📞

Tình hình Ukraine: Lãnh đạo G7 nhóm họp, Mỹ-Nhật Bản xác nhận góp mặt

Bảo Hà 15:34 | 21/02/2022
Mỹ, Nhật Bản đồng loạt thông báo, lãnh đạo của các nước này sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới về Ukraine vào ngày 24/2 tới.
G7 triệu tập cuộc họp của các nhà lãnh đạo vào ngày 24/2 để thảo luận về tình hình Ukraine. (Nguồn: BBC)

Ngày 18/2, Đức, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), thông báo, các nhà lãnh đạo nhóm này sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến vào ngày 24/2 tới với chương trình nghị sự là cuộc khủng hoảng Ukraine.

Một người phát ngôn chính phủ Đức cho hay, các cuộc thảo luận trực tuyến sẽ là tiền đề cho một cuộc họp trực tiếp vào tháng 6 tới, song "cũng sẽ mở ra một cơ hội để trao đổi về các vấn đề hiện tại - đặc biệt là tình hình địa chính trị và đánh giá về tình hình ở các đường biên giới Nga-Ukraine".

Ngày 20/2, Nhà Trắng thông báo: "Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tham gia cuộc họp trực tuyến các nhà lãnh đạo G7".

Ngày 21/2, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno thông báo, Thủ tướng nước này Kishida Fumio sẽ tham dự hội nghị trực tuyến trên.

Ông nói: "Đó là điều hết sức quan trọng đối với G7, nơi chia sẻ các giá trị phổ quát như tự do, dân chủ và pháp quyền, để đoàn kết và lãnh đạo cộng đồng toàn cầu".

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế tìm cách hạ nhiệt căng thẳng xung quanh Ukraine sau khi Nga có động thái triển khai quân tới gần biên giới quốc gia Đông Âu.

Trước đó, ngày 19/2, các Ngoại trưởng G7 đã nhóm họp và ra tuyên bố chung về tình hình Ukraine.

Theo đó, tuyên bố cho rằng, chưa có bằng chứng cho thấy Nga đang giảm các hoạt động quân sự tại khu vực gần biên giới với Ukraine, đồng thời khẳng định vẫn dành mối quan tâm lớn tới diễn biến tại khu vực này.

Các ngoại trưởng kêu gọi Nga lựa chọn các biện pháp ngoại giao, rút quân khỏi khu vực gần biên giới với Ukraine và tuân thủ đầy đủ các cam kết quốc tế.

G7 cũng hối thúc Nga thực hiện các cam kết trong Thỏa thuận Minsk, sử dụng tầm ảnh hưởng ở Donbass để giảm leo thang căng thẳng ở khu vực này, đồng thời khẳng định sẵn sàng đối thoại với Nga về an ninh, xây dựng lòng tin và kiểm soát vũ khí ở châu Âu.

(theo Kyodo, Reuters)