📞

Tình hình Sudan: Tư lệnh quân đội từ chối đàm phán với RSF

Minh Quân 07:46 | 29/08/2023
Tư lệnh quân đội Sudan khẳng định lực lượng này sẽ không thỏa hiệp với ‘bất kỳ ai đã phản bội người dân Sudan’.
Tư lệnh quân đội Sudan, Tướng Abdel Fattah al-Burhan (giữa) khẳng định sẽ không thỏa hiệp với RSF. (Nguồn: AFP)

Ngày 28/8, phát biểu với các binh sĩ tại căn cứ Flamingo, Port Sudan trên Biển Đỏ, Tư lệnh quân đội Sudan Abdel Fattah al-Burhan khẳng định, quân đội không thỏa hiệp với “những kẻ phản bội” và “bất kỳ ai đã phản bội người dân Sudan”.

Ông cho rằng bây giờ không phải là thời điểm đàm phán và quân đội đang tập trung toàn bộ thời gian “để chấm dứt cuộc nổi dậy này”, hứa hẹn một chiến thắng nhanh chóng và quyết định. Vị tư lệnh này nhấn mạnh RSF đã “hoàn toàn kiệt sức” và “chỉ cần một chút nỗ lực” là quân đội sẽ hoàn thành mục tiêu.

Trước đó, người đứng đầu Lực lượng phản ứng nhanh (RSF), Tướng Mohamed Hamdan Dagalo, tỏ ý muốn ngừng bắn và đàm phán về tương lai đất nước.

Tướng Abdel Fattah al-Burhan cũng phủ nhận thông tin quân đội Sudan được trợ giúp từ nước ngoài và cho biết, việc ông rời Khartoum là nhờ chiến dịch quân sự có sự tham gia của lực lượng không quân và hải quân. Vài ngày trước, ông Burhan đã lần đầu tiên rời thủ đô Khartoum kể từ khi xung đột nổ ra hồi tháng 4.

Trong những tuần gần đây, quân đội Sudan đã chống trả một đợt tấn công ác liệt của RSF vào căn cứ quân đoàn thiết giáp ở phía Nam Khartoum.

Theo các nhà hoạt động, cuộc bao vây đã dẫn đến thương vong cho dân thường và khiến điện, nước bị cắt, gây khó khăn cho việc sơ tán người dân.

Hai bên cũng giao tranh ác liệt để giành quyền kiểm soát Nyala ở Nam Darfur. Đụng độ giữa RSF và quân đội đã bước sang tuần thứ 20, song chưa bên nào chiến thắng.

Theo Bộ Y tế Sudan, xung đột giữa hai bên tại Khartoum và một số khu vực khác đã khiến hơn 3.000 người thiệt mạng và hơn 6.000 người khác bị thương.

Trong khi đó, theo thống kê của Liên hợp quốc, hơn 4 triệu người Sudan đã phải rời bỏ nhà cửa, trong đó 3,2 triệu người phải đi sơ tán ở trong nước và gần 900.000 người đã sang Cộng hòa Chad, Ai Cập, Nam Sudan và các quốc gia khác.

(theo Reuters)