📞

Tình hình Libya: Thủ tướng mới sắp nhậm chức, nguy cơ xung đột gia tăng khi 'người cũ' từ chối trao trả quyền lực

Bảo Hà 08:15 | 03/03/2022
Ngày 1/3, Quốc hội đặt tại miền Đông Libya đã thông qua Nội các mới do cựu Bộ trưởng Nội vụ Fathi Bashagha lãnh đạo.
Thủ tướng lâm thời Abdulhamid al-Dbeibah (trái) và tân Thủ tướng Fathi Bashagha được Quốc hội Libya chỉ định. (Nguồn: Archyde)

Chủ tịch Hạ viện Aguila Saleh cho biết, nội các mới đã nhận được sự ủng hộ của Hạ viện với đa số 92 nghị sĩ.

Quốc hội Libya sẽ chính thức tuyên bố bổ nhiệm ông Bashagha làm Thủ tướng vào ngày 3/3, nhưng ông Abdulhamid al-Dbeibah - người đứng đầu chính phủ lâm thời hiện tại của quốc gia Bắc Phi, từ chối chuyển giao quyền lực cho đến khi có một chính phủ dân cử.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Bashagha khẳng định sẽ không có việc sử dụng vũ lực giữa những người ủng hộ ông và chính phủ hiện tại.

Ông dự kiến sẽ nhậm chức trong hòa bình ở Tripoli và sẽ có những dàn xếp nhằm đảm bảo quá trình chuyển giao chính quyền diễn ra một cách bình thường và suôn sẻ.

Trước đó, vào đầu tháng 2, ông Bashagha được giao nhiệm vụ thành lập một chính phủ thay thế chính phủ thống nhất quốc gia Libya (GNU) của Thủ tướng lâm thời Dbeibah.

Ông Dbeibah đã được chỉ định làm Thủ tướng lâm thời của Libya cách đây một năm - như một phần trong lộ trình chính trị Libya được Liên hợp quốc bảo trợ - có nhiệm vụ dẫn dắt quốc gia Bắc Phi đến các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống vào tháng 12/2021.

Tuy nhiên, các cuộc bầu cử đã bị hoãn vô thời hạn và Chủ tịch Quốc hội Aguila Saleh - một ứng cử viên tổng thống - tuyên bố nhiệm vụ của ông Dbeibah đã kết thúc.

Quốc hội Libya được bầu vào năm 2014 và đặt trụ sở tại thành phố Tobruk ở miền Đông, trong khi chính quyền của ông Dbeibah đặt ở Tripoli, thuộc miền Tây, phản ánh sự chia rẽ sâu sắc giữa các phe phái chính trị tại Libya.

Sự xuất hiện của một chính phủ mới do ông Bashagha đứng đầu một lần nữa đẩy Libya vào tình cảnh cùng tồn tại hai chính quyền song song với hai thủ tướng đối địch.

Giới chuyên gia cảnh báo rằng, diễn biến mới nhất tại Libya có thể châm ngòi cho một làn sóng bạo lực mới và có thể dẫn đến tình trạng đất nước bị chia cắt.

(theo AFP)