Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn khẳng định ủng hộ người đồng cấp Belarus Lukashenko trong cuộc khủng hoảng chính trị vừa qua. (Nguồn: AP) |
Phát biểu với phóng viên, Thư ký báo chí của Tổng thống Mỹ Donald Trump, bà Kayleigh McEnany, nêu rõ: "Nga cũng phải tôn trọng chủ quyền của Belarus và quyền của người dân nước này trong việc bầu chọn các nhà lãnh đạo của họ một cách tự do và công bằng".
Tổng thống Nga Vladimir Putin, người luôn khẳng định ủng hộ người đồng cấp Belarus, đã nêu khả năng điều động quân đội hỗ trợ nếu tình hình Belarus "bắt đầu vượt ngoài tầm kiểm soát". Trước đó, ngày 30/8, hai nhà lãnh đạo cũng đã nhất trí sẽ gặp nhau tại Moscow trong thời gian tới. Nếu diễn ra, đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên của hai nhà lãnh đạo Nga và Belarus kể từ khi nổ ra các cuộc biểu tình ở Belarus sau cuộc bầu cử tổng thống với chiến thắng thuộc về Tổng thống đương nhiệm Lukashenko.
Trong khi đó, theo hãng tin Interfax, dự kiến Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ có cuộc hội đàm với người đồng cấp Belarus Vladimir Makei vào ngày 2/9 tại Moscow.
Liên quan đến việc 3 nước Baltic là Lithuania, Latvia và Estonia áp đặt lệnh cấm đi lại đối với Tổng thống Lukashenko và 29 quan chức khác của Belarus và thông báo các biện pháp trừng phạt khác, ngày 31/8, Bộ Ngoại giao Belarus tuyên bố Minsk sẽ đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt tương tự.
Trong một tin liên quan, cũng trong ngày 31/8, Tổng thống Lukashenko đã thảo luận kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp trong bối cảnh nhiều cuộc biểu tình đang diễn ra sau cuộc tổng tuyển cử vừa qua với kết quả ông tái đắc cử.
Đề xuất của Tổng thống Lukashenko chủ yếu tập trung vào việc cải cách hệ thống tòa án và bác bỏ những lời kêu gọi của phe đối lập quay trở lại hiến pháp năm 1994, thời điểm văn kiện này chưa được sửa đổi theo hướng tăng thêm quyền lực cho tổng thống.
Tại cuộc gặp Chánh án Tòa án tối cao ngày 31/8, Tổng thống Lukashenko cho biết, các chuyên gia pháp lý đang thảo luận về một số sửa đổi, trong đó hệ thống tòa án sẽ độc lập hơn. Tuy nhiên, theo ông, điều này là không cần thiết. Mặc dù khẳng định các tầng lớp dân cư trong xã hội đều có thể bày tỏ quan điểm và nguyện vọng của mình, nhưng ông Lukashenko cho rằng, những người muốn sửa đổi hiến pháp chỉ là thiểu số.
Trước đây, Tổng thống Lukashenko đã từng hai lần tiến hành trưng cầu ý dân, thúc đẩy việc sửa đổi hiến pháp, vào các năm 1996 và 2004,
Tình hình Belarus bất ổn kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 9/8. Theo kết quả chính thức do Ủy ban Bầu cử trung ương Belarus công bố, Tổng thống Alexander Lukashenko tái đắc cử với 80,1% số phiếu ủng hộ, trong khi ứng cử viên đối lập Svetlana Tikhanovkskaya chỉ được 10,12%. Bà Tikhanovkskaya không công nhận kết quả này.
Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra tại các thành phố, trong đó xảy ra đụng độ với cảnh sát. Hơn 6.700 người đã bị bắt giữ và hàng trăm người bị thương, trong đó có hơn 120 nhân viên thực thi pháp luật.