Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck. (Nguồn: AFP) |
Hôm 11/1, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói rằng, nước này sẽ cung cấp “một số xe tăng Leopard cho Ukraine như một phần của việc xây dựng liên minh quốc tế”.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu Ba Lan có nhận được sự chấp thuận của Berlin hay không, do xe tăng Leopard được sản xuất tại Đức và có những hạn chế trong việc tái xuất khẩu.
Phó Thủ tướng Habeck, người cũng giám sát việc kiểm soát xuất khẩu vũ khí với tư cách là Bộ trưởng Kinh tế, cho biết: “Đức không nên cản đường khi các quốc gia khác đưa ra quyết định ủng hộ Ukraine, bất kể Đức đưa ra quyết định nào”.
Theo ông, việc đưa ra quyết định cho chính mình và ngăn cản quyết định của người khác là hoàn toàn khác nhau.
Tuyên bố của ông Habeck đánh dấu bước ngoặt mới nhất trong cuộc tranh luận gay gắt về việc cung cấp xe tăng chiến đấu hiện đại do phương Tây sản xuất cho Ukraine.
Trước đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã từ chối gửi xe tăng hạng nặng cho Ukraine vì lo ngại đây sẽ là hành động đẩy xung đột leo thang và có khả năng kéo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào cuộc.
Nhà lãnh đạo Đức khẳng định, Berlin sẽ không hành động một mình, vì vậy các đồng minh của họ đang cố gắng tập hợp một liên minh gồm các quốc gia sẵn sàng gửi xe tăng chiến đấu tới Ukraine.
Mặc dù về mặt lý thuyết, Thủ tướng Scholz có thể đưa ra quyết định cuối cùng về việc liệu Ba Lan có được chuyển xe tăng do Đức sản xuất tới Ukraine hay không, nhưng tuyên bố công khai của ông Habeck sẽ khiến ông khó từ chối.
Mỹ, Pháp và Đức tuần trước đã nhất trí chuyển các xe tăng hạng nhẹ và xe chiến đấu bộ binh cho Kiev. Anh mới đây cũng chính thức thông báo sẽ cung cấp xe tăng chiến đấu cho Ukraine để ứng phó với Nga trong xung đột đang diễn ra, song chưa nói rõ loại xe cụ thể.
Có thông tin cho rằng, Anh đang xem xét cung cấp xe tăng Challenger 2 cho Ukraine. Nếu như chính phủ Anh đồng ý cung cấp xe tăng Challenger 2, đây sẽ là lần đầu tiên một quốc gia phương Tây cung cấp xe tăng chiến đấu hạng nặng hiện đại cho Ukraine.
Trong diễn biến khác liên quan tình hình Ukraine, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết đã điện đàm với người đồng cấp Ukraine Alexei Reznikov hôm 11/1.
Theo thông cáo trên trang web của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, trong cuộc điện đàm, hai bộ trưởng nhấn mạnh một thỏa thuận ngừng bắn sẽ ngăn nguy cơ có thêm thương vong, đồng thời góp phần khôi phục hòa bình và ổn định trong khu vực.
Cũng ngày 11/1, với 57 phiếu ủng hộ trên tổng số 62 thượng nghị sĩ có mặt, Thượng viện Czech đã thông qua sửa đổi luật “lex Ukraine”, theo đó gia hạn thời gian bảo vệ tạm thời cho người tị nạn Ukraine tại Czech thêm một năm, đến cuối tháng 3/2024.
Điều luật trên cho phép người tị nạn Ukraine tiếp cận bảo hiểm y tế công cộng, giáo dục hoặc thị trường lao động. Tuy nhiên, từ cuối tháng 3 tới, những người tị nạn Ukraine muốn được gia hạn bảo vệ tạm thời ở Czech sẽ phải đăng ký điện tử.
Bên cạnh đó, một trong những sửa đổi quan trọng là thời gian cung cấp chỗ ở miễn phí cho người tị nạn Ukraine còn 150 ngày. Sau thời hạn này, người tị nạn Ukraine sẽ phải tự trả tiền hoặc họ phải chuyển đi.