📞

Tình hình Ukraine: Báo Mỹ nói Kiev ‘sốc’ vì thay đổi của Moscow, Thụy Điển lo kịch bản xấu từ Nga

Minh Vương 07:00 | 19/06/2023
Nam Phi tin tưởng vào tiến trình hòa bình, Liên hợp quốc chưa thể tiếp cận khu vực bị ảnh hưởng do vỡ đập Kakhovka là một số diễn biến mới về tình hình Ukraine.
Một xe tăng của Nga di chuyển tại khu vực Pospana, Ukraine. (Nguồn: Reuters)

Vừa qua, tờ New York Times (Mỹ) lưu ý rằng các báo cáo từ thực địa tại xung đột Nga-Ukraine cho thấy các lực lượng của Moscow thực sự đã thay đổi chiến thuật trong các đợt đụng độ độ. Theo đó, quân đội Nga đã nâng cao đáng kể tính kỷ luật, khả năng phối hợp và yểm trợ trên không cho các đơn vị của mình.

Cụ thể, một binh sĩ Ukraine được tờ này phỏng vấn thừa nhận anh ta chưa bao giờ chứng kiến nhiều hỏa lực như vậy từ các vị trí. Điều này cho thấy thay đổi đáng chú ý trong chiến thuật tác chiến của Các Lực lượng Vũ trang Nga (VS RF).

New York Times đặc biệt chú ý đến các cuộc đụng độ nhằm giành quyền kiểm soát thành phố Bakhmut. Tờ báo Mỹ cho rằng trong giao tranh tại đây, quân đội Nga đã thể hiện trình độ kỹ năng và trang bị cao.

Theo phân tích, các hoạt động tại đây là một phần của “hoạt động kiên nhẫn, kỷ luật”, cho thấy VS RF sẵn sàng học hỏi từ những sai lầm của mình và nỗ lực sửa chữa chúng.

Tờ báo Mỹ cũng nhấn mạnh rằng, bất chấp những khó khăn và trở ngại trên chiến trường, Nga cho thấy sẵn sàng thay đổi và điều chỉnh các phương pháp chiến thuật để đáp trả các hành động của đối thủ. Điều này đã thể hiện sự linh hoạt và tư duy chiến lược của Bộ Chỉ huy VS RF trong bối cảnh xung đột hiện nay.

* Trong khi đó, nhận định về tình hình hiện nay, tờ Wall Street Journal (Mỹ) đã thảo luận về tác động từ ưu thế vượt trội về không quân và pháo binh của quân đội Nga đối với tình hình thực địa hiện nay ở Ukraine. Các tác giả bài báo cho rằng đây là yếu tố then chốt cho phép quân đội Nga chiếm ưu thế trước Các Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU) được trang bị các hệ thống vũ khí hiện đại của phương Tây.

Theo đó, bất chấp các “nỗ lực đáng kể” để chống lại ưu thế này của Nga ở khu vực miền Đông và miền Nam, Ukraine vẫn chỉ đạt được những “kết quả mơ hồ”.

Trong bối cảnh đó, Bộ Chỉ huy VSU đã quyết định tạm dừng tấn công để đánh giá tình hình và phân tích kỹ lưỡng về chiến lược, nhằm đạt kết quả như kỳ vọng.

* Trong một tin liên quan, ngày 18/6, Đài truyền hình SVT (Thụy Điển) trích dẫn các nguồn tin tiết lộ một báo cáo của Ủy ban Quốc phòng Quốc hội nước này. Theo đó, Stockholm cho rằng không thể loại trừ một cuộc tấn công quân sự của Nga nhằm vào quốc gia Bắc Âu này.

Theo báo cáo của Quốc hội Thụy Điển dự kiến được công bố ngày 19/6 (giờ địa phương), mặc dù các lực lượng mặt đất của Nga hiện đang bị “trói chân” ở Ukraine, song không thể loại trừ các hình thức tấn công quân sự khác vào Thụy Điển.

Báo cáo của Quốc hội Thụy Điển cũng vạch ra một học thuyết quốc phòng mới cho nước này, dựa trên tư cách thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thay vì học thuyết trước đó dựa trên hợp tác với các nước Bắc Âu và Liên minh châu Âu (EU). Hiện Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Thụy Điển chưa bình luận về những thông tin này.

* Trong một tin liên quan, ngày 18/6, Văn phòng Phủ Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết các chuyến thăm của phái bộ hòa bình châu Phi tới Nga và Ukraine đã mở đường cho việc thúc đẩy giải quyết cuộc xung đột hiện nay.

Tuyên bố của Phủ Tổng thống cho biết: “Hôm nay (ngày 18/6), Tổng thống Ramaphosa đã kết thúc chuyến thăm làm việc hai ngày tới Ukraine và Nga, nơi các nhà lãnh đạo châu Phi đề xuất một con đường hòa bình cho xung đột kéo dài 16 tháng qua giữa hai nước.

Đề xuất do các nhà lãnh đạo châu Phi đưa ra trong chuyến công tác tới Ukraine và Nga đã tạo nền tảng cho các cam kết trong tương lai sẽ góp phần vào con đường dẫn tới hòa bình và giải quyết xung đột tàn khốc”.

Theo tuyên bố, phái đoàn châu Phi đã đưa ra một số yếu tố quan trọng để bắt đầu hướng tới hòa binh bao gồm giảm leo thang xung đột; trả tự do cho các tù nhân chiến tranh và trẻ em, tuân thủ nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc về Chủ quyền; đảm bảo rằng có sự hỗ trợ nhân đạo cho những người gặp khó khăn và tái thiết sau chiến tranh cùng những yếu tố khác.

Tuyên bố cho biết: “Sứ mệnh hòa bình tới Ukraine và Nga đã kết thúc vòng tiếp xúc đầu tiên với cả hai bên".

Phủ Tổng thống Nam Phi cũng cho biết thêm rằng Tổng thống Ramaphosa cảm thấy được động viên bởi sự đón tiếp nồng hậu từ Tổng thống Ukraine và Nga.

* Cùng ngày, Điều phối viên về viện trợ nhân đạo của Liên hợp quốc tại Ukraine Denise Brown đã chỉ trích Nga “đến nay vẫn từ chối yêu cầu của chúng tôi nhằm tiếp cận các vùng thuộc quyền kiểm soát tạm thời của quân đội nước này” sau vụ vỡ đập Kakhovkahôm 6/6, gây ngập lụt và gián đoạn nguồn cung cho người dân.

Quan chức này nêu rõ: “Liên hợp quốc sẽ tiếp tục tìm cách tiếp cận. Chúng tôi kêu gọi giới chức Nga hành động phù hợp với nghĩa vụ theo luật nhân đạo quốc tế… Nguồn viện trợ không thể bị từ chối đối với những người đang có nhu cầu”.

(theo New York Times/Reuters/Wall Street Journal)