Tư lệnh SAF Sudan Abdel Fattah al-Burhan (trái) và Chỉ huy RSF Mohamed Hamdan Dagalo có thể sẽ gặp nhau ở Saudi Arabia. (Nguồn: Anadolu) |
Ngày 24/4, RSF xác nhận, lực lượng này đã đồng ý với thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ làm trung gian để tạo điều kiện cho các hoạt động nhân đạo trong thời gian đình chiến.
Nhà Trắng cũng ra yêu cầu các bên tham chiến ở Sudan tuân thủ lệnh ngừng bắn ngay lập tức và đảm bảo việc bảo vệ dân thường khi các nước đang tiến hành những nỗ lực sơ tán công dân của mình.
Thỏa thuận trên đạt được trong bối cảnh giao tranh tại Sudan đã bước sang tuần thứ hai liên tiếp, với ít nhất 427 người thiệt mạng và gần 4.000 người bị thương trong 10 ngày qua.
* Trước đó, cùng ngày, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo nguy cơ xung đột leo thang tại quốc gia Bắc Phi có thể “nhấn chìm toàn bộ khu vực”.
Phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an, ông Guterres nhận định, giao tranh tại Sudan đang diễn biến theo chiều hướng xấu, đồng thời cảnh báo nguy cơ xung đột leo thang tại quốc gia Bắc Phi có thể “nhấn chìm toàn bộ khu vực”.
* Về những nỗ lực hòa giải, trong ngày 24/4, một quan chức Mỹ cho biết, đại diện của nước này, Liên minh châu Phi (AU) và Liên minh châu Âu (EU), cũng như các Bộ Ngoại giao của Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Ai Cập hiện đang liên lạc với nhau để thúc đẩy các sáng kiến và lệnh ngừng bắn là một trong số đó.
Trong khi đó, báo Ahram Online của Ai Cập dẫn lời các nhà lãnh đạo phe đối lập ở Sudan cho biết, công tác chuẩn bị cho cuộc gặp tại Saudi Arabia giữa Tư lệnh SAF Sudan Abdel Fattah al-Burhan và Chỉ huy RSF Mohamed Hamdan Dagalo đang được triển khai.
Theo ông Orwa Al-Sadeq, thành viên đảng Umma Sudan, hiện có các đề xuất cụ thể cho cuộc gặp, nhưng "chúng tôi đang chờ sự chấp thuận cuối cùng từ tất cả các bên trước khi công bố chi tiết".
Ông Al-Sadeq giải thích, ưu tiên hàng đầu là ngăn chặn giao tranh và tạo điều kiện cho các nỗ lực nhân đạo, mở ra cơ hội đối thoại giữa hai bên.
Cuộc gặp dự kiến sẽ diễn ra ở Saudi Arabia vì quốc gia vùng Vịnh này có quan hệ tốt với cả Tướng al-Burhan và Tướng Dagalo. Tuy nhiên, ông Al-Sadeq cảnh báo, xung đột có thể kéo dài trong trường hợp một trong hai vị tướng này nhất quyết đánh bại người kia.
Người phát ngôn của Lực lượng tự do và thay đổi tại Sudan Shihab Ibrahim cũng xác nhận: "Các bên kêu gọi tổ chức cuộc gặp đã nhận được chấp thuận sơ bộ. Câu trả lời cuối cùng từ cả hai bên dự kiến sẽ được đưa ra chậm nhất trong ngày 25/4".
Tuy nhiên, theo ông Ibrahim, dường như cả hai bên tham chiến tại Sudan đang cố gắng giành được một số lợi thế trên thực địa để cải thiện vị thế đàm phán của họ.
* Về tình hình sơ tán công dân của các nước, ngày 25/4, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, Tokyo đã cơ bản hoàn tất việc đưa công dân nước này rời khỏi Sudan.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo quyết định tạm thời đóng cửa Đại sứ quán tại Sudan, nêu rõ: "Do tình hình an ninh xấu đi nhanh chóng, toàn bộ nhân viên Đại sứ quán đã được sơ tán đến CH Djibouti. Bộ phận lãnh sự tạm thời đã được mở ở Djibouti để tiếp tục công việc của cơ quan ngoại giao này".
* Ngày 24/4, người phát ngôn chính phủ CH Chad Aziz Mahamat cho biết, nước này sẽ sơ tán 438 công dân của mình khỏi Sudan, theo tuyến đường từ Khartoum đến thành phố cảng Port Sudan trên Biển Đỏ, sau đó đưa họ về nước.
CH Chad đã đóng cửa biên giới dài 1.000 km với Sudan vào ngày 15/4 sau khi bạo lực bùng phát.
Trong bối cảnh tình hình xung đột bạo lực tại Sudan gia tăng, theo thông tin mới nhất từ Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Sudan ngày 21/4, 16 thuyền viên trên tàu tại cảng Sudan đã rời nước này. Hiện chỉ còn một công dân mang hai quốc tịch Việt Nam và Australia đang sinh sống tại thủ đô Khartoum. Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Sudan tiếp tục theo dõi sát tình hình, sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo hộ cần thiết, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân Việt Nam. |