Trụ sở Bộ Ngoại giao Ukraine ở thủ đô Kiev. (Nguồn: Wikipedia) |
Ngày 31/1, Bộ Ngoại giao Ukraine đã triệu Đại sứ Hungary tại Kiev Istvan Ijgyarto tới để phản đối những bình luận gần đây của Thủ tướng Viktor Orban rằng, quốc gia đang chìm trong xung đột với Nga đã trở thành “vùng đất không người ở” giống như Afghanistan
Thông cáo của bộ trên có đoạn: “Chúng tôi đã nhấn mạnh với nhà ngoại giao Hungary rằng, luận điệu chống Ukraine, vốn xuất phát từ giới lãnh đạo Hungary trong một thời gian dài, là hoàn toàn không thể chấp nhận được và gây tổn hại rất lớn cho quan hệ hai nước”.
Bộ Ngoại giao Ukraine yêu cầu Hungary điều chỉnh hành vi để tránh “hậu quả không thể khắc phục được” đối với quan hệ song phương, đồng thời khẳng định, Kiev sẵn sàng thúc đẩy mối quan hệ láng giềng mang tính xây dựng với quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) này.
Budapest từ lâu đã chỉ trích các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga liên quan xung đột ở Ukraine, cho rằng chúng gây tổn hại cho nền kinh tế Hungary và châu Âu.
Cùng ngày, Điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho hay, trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc vào 2 ngày 5-6/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ thảo luận với giới chức nước chủ nhà về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Quan chức Nhà Trắng chia sẻ: “Tôi biết là ông Blinken đang hy vọng có thể giải quyết mọi vướng mắc, và đương nhiên là xung đột Ukraine sẽ nằm trong số những vấn đề mà chúng ta có thể kỳ vọng Ngoại trưởng nêu ra trong thời gian ở Trung Quốc”.
Theo ông Kirby, tiến trình đối thoại song phương về một số chủ đề, như quân đội hai nước và biến đối khí hậu, đã bị đình trệ bởi Trung Quốc phản đối chuyến thăm Đài Loan hồi tháng 8/2022 của Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là bà Nancy Pelosi. Nỗ lực khôi phục tiến trình đối thoại sẽ đặt lên vai Ngoại trưởng Blinken.
Cũng trong ngày 31/1, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry, đang ở thăm Moscow, đã có cuộc gặp Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev.
Ông Patrushev đã thông báo tóm tắt về những diễn biến mới liên quan xung đột Nga-Ukraine cho Ngoại trưởng Shoukrt trong khi người đứng đầu ngành ngoại giao Ai Cập kêu gọi tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng.
Ai Cập nằm trong Nhóm liên lạc Arab, được thành lập hồi tháng 3/2022, để giải quyết các tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine đối với khu vực Arab.
Tháng 4/2022, nhóm này đã tổ chức những cuộc đàm phán với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Moscow và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tại Warsaw (Ban Lan) nhằm tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho xung đột.
Cairo cũng nhiều lần kêu gọi tìm kiếm giải pháp chính trị cho xung đột Nga-Ukraine dựa trên đối thoại, đồng thời cảnh báo về những tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu ở cấp độ chính trị, an ninh và kinh tế đối với các nước Arab.