Hội đồng Bảo an họp khẩn về tình hình Ukraine vao đêm 21/2. (Nguồn: Reuters) |
Cuộc họp diễn ra sau khi vào đêm 21/2, Nga chính thức công nhận nền độc lập của 2 vùng ly khai Donetsk và Luhansk ở Donbass, miền Đông Ukraine và triển khai quân đội đến hai khu vực này.
Cuộc họp diễn ra trong bầu không khí khá căng thẳng. Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình Rosemary DiCarlo bày tỏ lấy làm tiếc về việc Nga triển khai quân đội tại miền Đông Ukraine, đồng thời kêu gọi các bên cần ngăn ngừa xung đột bằng mọi giá.
Tương tự, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân lên tiếng kêu gọi tất cả các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng Ukraine kiềm chế và tránh mọi hành động có thể làm gia tăng căng thẳng.
Ông cho biết, Bắc Kinh hoan nghênh và khuyến khích mọi nỗ lực để tìm ra giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng.
Về phía Ấn Độ, Đại diện thường trực nước này tại LHQ TS Tirumurti khẳng định, tình hình leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraine là vấn đề hết sức đáng quan ngại.
Theo ông Tirumurti nói: "Cần dành không gian cho các sáng kiến mà các bên gần đây cam kết thực hiện nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Trong bối cảnh này, chúng tôi hoan nghênh các nỗ lực mạnh mẽ đang diễn ra, kể cả thông qua Nhóm liên lạc ba bên và theo định dạng Normandy".
Nhà ngoại giao Ấn Độ kêu gọi các bên nỗ lực hơn nữa để thu hẹp các lợi ích khác nhau, lưu ý: "Chúng ta không thể để xảy ra tình trạng leo thang quân sự. Những diễn biến này có nguy cơ phá vỡ hòa bình và an ninh của khu vực".
Bên cạnh đó, bày tỏ lo ngại về sự an toàn và an ninh của hơn 20.000 sinh viên và công dân Ấn Độ đang sống và học tập ở các vùng khác nhau của Ukraine, kể cả ở các khu vực biên giới, ông Tirumurti khẳng định, sự an toàn của công dân Ấn Độ là ưu tiên hàng đầu đối với chính quyền New Delhi.
Trong khi đó, Đại sứ Linda Thomas-Greenfield, trưởng phái đoàn thường trực của Mỹ tại LHQ, đã chỉ trích động thái trên của Nga.
Trước thềm cuộc họp, bà Thomas-Greenfield cũng đã ra thông cáo nhấn mạnh rằng, HĐBA LHQ cần phải yêu cầu Moscow tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, một quốc gia thành viên LHQ.
Phía Mỹ cho biết sẽ đưa ra lệnh trừng phạt đối với Nga trong ngày 22/2.
Đa số giới ngoại giao tại LHQ cho rằng động thái của Nga đã "vi phạm luật pháp quốc tế" và đặt dấu chấm hết cho kế hoạch mang lại hòa bình cho cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine vốn đã rất mong manh.
Cộng đồng quốc tế giờ đây chỉ có thể hy vọng với vai trò dẫn dắt của HĐBA LHQ, các bên liên quan sẽ kiềm chế tối đa, tìm kiếm giải pháp thông qua con đường ngoại giao, không để chiến tranh xảy ra và hàng triệu người dân vô tội sẽ lại rơi vào cuộc khủng hoảng không có hồi kết.
Tại cuộc họp, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya cho rằng, các cường quốc phương Tây cần "suy nghĩ thấu đáo" và không làm nghiêm trọng hóa tình hình.
Ông khẳng định Moscow luôn "sẵn sàng tìm kiếm giải pháp ngoại giao" cho những căng thẳng hiện nay.
Trong bối cảnh nhiều nước tại HĐBA LHQ đánh giá việc Nga đưa quân tới Luhansk ở Donbass là nhằm mở đường cho kế hoạch chiếm đóng Ukraine, Moscow nêu rõ, hành động này là nhằm mục đích gìn giữ hòa bình, bảo vệ hàng trăm nghìn công dân được cấp hộ chiếu Nga đang sinh sống tại đây.
Về phần mình, Đại sứ Ukraine tại LHQ Sergiy Kyslytsya khẳng định biên giới của quốc gia này không thay đổi, bất kể Nga có hành động gì.
Trong một tuyên bố sáng 22/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh, nước này sẽ không có bất cứ nhượng bộ nào về lãnh thổ, đồng thời vẫn cam kết tiến hành các nỗ lực hòa bình và ngoại giao sau khi Nga chính thức công nhận 2 vùng ly khao trên.
Mặc dù vậy, ông cũng nhấn mạnh Kiev đang mong đợi những bước đi "rõ ràng và hiệu quả" từ các nước đồng minh liên quan quyết định trên của Nga, đồng thời kêu gọi tiến hành một cuộc họp khẩn giữa các nhà lãnh đạo Ukraine, Nga, Đức và Pháp về vấn đề này.