📞

Tình hình Ukraine: 'Cuộc chiến UAV', Nga vẫn chiếm ưu thế? Kiev nói sẽ cân nhắc mời Moscow đến một sự kiện khi 'sẵn sàng'

Bảo Minh 17:47 | 30/01/2024
Ngày 30/1, cả Nga và Ukraine đều thông báo đánh chặn hàng chục máy bay không người lái (UAV) của đối phương trên lãnh thổ của nhau.
UAV đang trở thành phương tiện tấn công phổ biến nhất trong xung đột Nga-Ukraine. (Nguồn: TASS)

Reuters dẫn thông tin từ hãng thông tấn quốc gia RIA cho hay, hệ thống phòng không của Nga đã bắn hạ 11 máy bay không người lái (UAV) của Ukraine trên bầu trời Crimea. Các UAV do Ukraine sản xuất cũng bị bắn rơi ở các khu vực Belgorod, Bryansk, Kaluga và Tula.

Trong khi đó, Không quân Ukraine cho biết, Nga đã phóng tổng cộng 35 UAV tấn công và 2 tên lửa dẫn đường nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng và quân sự gần tiền tuyến và các khu vực khác của quốc gia Đông Âu.

Trên trang Telegram, lực lượng trên tuyên bố, các hệ thống phòng không của Ukraine đã bắn hạ 15 trong số 35 UAV.

Hiện chưa rõ điều gì đã xảy ra với những UAV chưa bị phá hủy hoặc 2 tên lửa mà Nga đã phóng từ hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-300.

Trong một diễn biến liên quan trên thực địa, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, quân đội nước này đã kiểm soát làng Tabaevka thuộc tỉnh Kharkov nhờ hoạt động tích cực của các đơn vị thuộc Nhóm quân miền Tây ở hướng Kupyansk.

Cũng theo bộ trên, tại khu vực Sinkovka, 3 cuộc tấn công của các nhóm thuộc Lữ đoàn cơ giới số 30 và 32 Các Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU) đã bị đẩy lùi. Kết quả là đối phương mất 30 quân nhân, 2 xe bọc thép, 3 xe bán tải và một lựu pháo Msta-B.

Ở các hướng Krasnolimansk, Donetsk, Yuzhnodonetsk, Zaporozhye và Kherson, quân đội Nga cũng đã cải thiện vị trí, đẩy lùi các cuộc tấn công của VSU khiến VSU mấy hàng trăm lính và thiệt hại nhiều xe quân sự trong đó có xe tăng, ô tô và pháo.

Liên quan việc tìm kiếm kết thúc cho xung đột, báo Sự thật châu Âu số ra ngày 29/1 dẫn lời ông Andriy Ermak, Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết, Kiev sẵn sàng xem xét khả năng đại diện Nga tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu lần thứ hai, nhưng trước đó cần phải lập một “kế hoạch chung”.

Ông lưu ý: “Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe mọi người. Tại bàn đàm phán, chúng tôi không chỉ có các đối tác từ các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên minh châu Âu (EU) mà còn cả các nước ở Nam bán cầu”.

Quan chức trên nhấn mạnh, hội nghị ở cấp lãnh đạo sẽ được tổ chức mà không có sự tham gia của Nga. Sau đó, sẽ có các cuộc họp và hội nghị ở các cấp độ khác nhau để xây dựng một kế hoạch. Khi sẵn sàng, Ukraine có thể cân nhắc mời đại diện Nga.