Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, Nga sẵn sàng giúp đỡ các tàu chở ngũ cốc bị mắc kẹt tại các cảng của Ukraine để giảm bớt tình trạng thiếu hụt toàn cầu, song kèm theo điều kiện là phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga do việc phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Bài tập thực hành sơ cứu do các quỹ từ thiện tổ chức gần Nhà hát Opera quốc gia Lviv ở Lviv, Ukraine ngày 27/5. (Nguồn: Reuters) |
Thông tin trao đổi trên diễn ra trong cuộc điện đàm kéo dài 80 phút giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với ông Putin.
Theo Văn phòng Thủ tướng Đức, hai nhà lãnh đạo châu Âu “nhất quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức và rút quân đội Nga”.
Ông Macron và ông Scholz kêu gọi ông chủ Điện Kremlin có “các cuộc đàm phán trực tiếp nghiêm túc với Tổng thống Ukraine và (tìm) một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột”.
Các nước phương Tây ủng hộ Ukraine đang xem xét liệu có nên gửi thêm vũ khí cung cấp cho Kiev. Theo Điện Kremlin, Tổng thống Putin nói với hai nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) rằng việc tiếp tục cung cấp vũ khí là “nguy hiểm” và cảnh báo “về nguy cơ làm mất ổn định thêm tình hình và trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo”.
Ông cũng cho biết những khó khăn trong việc cung cấp ngũ cốc cho các thị trường thế giới là kết quả của “các chính sách kinh tế và tài chính sai lầm của các nước phương Tây”.
Điện Kremlin dẫn lời ông Putin cho biết, “Nga sẵn sàng giúp tìm ra các phương án để xuất khẩu ngũ cốc không bị cản trở, bao gồm cả việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ các cảng Biển Đen”.
Theo nhà lãnh đạo Nga, “việc gia tăng nguồn cung phân bón và nông sản của Nga cũng sẽ giúp giảm căng thẳng trên thị trường lương thực toàn cầu”.
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đã làm gián đoạn nguồn cung cấp phân bón, lúa mì và các mặt hàng khác từ hai nước, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ thiếu đói trên toàn thế giới.
Nga và Ukraine sản xuất 30% nguồn cung lúa mì toàn cầu. Phương Tây cáo buộc Putin sử dụng nạn đói như một vũ khí trong cuộc tấn công chống lại quốc gia láng giềng.
Văn phòng của ông Putin cũng cho biết, Moscow sẵn sàng tiếp tục đối thoại với Kiev. “Tổng thống Vladimir Putin xác nhận sự sẵn sàng của phía Nga trong việc nối lại đối thoại".
Trong diễn biến khác cùng ngày, Tổng thống Zelensky và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nói chuyện qua điện thoại về những diễn biến mới nhất ở Donbass và việc Nga đang phong tỏa các cảng của Ukraine tại Biển Đen tạo ra một sự thiếu hụt lương thực, đặc biệt là lúa mì trầm trọng trên thế giới.
Ông Johnson cho biết, Anh sẽ làm việc với các nước G7 để thúc đẩy tiến độ khẩn cấp nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Cuộc điện thoại diễn ra một ngày sau khi nhà lãnh đạo Anh thúc giục cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kiev khi nước này cố gắng ngăn chặn đà tiến công của Nga ở phía Đông.
Trong cuộc phỏng vấn trước đó trên truyền hình Hà Lan, Tổng thống Zelensky đã cảnh báo rằng Ukraine không thể chiến đấu “đến người cuối cùng” và “sẽ mất hàng trăm nghìn sinh mạng” để khôi phục các lãnh thổ của mình.
Ông nói thêm, việc quay trở lại các vị trí trước ngày 24/2 là chìa khóa cho các cuộc đàm phán, “chúng tôi chưa sẵn sàng từ bỏ Crimea hoặc Donbass”.
Bình luận của nhà lãnh đạo Ukraine được đưa ra sau khi một số chuyên gia, trong đó có cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, kêu gọi Kiev xem xét việc ngừng bắn.