Những người biểu tình ở thị trấn Ahlone, Myanmar bỏ chạy khi lực lượng an ninh truy đuổi. (Nguồn: NYT) |
Chính quyền quân sự đồng thời đổ lỗi cho NUG về những vụ đánh bom, phóng hỏa và giết người.
Kênh truyền hình quốc gia MRTV thông báo: "Những hành động của họ (NUG) đã gây ra quá nhiều tình trạng khủng bố ở nhiều nơi".
Hiện nay, NUG, Ủy ban Đại diện cho Pyidaungsu Hluttaw (CRPH) - một tổ chức gồm những nghị sĩ bị bãi nhiệm - và lực lượng mới đều sẽ bị coi là đối tượng của luật chống khủng bố.
Trong khi đó, NUG - hiện hoạt động kín và coi quân đội Myanmar là một lực lượng khủng bố - hồi tuần này đã tuyên bố thành lập Lực lượng Phòng vệ Nhân dân.
Luật chống khủng bố của Myanmar không chỉ cấm trở thành thành viên của các tổ chức trên, mà còn cấm mọi hoạt động tiếp xúc với họ. Trước đó, chính quyền quân sự Myanmar đã cáo buộc các nhân vật đối lập phạm tội phản quốc.
Trước đó, ngày 6/5, tại Đối thoại ASEAN - Mỹ lần thứ 34 theo hình thức trực tuyến, hai bên đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó nhấn mạnh vấn đề Myanmar. Mỹ hoan nghênh kết quả Hội nghị Các nhà lãnh đạo ASEAN ngày 24/4, ủng hộ vai trò của ASEAN trong thúc đẩy đối thoại, hòa giải, hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp ổn định tình hình.
Myanmar rơi vào bế tắc chính trị kể từ ngày 1/2 sau khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng và bang cùng các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD).
Quân đội Myanmar cho rằng, có nhiều gian lận trong cuộc bầu cử vừa qua cho dù Ủy ban Bầu cử liên bang Myanmar bác bỏ cáo buộc này. Quân đội cam kết sẽ tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực, đồng thời phủ nhận việc thực hiện chính biến.