Nga được cho là đã lần đầu tiên sử dụng UAV tấn công hạng nặng S-70 Okhotnik tại Ukraine. (Nguồn: YouTube) |
* Ngày 27/6, gặp gỡ các phi công ở Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, kể từ khi chiến dịch phản công, Ukraine đã mất 259 xe tăng, 780 xe bọc thép. Theo ông, riêng tại hướng Orekhovskoye, nơi Kiev coi là hướng tấn công chính, trong 7 ngày qua, Các lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) đã mất 280 phương tiện, trong đó có 41 xe tăng và 102 xe bọc thép.
Trước đó, họp với các phóng viên chiến trường ngày 13/6, Tổng thống Putin tuyên bố, quân đội Ukraine đang chịu tổn thất nặng nề trong cuộc phản công bất thành ở bất kỳ hướng nào. Theo ông, Ukraine đã mất 160 xe tăng và 360 xe bọc thép.
* Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, Nga không hay biết về một cuộc họp quốc tế vừa diễn ra “bí mật” tại Copenhagen (Đan Mạch) hay các cuộc thương lượng sắp tới về Ukraine.
Trước đó một ngày, kênh ARD (Đức) cho biết, một cuộc họp quốc tế về Ukraine với sự tham dự của các nhà ngoại giao phương Tây, Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đã diễn ra hôm 24/6 tại Copenhagen. Sau cuộc gặp này, các cuộc đàm phán chính thức để dàn xếp vấn đề Ukraine có thể diễn ra vào tháng Bảy tới.
Cũng theo ARD, hiện phương Tây đang tìm cách đảm bảo sự hỗ trợ của các quốc gia BRICS vốn vẫn giữ quan điểm trung lập về vấn đề Ukraine.
* Ngày 27/6, kênh Telegram “Mash” dẫn nguồn truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Các lực lượng vũ trang Nga (VS RF) đã lần đầu tiên dùng máy bay không người lái (UAV) tấn công hạng nặng S-70 Okhotnik trong xung đột tại Ukraine.
Kênh này đã đăng tải một bức ảnh, được cho là hình ảnh đầu tiên của Okhotnik trong các đợt tấn công của Moscow. Theo đó, loại UAV này có thể đã được dùng để tấn công cơ sở của VSU ở tỉnh Sumy.
UAV S-70 Okhotnik lần đầu tiên cất cánh vào năm 2019. Người ta cho rằng, khối lượng của UAV hạng nặng này có thể lên tới 20 tấn, với khả năng mang theo bom dẫn đường, tên lửa và bom rơi tự do với các khoang bên trong và các điểm treo bên ngoài.
Tháng 2/2022, hãng TASS (Nga) trích dẫn nguồn tin chính phủ nước này cho biết, nhà máy hàng không Novosibirsk mang tên V.P. Chkalov sẽ được hiện đại hóa trong 5 năm để tăng cường sản lượng chế tạo UAV Okhotnik.
* Trong khi đó, ngày 27/6, Thống đốc vùng Donetsk do Ukraine bổ nhiệm, ông Pavlo Kyrylenko cho biết: “Hai quả tên lửa đã bắn vào Kramatorsk... trúng một cơ sở thực phẩm ở trung tâm thành phố".
Viết trên Telegram, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Ihor Klymenko cho hay, vụ tấn công nêu trên của phía Nga đã khiến 2 người thiệt mạng và 22 người bị thương. Kramatorsk, từng có 150.000 dân, là thành phố lớn cuối cùng nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine ở phía Đông và cách khu vực giao tranh 30 km.
* Cùng ngày 27/6, trong một tuyên bố, Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak cho biết, Kiev hy vọng sẽ nhận được các máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên từ các đồng minh phương Tây vào cuối năm 2023, đồng thời giải thích, “liên minh không quân” bày tỏ họ sẵn sàng cung cấp cho Kiev các chiến đấu cơ F-16.
Theo quan chức Ukraine, một số nước đã thông báo sẽ giao máy bay ngay trong năm nay, tuy nhiên, đại diện các nước khác cam kết sẽ chỉ gửi máy bay chiến đấu trong tương lai dài.
Trước đó, một số nguồn tin cho biết, Hà Lan và Đan Mạch sẽ là nước đầu tiên gửi F-16 tới Ukraine và tham gia quá trình đào tạo phi công cho quốc gia Đông Âu. Trong khi đó, Bỉ, Ba Lan, Bồ Đào Nha và Na Uy sẽ tham gia vào việc này trong tương lai.
* Về vấn đề gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), viết trên Telegram, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định: “Có mọi lý do cho một lời mời chính trị để Ukraine gia nhập NATO”.
Ông cũng yêu cầu một bảm đảm an ninh từ NATO nếu Kiev chưa được trao tư cách thành viên của liên minh thời gian tới. Theo nhà lãnh đạo này, đã có “sự nhận thức đầy đủ về bảo đảm an ninh đối với Ukraine cho đến khi gia nhập”, song không nêu chi tiết.
Trước đó, ông Zelensky đã tích cực thúc đẩy để Ukraine trở thành một phần của NATO. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này cũng hiểu rằng, Kiev sẽ không thể làm điều này khi xung đột vẫn chưa kết thúc.
Ông cho biết hiện Kiev đang nỗ lực “để các quyết định tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius thực sự có ý nghĩa”.
* Trong khi đó, nhận định về tình hình tại Ukraine, nhà phân tích Graham Allison, viết trên tờ Washington Post (Mỹ) cho rằng, VSU cần đạt một ưu thế thế rõ rệt những tuần tới để tiếp tục phản công. Bằng không, các đơn vị nhất định trên khu vực giao tranh sẽ bị bao vây và các đụng độ kéo dài tranh giành cứ điểm sẽ bắt đầu.
Khi đó, Ukraine sẽ gặp nhiều khó khăn để triển khai và thậm chí có thể buộc phải tạm ngừng chiến dịch phản công.