Bộ Tài chính Mỹ thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và đơn vị liên quan tới quân đội Myanmar. (Nguồn: Reuters) |
Giám đốc Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ Andrea Gacki tuyên bố, việc sử dụng bạo lực nhằm vào người biểu tình ôn hòa ở Myanmar cần phải chấm dứt, "chúng tôi tiếp tục sát cánh cùng người dân Myanmar".
Trong danh sách trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ có lãnh đạo lực lượng cảnh sát Than Hlaing, sĩ quan quân đội Aung Soe, cũng như 2 đơn vị quân sự gồm Sư đoàn Bộ binh hạng nhẹ số 33 và Sư đoàn Bộ binh hạng nhẹ số 77 thuộc Lục quân Myanmar.
Mỹ đưa ra hành động trừng phạt ngay sau khi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt riêng đối với 11 cá nhân liên quan tới vụ chính biến hôm 1/2 tại Myanmar. Đây là phản ứng mạnh mẽ nhất của EU kể từ khi quân đội bắt đầu đàn áp người biểu tình một cách bạo lực.
Trong diễn biến khác, ngày 23/3, tờ Bangkok Post đăng tải các hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy những chiếc xe tải chở thực phẩm qua biên giới từ Thái Lan đến Myanmar và đưa tin rằng, số hàng đó được dành cho Tatmadaw - tên gọi của quân đội Myanmar.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha bác bỏ các thông tin cho rằng chính phủ Thái Lan đã gửi hàng tiếp tế để hỗ trợ cho quân đội Myanmar.
Từ nhiều thập kỷ trước, người dân Myanmar đã chuyển đến và sinh sống trên khu vực miền núi nằm giữa biên giới hai nước, khiến các nhà chức trách phải tổ chức các cuộc đàm phán và thuyết phục họ xuống núi và định cư ở các khu vực đồng bằng.
Họ đã hợp tác và yêu cầu cung cấp thực phẩm. Các nhà chức trách Thái Lan đồng ý với yêu cầu của họ vì lý do nhân đạo.
Theo ông Prayut, do khu vực này chưa được phân định rõ ràng nên không ai trong khu vực được phép qua biên giới và mua thực phẩm ở bên phía Thái Lan, nhưng họ có thể đặt hàng trực tiếp từ những người bán hàng.
"Vì vậy, đừng dùng vấn đề này để cáo buộc chính phủ Thái Lan ủng hộ những người cầm quyền quân sự Myanmar. Điều đó không đúng", ông Prayut nói.