Vấn đề an toàn tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia tiếp tục gây tranh cãi giữa Nga và Ukraine. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 20/6, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hội đàm “rất hiệu quả” với các nhà lãnh đạo châu Phi hôm 17/6, đồng thời vẫn sẵn sàng đối thoại và liên lạc về Ukraine.
Tuy nhiên, theo ông Peskov, chiếu theo “lịch sử lập trường” của Kiev, “khó có thể nói về những cơ sở ổn định” cho hòa đàm.
* Cùng ngày, phát biểu trên Đài truyền hình quốc gia, Giám đốc Cơ quan tình báo quân đội Ukraine Kirillo Budanov cáo buộc Moscow “khai thác” ao làm mát sử dụng để giữ mát cho các lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, Nam Ukraine. Tuy nhiên, quan chức này không cung cấp bằng chứng cho khẳng định của mình.
Hiện Nga chưa đưa ra bình luận gì về phát biểu trên của đại diện Ukraine.
Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, với tổ hợp 6 lò phản ứng, đã bị lực lượng Nga kiểm soát hồi tháng Hai năm ngoái. Hai bên cáo buộc nhau pháo kích nhà máy này và các khu vực xung quanh.
Đến nay, các nỗ lực quốc tế về thiết lập một khu phi quân sự xung quanh nhà máy vẫn chưa thành công.
* Trong một tin khác, viết trên Facebook, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko cho biết, “Đại sứ quán Ukraine tại Budapest đã tìm cách hồi hương ba tù binh Ukraine từ Hungary”.
Cũng theo ông Nikolenko, các nhân viên ngoại giao nước này và các ban ngành liên quan khác đang nỗ lực để đưa những tù nhân còn lại hồi hương. Trước đó, ngày 9/6, Hungary cho biết đã tiếp nhận một nhóm 11 tù binh Ukraine từ Nga.
* Trong khi đó, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, tại Hội nghị thượng đỉnh ngày 29-30/6 tới, lãnh đạo các nước thành viên sẽ kêu gọi Trung Quốc có vai trò tích cực hơn trong chấm dứt xung đột tại Ukraine và tham gia giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu.
Đồng thời, quan chức này cho biết, dự thảo kết luận phù hợp với tuyên bố của Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) từ tháng Năm, nhưng liên quan đến các vấn đề cụ thể hơn giữa EU và Trung Quốc, chẳng hạn như tái cân bằng quan hệ kinh tế và nhu cầu có đi có lại.
Đề cập chính sách của EU nhằm giảm sự phụ thuộc của kinh tế vào Trung Quốc, quan chức này nhận định: “Theo tôi, quan trọng là chúng ta phải đặt ra khái niệm giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa”.
* Trong khi đó, phát biểu về xung đột tại Ukraine trong họp báo chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris ngày 20/6, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni khẳng định: “Chắc chắn rằng Italy và Pháp sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine chừng nào còn cần thiết”.
Khi nhấn mạnh cam kết của Pháp-Italy, bà Meloni cho biết, hệ thống phòng không SAMP/T-MAMBA mà hai nước đã nghiên cứu trong nhiều tháng hiện đang hoạt động trên thực địa tại Ukraine.
Về phần mình, Tổng thống Pháp cho biết, Paris và Rome thống nhất ủng hộ Kiev.