cũng đang cảnh báo về một cuộc khủng hoảng hoàn toàn. Ngân hàng trung ương Afghanistan, nền tảng của hệ thống tài chính, dường như đang gặp khó khăn.
Nguồn tin từ ngân hàng trung ương Afghanistan tiết lộ, nhiều nhân viên hiện tại của ngân hàng đã không được phép trở lại văn phòng kể từ khi Taliban lên nắm quyền.
Tập đoàn ngân hàng Afghanistan cho biết, họ đã quyết định đóng cửa tất cả các ngân hàng trên toàn quốc vào ngày 15/8 và chưa mở cửa trở lại do lo sợ khách hàng sẽ "ùn ùn" đến rút tiền mặt.
Một bản ghi vào ngày 23/8 do Phòng Thương mại Afghanistan-Mỹ cho hay: “Afghanistan và lĩnh vực ngân hàng của nước này đang ở điểm bùng phát nóng - nơi mà sự sụp đổ của lĩnh vực ngân hàng đang gần như có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.
Bản ghi này được viết bởi một nhóm công tác tài chính ngân hàng bao gồm các ngân hàng thương mại lớn của Afghanistan, khách hàng và nhà đầu tư.
Một phần nữa của vấn đề là Afghanistan đã biến thành "kẻ thù" của nhiều tổ chức gần như chỉ một đêm, sau khi quân Taliban cai trị.
Chính quyền Tổng thống Biden đã nhanh chóng chặn Taliban tiếp cận hàng tỷ USD dự trữ nước ngoài của Afghanistan do ngân hàng trung ương Mỹ nắm giữ.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng tạm dừng khoản tiền 450 triệu USD dự kiến đến Afghanistan vào đầu tuần này. Và sau đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đóng băng hỗ trợ tài chính cho Afghanistan do Taliban không được cộng đồng quốc tế công nhận.
Thiếu hụt tiền mặt là một cơn ác mộng đối với một quốc gia thâm hụt thương mại rất lớn như Afghanistan.
Bản ghi của Phòng Thương mại Afghanistan-Mỹ cho hay: “Nếu không có quyền tiếp cận sớm với nguồn tiền, toàn bộ nền kinh tế Afghanistan và khu vực ngân hàng sẽ sụp đổ. Bên cạnh đó, việc thanh lý tài sản sẽ đến, sự thất vọng của công chúng và bạo lực có thể xảy ra có thể dẫn đến việc công chúng sẽ không thể mua thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu để duy trì cuộc sống bình thường".
Bóng ma "nền kinh tế bóng tối"
Hiện tại, Taliban phải đối mặt với nhiệm vụ cấp bách là củng cố nền kinh tế Afghanistan.
Các nhà phân tích cho biết, những bất ổn tài chính trong hai tuần đầu tiên Taliban lên cầm quyền cho thấy, ma tuý có khả năng vẫn là một nguồn thu nhập quan trọng đối với các nhà cầm quyền mới ở Kabul.
Các ngân hàng Afghanistan đã đóng cửa. Người dân thủ đô cho hay, giá hàng hóa cơ bản đã tăng mạnh trong thời kỳ hỗn loạn khi Mỹ rút quân và sự xuất hiện của Taliban. Một vụ đánh bom liều chết bên ngoài sân bay Kabul khiến nhiều người thiệt mạng vào tuần trước cũng đã làm tăng thêm những rủi ro ngay cả khi mạo hiểm ở nơi công cộng.
Một phụ nữ khoảng 50 tuổi sống ở Kabul cho biết: “Tôi đã được thông báo là đừng đến làm việc. Tôi e rằng mọi thứ sẽ tiếp tục như thế này trong nửa năm".
Tin liên quan |
Các nhà lãnh đạo mới của Afghanistan đang tìm cách vẽ nên một bức tranh màu hồng. Trong cuộc họp báo ngày 17/8, người phát ngôn của Taliban cho biết, họ sẽ xây dựng nền kinh tế mới xung đột lắng xuống.
Người phát ngôn nói thêm rằng, Afghanistan sẽ là một "quốc gia không có ma tuý", nền kinh tế sẽ hồi sinh thông qua việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Tuyên bố này trái ngược với một báo cáo được Liên hợp quốc công bố vào tháng 6/2021 nêu chi tiết cách thức tài trợ của Taliban.
Báo cáo nêu rõ: "Các nguồn tài chính chính của Taliban vẫn là các hoạt động tội phạm, bao gồm buôn bán ma túy và sản xuất cây thuốc phiện, tống tiền, bắt cóc để đòi tiền chuộc, khai thác khoáng sản và thu từ thu thuế ở các khu vực do Taliban kiểm soát hoặc ảnh hưởng. Thu nhập ước tính từ các hoạt động này lên tới 1,6 tỷ USD/năm".
Theo ước tính của Ngân hàng thế giới (WB), GDP của Afghanistan năm ngoái đạt khoảng 19 tỷ USD. Thu nhập của Taliban sẽ chiếm dưới 10% GDP. Và việc thiếu hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế có thể dẫn đến việc quốc gia này phải phụ thuộc vào nền "kinh tế bóng tối".
Hơn nữa, Afghanistan được coi là một trong những quốc gia sản xuất cây thuốc phiện hàng đầu thế giới. Theo một cuộc khảo sát của Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm, năm 2020, có tới 224.000 ha đất trồng cây thuốc phiện trải dài khắp đất nước. Quy mô đã tăng gần gấp 3 trong hai thập kỷ.
Báo cáo về ma túy của Liên hợp quốc cũng cho thấy, có tới 22/34 tỉnh của Afghanistan là những vùng sản xuất cây thuốc phiện. Riêng năm ngoái, ước tính có khoảng 6.300 tấn thuốc phiện đã được sản xuất dưới sự giám sát của Taliban, trị giá khoảng 350 triệu USD.
Nếu Taliban đấu tranh để xây dựng lại nền kinh tế, chính phủ mới sẽ dựa vào cây thuốc phiện như một giải pháp.
Trong khi đó, Taliban phải đối mặt với triển vọng phát triển tài nguyên thiên nhiên không chắc chắn. Afghanistan là nơi có nhiều mỏ đồng, sắt, thủy ngân, đất hiếm và đá cẩm thạch. Tài nguyên khoáng sản chưa được khai thác được cho là có giá trị lên tới 3.000 tỷ USD.
Viện Hòa bình Mỹ cho biết trong một phân tích: "Phần lớn hoạt động khai thác khoáng sản ở Afghanistan là bất hợp pháp hoặc không được kiểm soát. Đối với Taliban, khoáng sản chiết xuất là nguồn thu lớn thứ hai sau ma tuý. Doanh thu hàng năm được ước tính là từ 200-300 triệu USD/năm".
Taliban đã nhiều lần cho rằng, họ sẽ thiết lập một môi trường làm việc lành mạnh cho người Afghanistan. Nhưng dường như, rất ít người tin tưởng vào lời cam kết đó.
Một nông dân ở tỉnh Uruzgan phía Nam Afghanistan cho biết: “Cây thuốc phiện dễ trồng hơn lúa mì hoặc các loại cây khác, vì vậy tôi dự định sẽ tiếp tục trồng chúng từ bây giờ”.
Từ những đánh giá như vậy cho thấy, Taliban chắc chắn phải đối mặt với những xáo trộn trong việc quản lý nền kinh tế.
| Mỹ 'hào phóng' với người dân Afghanistan và 'mạnh tay' với các khoản viện trợ qua kho bạc Taliban Ngày 27/8, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Mỹ sẽ tiếp tục là một nhà tài trợ "rất hào phóng" đối với các khoản viện ... |
| Trung Quốc sẽ khai thác 'mỏ vàng' Afghanistan như thế nào? Theo trang mạng Võng Dị (Trung Quốc), sau khi lực lượng Taliban giành được quyền kiểm soát Afghanistan, lợi ích của các nước ở Afghanistan ... |