Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) gặp người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky ở Washington D.C ngày 26/9. (Nguồn: AFP) |
Trang web chính thức của Nhà Trắng đăng tải tuyên bố của Tổng thống Biden cho biết, tại cuộc gặp, ông đã thông báo quyết định tăng viện trợ an ninh cho Ukraine, trong khi ông Zelensky trình bày về kế hoạch giành thắng lợi trước Nga.
Hai bên đã thảo luận các khía cạnh ngoại giao, kinh tế và quân sự trong kế hoạch của Tổng thống Ukraine, giao cho các quan chức tiếp tục trao đổi về các bước đi tiếp theo.
Gói viện trợ quân sự mới mà Mỹ dành cho Ukraine có tổng trị giá gần 8 tỷ USD. Phần lớn trong tổng số viện trợ nói trên, khoảng 5,5 tỷ USD, sẽ được phân bổ trước khi kết thúc năm tài chính của Mỹ vào ngày 30/9.
Trong khi đó, số tiền 2,4 tỷ USD sẽ được phân bổ theo Sáng kiến hỗ trợ an ninh Ukraine, theo đó, cho phép chính quyền Mỹ mua khí tài để viện trợ cho Ukraine từ các công ty, thay vì từ kho dự trữ của Mỹ.
Gói viện trợ đánh dấu việc lần đầu tiên cung cấp cho Ukraine một quả bom lượn dẫn đường chính xác có tên là Joint Standoff Weapon, với tầm bắn lên tới 130 km, đồng thời bổ sung hệ thống phòng không, máy bay không người lái và cũng như nhiều loại đạn dược khác.
Theo kế hoạch viện trợ này, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ giúp tân trang và cung cấp cho Ukraine thêm tên lửa Patriot. Tổng thống Biden yêu cầu Lầu Năm Góc mở rộng chương trình huấn luyện cho phi công của Ukraine để có thể vận hành máy bay F-16, trong đó có kế hoạch hỗ trợ huấn luyện thêm 18 phi công vào năm tới.
Tái khẳng định việc hỗ trợ Kiev vẫn là ưu tiên hàng đầu của Mỹ, Tổng thống Biden cho biết, ông sẽ triệu tập cuộc họp của các lãnh đạo Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine vào ngày 12/10 tại Đức, để phối hợp các nỗ lực của hơn 50 nước ủng hộ quốc gia Đông Âu.
Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine là một liên minh bao gồm 32 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU), cùng nhiều quốc gia khác, đã tổ chức các cuộc họp hàng tháng kể từ giữa năm 2022 để hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Tại Mỹ, Tổng thống Ukraine đã có cuộc gặp Phó Tổng thống Kamala Harris. Sau cuộc gặp, bà Harris tuyên bố, những người ủng hộ Ukraine đánh đổi lãnh thổ lấy hoà bình là ủng hộ “đề xuất đầu hàng”.
Về vấn đề này, hãng tin Sputnik dẫn lời người phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết, quyết định có nên trao đổi bất kỳ vùng lãnh thổ nào của Ukraine để chấm dứt cuộc xung đột đang diễn ra hay không tùy thuộc vào Tổng thống Zelensky và Washington không chỉ đạo gì về đàm phán lãnh thổ "theo cách này hay cách khác".