Đặc phái viên LHQ về Myanmar Christine Schraner Burgener kêu gọi HĐBA hành động ngay lập tức. (Nguồn: UN) |
Đặc phái viên Christine Schraner Burgener nói: "Tôi đề nghị HĐBA LHQ cân nhắc tất cả các biện pháp có thể để đưa ra hành động chung và làm điều cần làm, điều mà người dân Myanmar đáng được hưởng và ngăn chặn một tai họa nhiều chiều ở đây".
Bà Burgener đồng thời cảnh báo nguy cơ về một cuộc nội chiến và tình trạng "tắm máu" ở quốc gia Đông Nam Á này.
Cũng theo bà Christine Schraner Burgener, cơ hội đối thoại vẫn còn với chính quyền quân sự Myanmar. Tuy nhiên, "nếu chúng ta chỉ đợi cho tới khi họ sẵn sàng thảo luận, tình hình trên thực địa sẽ chỉ thêm tồi tệ", bà Burgener nói.
Liên quan tình hình tại Myanmar, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, nước này tiếp tục kêu gọi Trung Quốc dùng ảnh hưởng tại Myanmar để quy trách nhiệm cho những người liên quan đến cuộc chính biến hồi tháng 2 vừa qua.
Tin liên quan |
Ngoại giao Mỹ ‘trở lại' dưới thời Tổng thống Joe Biden |
Phát biểu trong cuộc họp báo, người phát ngôn Ned Price cho biết: "Những gì mà chính quyền quân sự tại Myanmar làm không thuộc lợi ích của Mỹ. Cũng như không thuộc lợi ích của các đối tác hay đồng minh của Mỹ và thậm chí không thuộc lợi ích của Trung Quốc".
Trong khi đó, tại cuộc họp của HĐBA, Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn về một "cuộc chuyển đổi dân chủ" tại Myanmar, hiện do quân đội nắm quyền, song bác bỏ phương án áp đặt trừng phạt đối với quốc gia Đông Nam Á này.
Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp kín của HĐBA, Đại sứ Trung Quốc Trương Quân nêu rõ: "Trung Quốc hy vọng Myanmar sẽ khôi phục hòa bình, ổn định và trật tự hiến pháp càng sớm càng tốt, đồng thời tiếp tục thúc đẩy vững chắc chuyển đổi dân chủ".