Nga hiện đang duy trì 2.500 quân tại biên giới Belarus-Ukraine, song Kiev cho rằng, các lực lượng này chủ yếu đang trong quá trình đào tạo và chưa gây ra mối đe dọa tại khu vực. (Nguồn: Getty Images) |
Ngày 15/5, người phát ngôn của Lực lượng biên phòng Ukraine Andriy Demchenko cho biết, tình hình ở biên giới Ukraine-Belarus vẫn nằm trong tầm kiểm soát và quân số Nga ở Belarus đã giảm mạnh xuống còn khoảng 2.500 người.
Giải thích rằng, theo quy định, quân đội Nga tham gia huấn luyện hoặc tập trận và ở lại các cơ sở huấn luyện, quan chức này cho biết, Moscow đang đưa các đơn vị đã trải qua khóa huấn luyện ở Belarus về nước, sau đó điều họ đến hướng Đông để bổ sung lực lượng trong xung đột tại Ukraine.
Theo dữ liệu của Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự hình thành các nhóm tấn công của Nga ở các hướng Volyn và Polissia giáp Belarus.
Tuy vậy, Kiev cho rằng, Moscow sẽ tiếp tục sử dụng lãnh thổ và cơ sở vật chất kỹ thuật của Belarus để huấn luyện và nâng cao khả năng phối hợp tác chiến của binh sĩ Nga sau các đợt động viên để tham gia xung đột tại Ukraine.
* Trong một tin liên quan, ngày 15/5, Tư lệnh lực lượng phòng thủ tên lửa thuộc lục quân Mỹ, Trung tướng Daniel Karbler cho biết, Washington sẵn sàng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm sắt tại Ukraine nếu được Kiev yêu cầu để tự vệ trước các đòn tấn công bằng tên lửa của Nga.
Phát biểu tại phiên họp Tiểu ban lực lượng chiến lược và phòng thủ tên lửa của Lực lượng vũ trang thuộc Thượng viện Mỹ, ông cho biết, nước này hiện đang có 2 khẩu đội Vòm sắt, trong đó có 1 khẩu đội đã hoàn tất khâu trang bị và huấn luyện sử dụng còn khẩu đội thứ 2 cũng đang trong quá trình hoàn thành khóa đào tạo sử dụng thiết bị. Vì thế, quân đội Mỹ đang có sẵn 1 (khẩu đội Vòm sắt) để triển khai nếu nhận được yêu cầu từ phía Ukraine.
Tuy nhiên, Israel (nhà sản xuất hệ thống trên) sẽ quyết định có cấp phép cho Mỹ trang bị loại vũ khí này cho Ukraine hay không. Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã từ chối đưa ra bình luận về thông tin này.
Trong khi đó, cùng ngày, Kiev đã chỉ trích chuyến thăm Moscow ngày 5/5 của Phó Vụ trưởng Bộ Ngoại giao Israel phụ trách các vấn đề chiến lược Joshua Zarka và Phó Vụ trưởng phụ trách khu vực Á-Âu Simona Halperin khi “tiếp tục hợp tác bình thường” với Nga.
* Cũng trong ngày 15/5, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết, nước này sẵn sàng đào tạo phi công máy bay chiến đấu Ukraine trên lãnh thổ Pháp và chương trình đào tạo này có thể bắt đầu ngay lập tức.
Trong chuyến thăm của người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tới Paris hôm 14/5, ông Macron đã không nói về việc cung cấp máy bay chiến đấu cho Kiev, song cả hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về việc gửi tên lửa và đào tạo phi công cho đất nước Đông Âu.
* Ngày 15/5, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh dân chủ Copenhagen, Tổng thống Czech Petr Pavel nói: “Xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng tới tương lai của chúng ta, không chỉ ở châu Âu mà còn trên toàn thế giới, bởi vì kết quả của nó sẽ quyết định cấu trúc an ninh toàn cầu và bản chất các mối quan hệ quốc tế nói chung".
Theo cựu Tướng quân đội và Chủ tịch Ủy ban quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nguy cơ tiếp tục xung đột rất cao, không chỉ liên quan đến hai láng giềng (một nước sở hữu vũ khí hạt nhân, một nước lớn ở châu Âu) mà còn lan sang một số nước khác.
Cho rằng, Nga có thể không phải là thách thức duy nhất và về lâu dài, Trung Quốc thậm chí có thể trở thành bài toán lớn hơn, chính trị gia này nhận định, cách duy nhất để một thế giới dân chủ tiếp tục tồn tại là tăng cường đoàn kết, không chỉ trong Liên minh châu Âu (EU) hay NATO, mà còn giữa người dân trên toàn thế giới.