WHO lo ngại số thương vong do xung đột ở Sudan sẽ còn tăng lên do dịch bệnh bùng phát và thiếu nhu yếu phẩm cùng các trang thiết bị y tế cứu chữa cần thiết. (Nguồn: Reuters) |
Các cuộc giao tranh tại Sudan từ giữa tháng 4 đến nay đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 459 người và khiến hơn 4.000 người bị thương. WHO lo ngại các con số sẽ còn tăng lên do dịch bệnh bùng phát và thiếu nhu yếu phẩm cùng các trang thiết bị y tế cứu chữa cần thiết trong bối cảnh giao tranh tiếp diễn hiện nay.
Phát biểu họp báo ở Geneva (Thụy Sỹ), Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, hiện chỉ có 16% số cơ sở y tế tại thủ đô Khartoum còn hoạt động.
WHO ước tính rằng, có khoảng 25% số người thiệt mạng trong các cuộc giao tranh tại Sudan lẽ ra có thể đã sống sót nếu được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản.
* Trước những cảnh báo đó, ngày 26/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki đã có cuộc hội đàm về tình hình Sudan.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Matthew Miller nói: "Hai bên đã bàn về sự hợp tác giữa Mỹ và AU nhằm tạo ra sự chấm dứt bền vững các hành động thù địch và chấm dứt giao tranh ở Sudan".
Cả ông Blinken và Chủ tịch Faki nhất trí rằng, sự lãnh đạo liên tục của AU vẫn rất cần thiết trong việc gây sức ép để quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) nhanh chóng ngừng ngay các hoạt động quân sự và cho phép hoạt động tiếp cận nhân đạo không bị cản trở.
* Trong khi đó, cùng ngày, quân đội Sudan cho hay, Tư lệnh lực lượng này Abdel Fattah al-Burhan đã sơ bộ thông qua đề xuất của Cơ quan liên chính phủ về phát triển (IGAD) về việc kéo dài lệnh ngừng bắn thêm 72 giờ và cử phái đoàn quân sự tới thủ đô Juba (Nam Sudan) để đàm phán.
Tuy nhiên, hiện RSF chưa đưa ra phản hồi về đề xuất của IGAD.
* Trong bối cảnh đó, ngày 26/4, các nước tiếp tục đẩy nhanh việc sơ tán công dân khỏi Sudan.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi cho biết, quân đội nước này đã điều tàu hải quân tới Sudan để sơ tán công dân của mình.
Tổng cục Quản lý cảng cạn và đất liền Ai Cập (GALDP) thông báo, hơn 10.000 người thuộc các quốc tịch khác nhau đã sơ tán khỏi Sudan thông qua 2 cửa khẩu biên giới trên đất liền Qastal và Arqeen để vào Ai Cập trong 5 ngày qua.
Một tàu chở gần 1.700 người sơ tán từ Sudan cũng đã cập cảng ở thành phố Jeddah của Saudi Arabia, trong bối cảnh chính phủ Saudi Arabia đang tiếp tục nỗ lực đưa công dân nước này, cũng như của các quốc gia khác rời khỏi Sudan.
Nigeria cũng đã bắt đầu sơ tán những người đầu tiên trong khoảng 3.500 công dân của nước này, chủ yếu là sinh viên, từ Sudan sang Ai Cập.