📞

Tình hình Ukraine: Hai chỉ huy Nga thiệt mạng tại Bakhmut, châu Âu tái khẳng định cam kết với Kiev

Minh Quân 06:40 | 15/05/2023
Đức khẳng định ủng hộ Ukraine vào EU, Pháp nói về ‘thất bại địa chính trị’ của Nga, NATO ‘sốt sắng’ hỗ trợ Kiev… là một số thông tin mới về tình hình Ukraine vừa qua.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa) nhận giải thưởng Charlemagne tại Aachen, Đức ngày 14/5. (Nguồn: DPA)

* Ngày 14/5, Bộ Quốc phòng Nga thông báo 2 chỉ huy quân đội nước này, ông Vyacheslav Makarov, Chỉ huy Lữ đoàn súng trường cơ động số 4 và ông Yevgeny Brovko, Phó Chỉ huy phụ trách công tác quân sự-chính trị của Lục quân Nga, đã thiệt mạng trong chiến đấu gần khu vực nóng nhất ở Bakhmut, Đông Ukraine.

Cùng ngày, Moscow thông báo lực lượng Nga đã tấn công kho vũ khí của phương Tây và Ukraine ở thành phố Ternopil, miền Tây và thị trấn Petropavlivka, miền Đông. Bộ Quốc phòng xứ bạch dương cho biết: “Lực lượng vũ trang Nga đã thực hiện một đợt không kích bằng vũ khí có độ chính xác cao từ xa và từ biển vào các điểm triển khai quân của các lực lượng vũ trang Ukraine. Các kho dự trữ đạn dược, vũ khí và trang bị quân sự được tiếp tế từ phương Tây cũng đã bị tấn công”.

* Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp tục chuyến công du của mình tới châu Âu. Phát biểu tại Berlin ngày 14/5, ông đã kêu gọi nước này ủng hộ thành lập một “liên minh cung cấp máy bay chiến đấu” cho Ukraine.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo này cũng tái khẳng định, phía Ukraine không có kế hoạch tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga trong chiến dịch phản công.

Về phần mình, phát biểu tại thành phố Aachen (Đức) trong lễ trao giải thưởng Charlemagne cho ông Zelensky - vinh danh các nhân vật hoạt động vì khối đoàn kết châu Âu, Thủ tướng nước chủ nhà Olaf Scholz nói: “Thưa Ngài (Tổng thống), Ngài có được sự ủng hộ hoàn toàn của chúng tôi đối với con đường hướng tới EU”.

Ngoài ra, ông lưu ý xung đột tại Nga-Ukraine cho thấy Kiev là “một phần trong gia đình châu Âu chúng ta” và khiến nước này xích lại gần EU hơn bao giờ hết”.

* Cùng ngày, ông Zelensky đã tới Paris để gặp người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron tại Paris. Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne và Ngoại trưởng Catherine Colonna đã ra sân bay đón nhà lãnh đạo Ukraine tại sân bay Charles de Gaulle.

Trước đó, Điện Elysee cho biết tại cuộc gặp này, Tổng thống nước chủ nhà sẽ tái bảo đảm cam kết về chính sách hỗ trợ quân sự và nhân đạo của Paris với Kiev.

Về phần mình, trả lời phỏng vấn tờ Opinion ngày 14/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đánh giá: “Trên thực tế, họ (Nga) đã bước vào hình thái phụ thuộc liên quan đến Trung Quốc và đánh mất quyền tiếp cận khu vực Baltic, vốn có tầm quan trọng then chốt, vì họ đã thúc đẩy Thụy Điển và Phần Lan đưa ra quyết định gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)… Chỉ 2 năm trước đây, thực tế này là không tưởng. Vì vậy, đó là thất bại về mặt địa chính trị”.

Ông nhấn mạnh các nước cần tiếp tục hỗ trợ chiến dịch phản công của Ukraine và chuẩn bị nội dung liên quan tới “bảo đảm an ninh trong đàm phán sẽ diễn ra”.

Theo nhà lãnh đạo này một mặt, cấu trúc an ninh của châu Âu cần “bảo vệ hoàn toàn Ukraine”. Mặt khác, các nước cần đưa ra “chính sách không đối đầu với Nga và xây dựng lại thế cân bằng bền vững giữa các lực lượng”. Ông nhận định, các nước vẫn còn nhiều bước phải triển khai để đạt đến mục tiêu cuối cùng này.

* Trong khi đó, trả lời phỏng vấn tờ La Stampa (Italy) ngày 14/5, sau khi ông Zelensky gặp Giáo hoàng Francis II tại Vatican, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao nước này Antonio Tajani cho biết: “Italy sẵn sàng lắng nghe bất cứ đề xuất nào có thể kết thúc xung đột, nhưng quan điểm của chúng tôi (cũng như của Liên minh châu Âu và NATO) rất rõ ràng: Chúng tôi ủng hộ kế hoạch hòa bình 10 điểm của ông Zelensky. Không ai có thể tưởng tượng một giải pháp mà Kiev không chia sẻ. Nếu không, chúng ta sẽ nói không với hòa bình mà về sự thất bại của Ukraine”.

Ông cũng nhấn mạnh việc phải ngăn chặn sử dụng vũ khí hạt nhân, bao gồm cả các vũ khí hạt nhân chiến thuật, ở Ukraine bằng mọi giá, và tạo ra một vùng an toàn xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Trước đó ngày 30/4, Giáo hoàng Francis cho biết Vatican đang tham gia một nhiệm vụ bí mật để giải quyết xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, cả Nga và Italy đều cho biết rằng, họ không hề biết về nhiệm vụ của Vatican.

* Trong khi đó, Wall Street Journal (Mỹ) cho biết tại Hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius (Litva) tháng 7 tới, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) muốn đưa ra kế hoạch hỗ trợ ngay lập tức dành cho Ukraine, nhưng không phải là tư cách thành viên. Hiện NATO đang soạn thảo giải pháp thích hợp. Đồng thời, liên minh này có thể ám chỉ khả năng Ukraine gia nhập liên minh quân sự này trong tương lai.

Trong tháng 5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề nghị NATO gửi tín hiệu rõ ràng về khả năng Kiev gia nhập liên minh sau khi xung đột tại nước này kết thúc. Ông cũng thừa nhận thực tế rằng là Ukraine không thể trở thành quốc gia thành viên NATO trong thời gian chiến sự. Trước đó, có thông tin cho rằng tại Hội nghị thượng đỉnh trên, Kiev muốn đạt được công thức rõ ràng về khả năng Ukraine trở thành một phần của NATO.

(theo AFP/Ukrinform/Reuters/Wall Street Journal)