Nhỏ Bình thường Lớn

Tình hình Myanmar: Mỹ và LHQ lo ngại, EU dọa trừng phạt, Indonesia ra tuyên bố chính thức

TGVN. Ngày 28/2, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã bày tỏ lo ngại về các cuộc đụng độ giữa cảnh sát với người biểu tình ở Myanmar, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng yêu cầu chấm dứt bạo lực.
Tình hình Myanmar: Mỹ và LHQ lo ngại, EU dọa trừng phạt. (Nguồn: AFP)
Liên hợp quốc, Mỹ và EUs đã bày tỏ lo ngại về các cuộc đụng độ giữa cảnh sát với người biểu tình ở Myanmar. (Nguồn: AFP)

Theo Văn phòng Cao ủy LHQ về Nhân quyền, ít nhất 18 người đã thiệt mạng và hơn 30 người bị thương do đụng độ chỉ riêng trong ngày 28/2.

Người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Stephane Dujarric cho biết, Tổng Thư ký Guterres khẳng định việc sử dụng vũ khí sát thương là không chấp nhận được. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy sát cánh và truyền đi một thông điệp rõ ràng, yêu cầu chấm dứt bạo lực tại Myanmar.

Cùng ngày, trên Twitter, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng bày tỏ lo ngại về hành động tại Myanmar, đồng thời nhấn mạnh "ủng hộ nhân dân Myanmar".

Ông Blinken khẳng định, Mỹ "sẽ tiếp tục thúc đẩy việc quy trách nhiệm cho những đối tượng liên quan".

Trong phản ứng cùng ngày, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell xác nhận, khối này sẽ thông qua các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền quân sự Myanmar.

Ông Borrel nhấn mạnh: "EU sẽ sớm thực thi các biện pháp nhằm đáp trả những diễn biến này".

Trước đó, các bộ trưởng châu Âu đã nhất trí về những biện pháp trừng phạt quân đội Myanmar do tiến hành đảo chính, đồng thời quyết định dừng một số hoạt động viện trợ phát triển.

Cũng trong ngày 28/2, Bộ Ngoại giao Indonesia đã ra tuyên bố chính thức liên quan đến tình hình Myanmar.

Theo đó, Chính phủ Indonesia bày tỏ rất lo ngại về những căng thẳng ở Myanmar, đề nghị lực lượng an ninh Myanmar không sử dụng bạo lực và kiềm chế để tránh thêm thương vong, cũng như ngăn chặn tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Đầu tháng 2 vừa qua, ASEAN đã lên tiếng kêu gọi Myanmar theo đuổi "đối thoại, hòa giải và quay lại tình trạng bình thường" sau khi quân đội Myanmar tiến hành cuộc chính biến và lên nắm quyền ở nước này.

Tuyên bố của ASEAN nêu rõ: "Chúng tôi nhắc lại rằng, sự ổn định chính trị tại các nước thành viên ASEAN là cần thiết đối với việc đạt được một cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng".

TIN LIÊN QUAN
Tuyên bố sẽ không 'đơn độc' trong việc gây sức ép đối với Venezuela, Mỹ nêu điều kiện nới lỏng trừng phạt
Vụ sát hại nhà báo Khashoggi: Saudi Arabia và nhiều nước Arab phản ứng với Mỹ, Nhà Trắng lên tiếng
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái xuất, trấn an đảng Cộng hòa và úp mở dự định tương lai?
Ảnh ấn tượng tuần (22-28/2): Căng thẳng Armenia, Myanmar, đại khủng hoảng Covid-19 và lãnh đạo đối lập Nga ra dấu tay thể hiện chiến thắng
Cảnh sát Myanmar bắt giữ hàng trăm người biểu tình

(theo Reuters, AFP)