📞

Tình hình Syria: Mỹ có hành động bất ngờ với Nga, dứt khoát nói không đưa lại quân đến quốc gia Trung Đông

Bảo Minh 15:59 | 03/12/2024
Nga và Mỹ đã có động thái "nhìn lại mặt nhau" giữa lúc tình hình nội chiến ở Syria đang leo thang.
Phiến quân Hay'at Tahrir al-Sham phát động cuộc tấn công lớn vào Aleppo và sau đó mở rộng ra Idlib, Tây Bắc Syria. (Ảnh minh họa - Nguồn: AFP)

Ngày 2/12, hãng thông tấn TASS dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Patrick Ryder cho biết, chỉ huy chiến dịch "Quyết tâm vững chắc" của Lầu Năm Góc đã liên lạc với Liên bang Nga "để đảm bảo mở một kênh liên lạc" về vấn đề Syria.

Theo ông Ryder, lý do của việc liên lạc là quân đội Mỹ và Nga ở Syria gần nhau về mặt địa lý. Lầu Năm Góc sẽ tiếp tục sử dụng "cơ chế liên lạc này để ngăn chặn những tính toán sai lầm tiềm ẩn" khi tình hình ở Syria diễn biến phức tạp.

Ngoài ra, Washington nhận thấy không cần thiết phải tái triển khai lực lượng sau các vụ tấn công xảy ra gần đây tại Syria.

Quan chức trên nói rõ: "Theo tôi biết thì không có thay đổi nào. Như các bạn đã biết, chúng tôi đã công khai nói trước đây rằng có khoảng 900 binh sĩ Mỹ được triển khai tới Syria để hỗ trợ cho nhiệm vụ lâu dài là đánh bại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng".

Trước đó, cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller đã từ chối trả lời trực tiếp câu hỏi của phóng viên về việc liệu nước này có ủng hộ cuộc tấn công của phiến quân ở Syria hay không.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn thấy tất cả các nước sử dụng ảnh hưởng - sử dụng đòn bẩy của họ - để thúc đẩy giảm căng thẳng, bảo vệ dân thường và cuối cùng là đưa tiến trình chính trị tiến lên".

Bên cạnh đó, theo ông Miller, chính sách phản đối của Mỹ đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad không thay đổi song từ chối nói rõ liệu Washington có muốn nhà lãnh đạo rời khỏi vị trí quyền lực hay không.

Ngày 27/11, lực lượng nổi dậy Syria do nhóm phiến quân Hay'at Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu đã phát động cuộc tấn công quy mô lớn vào các vị trí của quân đội chính phủ ở vùng nông thôn phía Tây thành phố Aleppo (đô thị lớn thứ 2 ở Syria) và giành được quyền kiểm soát nhiều khu vực, sau đó mở rộng ra Idlib và Hama.

Nhà nghiên cứu phương Đông Kirill Semenov cho rằng, nguyên nhân khiến phiến quân chiếm được một phần Aleppo là do sự suy thoái của hệ thống chính trị của Syria, bao gồm cả quân đội và các cơ cấu an ninh.