Phó Tổng thư ký Nato Mircea Geoana (phải) gặp Đại diện đặc biệt của EU về Belgrade-Pristina Miroslav Lajcak trong cuộc đối thoại về Kosovo, ngày 14/6. (Nguồn: NATO) |
Ngày 14/6, Phó Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mircea Geoana đã có cuộc gặp với Đại sứ Miroslav Lajcak, Đại diện đặc biệt của Liên minh châu Âu (EU) về Đối thoại Belgrade-Pristina và các vấn đề Tây Balkan khác nhân dịp quan chức EU này vừa có các chuyến thăm tới Belgrade và Pristina.
Đại sứ Lajcak thông báo cho Phó Tổng thư ký NATO về diễn biến gần đây tại miền Bắc Kosovo và những nỗ lực ngoại giao hiện nay của EU hôm 13/6.
Căng thẳng đã gia tăng trong những tháng gần đây khi Serbia từ chối công nhận chủ quyền của Kosovo.
Trong khi đó, suốt hơn hai thập niên vừa qua, NATO đã dẫn đầu Phái bộ gìn giữ hòa bình ở Kosovo, hay còn gọi là KFOR, như một phần của nỗ lực quốc tế nhằm thiết lập hòa bình và an ninh lâu dài tại khu vực.
Nhiệm vụ của KFOR, hiện được hỗ trợ bởi 4.200 binh sĩ từ 27 quốc gia thành viên NATO, là đảm bảo an toàn và tự do đi lại của tất cả các cộng đồng cư trú trong khu vực.
Phát biểu tại cuộc gặp, Phó Tổng thư ký Geoana khẳng định, mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa NATO và EU trong khu vực “tiếp tục tạo ra sự khác biệt”.
Theo ông Geoana, lãnh đạo NATO, KFOR, các quốc gia thành viên NATO cũng như EU và Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) đã nỗ lực không mệt mỏi nhằm làm giảm leo thang tình hình ở Bắc Kosovo và kéo cả hai bên vào bàn đàm phán trong khuôn khổ đối thoại do EU dẫn dắt giữa Belgrade và Pristina.
Phó Tổng thư ký Geoana nhấn mạnh, NATO đã cam kết ổn định ở Tây Balkan trong nhiều thập niên và phái bộ KFOR tại thực địa với hơn 4.000 binh sĩ chính là minh chứng rõ ràng nhất cho cam kết đó.
Đối thoại giữa NATO và EU diễn ra sau khi Anh gia hạn cam kết với KFOR cho đến ít nhất là năm 2026, cũng như 500 binh sĩ bổ sung của KFOR được triển khai tới Kosovo từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Phái bộ KFOR do NATO lãnh đạo đang thực hiện mọi biện pháp cần thiết để duy trì môi trường an toàn cũng như quyền tự do đi lại của người dân sống ở Kosovo, đồng thời tiếp tục hành động theo đúng nhiệm vụ do Liên hợp quốc giao cho trên cơ sở Nghị quyết 1244 năm 1999 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.