Tình hình Sudan tiếp tục diễn biến phức tạp với hậu quả nhân đạo nghiêm trọng, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn tạm thời giữa các bên liên quan. (Nguồn AP) |
* Ngày 30/5, phát biểu khi các thị sát đơn vị, Tổng Tư lệnh Quân đội Sudan Abdel Fattah Al-Burhan tuyên bố, quân đội Sudan đang thay mặt nhân dân chiến đấu trong xung đột với Các Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) và chưa sử dụng lực lượng sát thương hiện có.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh quân đội sẽ hành động nếu RSF không “tuân theo hoặc không đáp lại tiếng nói của lý trí” và sẽ chiến đấu cho đến khi giành chiến thắng.
Tướng Al-Burhan cũng xác nhận quân đội Sudan đã nhất trí gia hạn thỏa thuận ngừng bắn ngày 20/5 để tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng viện trợ tới tay người dân.
* Cùng ngày, Thống đốc bang Red Sea, nơi có Port Sudan, địa điểm đặt cảng chính và là thành phố lớn thứ hai của Sudan, đã ban bố lệnh giới nghiêm từ 23h00 đêm hôm trước đến 5h00 sáng hôm sau (theo giờ địa phương). Đáng chú ý, đây là nơi đã diễn ra nhiều đợt di tản của công dân Sudan và các nước sau đợt giao tranh gay gắt vừa qua, khiến 863 dân thường thiệt mạng và 3.531 người khác bị thương.
* Cũng trong ngày 30/5, Bộ Ngoại giao Libya đã lên án vụ tấn công và cướp phá Đại sứ quán nước này tại thủ đô Khartoum của Sudan. Tripoli khẳng định vụ tấn công và cướp phá tòa nhà Đại sứ quán Libya tại Khartoum đã vi phạm Công ước Vienna về Quan hệ Ngoại giao và tất cả các luật và tập quán điều chỉnh công việc ngoại giao giữa các quốc gia.
Bộ Ngoại giao Libya đã bày tỏ “sự hối tiếc và phẫn nộ sâu sắc trước những hành động như vậy”, kêu gọi các bên đối địch ở Sudan từ bỏ bạo lực và ngừng giao tranh, bảo vệ các cơ quan đại diện ngoại giao, “giải quyết vấn đề và sự khác biệt thông qua đối thoại và những biện pháp hòa bình”.
* Về phần mình, Liên minh châu Phi (AU) ra tuyên bố nêu rõ: “Liên minh châu Phi kịch liệt lên án cuộc xung đột tàn bạo và phi lý đang diễn ra giữa Lực lượng Vũ trang Sudan và RSF, dẫn đến cái chết của nhiều thường dân vô tội và phá hủy cơ sở hạ tầng một cách bừa bãi”.
Tổ chức khu vực này đánh giá xung đột ở Sudan đã dẫn đến tình huống nhân đạo nghiêm trọng chưa từng có, vi phạm trắng trợn luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế.
Nhấn mạnh xung đột này không thể được giải quyết bằng biện pháp quân sự, AU cũng yêu cầu các bên nối lại quá trình chuyển tiếp chính trị, tiến hành các hoạt động bầu cử hướng tới chính phủ dân chủ, do lực lượng dân sự lãnh đạo. Tổ chức này cũng “kiên quyết bác bỏ mọi hình thức can thiệp từ bên ngoài vào Sudan”.
Kể từ ngày 15/4, Quân đội Sudan và RSF đã đụng độ vũ trang ở Khartoum và các khu vực khác. Cả hai bên đều cáo buộc lẫn nhau khơi mào cuộc xung đột. Ngày 29/5 vừa qua, quân đội Sudan và RSF đã nhất trí gia hạn thêm 5 ngày thỏa thuận ngừng bắn ký hôm 20/5 sau cuộc đàm phán tại thành phố Jeddah, Saudi Arabia. Tuy nhiên, các bên vẫn chưa thể tìm kiếm được tiếng nói chung nhắm tiến tới thỏa thuận ngừng bắn lâu dài.