Bất chấp đổ máu, người biểu tình ở nhiều địa phương của Myanmar tiếp tục xuống đường phản đối binh biến. (Nguồn: AP) |
Hãng tin AFP dẫn số liệu của Tổ chức Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) cho biết, tính đến cuối tuần này, số người biểu tình thiệt mạng ở Myanmar đã lên 701 người kể từ sau cuộc binh biến hồi đầu tháng 2.
Con số này cao hơn nhiều so với số liệu mà chính quyền quân sự Myanmar đưa ra là 248 người.
Truyền thông địa phương và các nhân chứng cho biết, lực lượng an ninh đã dùng súng phóng lựu để giải tán biểu tình ở thị trấn Bago, gần thành phố Yangon hai ngày qua, khiến hơn 80 người thiệt mạng.
Bất chấp đổ máu, người biểu tình ở nhiều địa phương của Myanmar tiếp tục xuống đường phản đối binh biến.
Sáng nay 11/4, một vụ nổ lớn đã xảy ra bên ngoài ngân hàng Myawaddy của quân đội Myanmar ở thành phố Mandalay, khiến một nhân viên an ninh bị thương. Lực lượng an ninh đã được tăng cường ở khu vực này sau vụ nổ.
Đây là một trong những doanh nghiệp do quân đội kiểm soát và phải đối mặt với sức ép bị tẩy chay kể từ khi binh biến nổ ra hồi tháng 2. Nhiều khách hàng đã đề nghị rút tiền gửi tại ngân hàng này.
Tại thành phố Yangon, người biểu tình giương cao khẩu hiệu "Chúng tôi sẽ chiến thắng". Tại thành phố Monywa, người biểu tình kêu gọi Liên hợp quốc can thiệp để ngăn chặn bạo lực.
Bất ổn cũng xảy ra ở nhiều địa phương khác của Myanmar. Tại thị trấn Tamu ở vùng Sagaing, người dân địa phương được cho là đã tấn công phục kích một đoàn xe quân sự, khiến 3 quân nhân thiệt mạng.
Trong khi đó, ít nhất 10 cảnh sát đã thiệt mạng sau khi một liên minh vũ trang thiểu số tấn công một đồn cảnh sát ở làng Naungmon, bang Shan của Myanmar. Truyền thông nhà nước Myanmar gọi đây là một vụ tấn công bằng vũ khí hạng nặng của các nhóm "khủng bố".
Trong một diễn biến khác, theo truyền thông địa phương, hôm 9/4, một tòa án binh đã tuyên bố án tử hình với 19 thường dân tham gia cuộc biểu tình gây đụng độ dẫn đến cái chết của một sĩ quan quân đội hôm 27/3 tại Yangon.
Những người này bị buộc tội tấn công và tước súng của hai quân nhân, sau đó xô xát khiến một trong hai quân nhân thiệt mạng. Tại phiên xét xử, 17 trong số 19 bị cáo bị kết án vắng mặt. Phán quyết được đưa ra dựa trên quy định thiết quân luật.
Án tử hình đã tồn tại từ lâu, nhưng hơn 30 năm nay Myanmar chưa từng thi hành án, Phil Robertson, phó giám đốc Tổ chức Giám sát Nhân quyền chi nhánh tại châu Á, cho biết. "Điều này cho thấy quân đội Myanmar chuẩn bị khôi phục thi hành án tử hình", ông Phil Robertson nói.
Để ngăn làn sóng biểu tình, thời gian gần đây, chính quyền quân sự Myanmar cũng mở rộng lệnh truy nã đối với những nhân vật nổi tiếng có tầm ảnh hưởng với công chúng. Chính quyền Myanmar đã công bố danh sách truy nã 140 người gồm ca sĩ, người mẫu, diễn viên, nhà báo, cáo buộc những người này lan truyền thông tin "sai sự thật", "gây hoảng sợ". Nếu bị kết tội, những người này có thể lĩnh tới 3 năm tù.