Thủ lĩnh đối lập Svetlana Tikhanovskaya sẽ gặp Tổng thống Pháp Macron tại thủ đô của Lithuania để thảo luận tình hình Belarus. (Nguồn: Bangkok Post) |
Tuyên bố được đưa ra sau khi cùng ngày, bà Tikhanovskaya đề nghị ông Macron làm trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng tại quốc gia Đông Âu và nhấn mạnh: "Ông Macron là một trong những nhà lãnh đạo mạnh nhất ở châu Âu và trên thế giới nên ông ấy ít nhất sẽ là một trong những nhà hòa giải này. Có thể ông ấy sẽ tác động tới ông Putin để tham gia vào công tác hòa giải này".
Trước đó, người phát ngôn chính phủ Pháp Gabriel Attal khẳng định, những gì đang xảy ra tại Belarus là một cuộc khủng hoảng quyền lực.
Động thái diễn ra trong bối cảnh cùng ngày, Tổng thống Macron cho rằng Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko "phải ra đi".
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, hai nhà lãnh đạo của Lithuania và Pháp đã nhất trí, Liên minh châu Âu (EU) cần phải quyết định về các lệnh trừng phạt đối với Belarus tại Hội nghị Thượng đỉnh vào cuối tuần này.
Tình hình Belarus bất ổn kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 9/8. Theo kết quả chính thức do Ủy ban Bầu cử trung ương Belarus công bố, ông Alexander Lukashenko tái đắc cử với 80,1% số phiếu ủng hộ, trong khi ứng cử viên đối lập Tikhanovkskaya chỉ được 10,12%. Bà Tikhanovkskaya không công nhận kết quả bầu cử.
Nhiều cuộc biểu tình phản đối chính phủ diễn ra tại nhiều thành phố đã biến thành xô xát với cảnh sát. Ngày 31/8, Tổng thống Lukashenko đã thảo luận kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp, tập trung vào việc cải cách hệ thống tòa án và bác bỏ những lời kêu gọi của phe đối lập quay trở lại hiến pháp năm 1994.
Ngày 23/9, Tổng thống Lukashenko đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới. EU từ chối công nhận ông Lukashenko là Tổng thống hợp pháp của Belarus.
Tổng thống Lukashenko đã từng khẳng định rằng kịch bản "cách mạng màu" có sự can thiệp của yếu tố bên ngoài đang được sử dụng để chống lại đất nước Belarus, đồng thời cũng lên án việc phương Tây ủng hộ phe đối lập Belarus trên phương diện quân sự, với bằng chứng là việc điều động quân đội các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đến biên giới Belarus.
Ông Lukashenko coi sự ủng hộ của các nước phương Tây đối với phe đối lập là sự can thiệp trực tiếp vào tình hình ở Belarus.